| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng NN-PTNT: Cẩn thận gậy ông đập lưng ông nếu găm hàng, 'thổi' giá lợn

Chủ Nhật 22/12/2019 , 15:38 (GMT+7)

Bộ trưởng NN-PTNT đưa ra cảnh báo những hậu quả người nuôi hay các công ty chăn nuôi phải đối mặt nếu có ý định găm hàng, thổi giá lợn lên cao.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo các hậu quả nếu găm hàng, 'thổi' giá lợn.

Sáng 22/12, sau khi thăm một số trang trại nuôi lợn, gà tiêu biểu ở tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ về nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn trong dịp Tết âm lịch sắp tới.

"Qua quá trình kiểm tra công tác chăn nuôi, các địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về tập trung tăng cường sản xuất đa dạng các loại thực phẩm, gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng hơn 6% và đại gia súc tăng 4,5%", người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết.

Riêng về lợn, Bộ trưởng cho biết sau khi dịch giảm xuống mức có thể kiểm soát được thì công tác tái đàn đang được đẩy mạnh, tín hiệu đáng mừng là tái đàn ở công ty lớn hay trang trại quy mô gia đình đều đảm bảo rất nghiêm ngặt quá trình đảm bảo an toàn sinh học.

Để đối mặt với nhu cầu thực phẩm sắp tăng cao vào cuối năm, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra 3 giải pháp, đầu tiên là tăng cường sản xuất, tăng sản lượng, không chỉ về lợn mà còn là nhiều nguồn thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản hay gia súc. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, ngăn chặn tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc. Công tác này vừa có thể ổn định thị trường trong nước, vừa ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch tả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại gà thả vườn quy mô hàng ngàn con ở Tân Yên, Bắc Giang.

Cuối cùng, quan trọng nhất, Bộ trưởng NN-PTNT nhấn mạnh công tác thương mại cần được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng trục lợi, găm hàng.

Theo ông, nếu găm hàng, người chịu hậu quả trước tiên là người nuôi vì khi quá lứa thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm.

Thứ hai, thời tiết cuối đông đầu xuân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh và cuối cùng nếu khi thị trường quay lưng, không dùng thịt lợn nữa do giá cao thì chắc chắn sẽ lỗ.

Bộ trưởng cho rằng, các công ty chăn nuôi lớn, giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ 'gậy ông đập lưng ông', người tiêu dùng quay lưng, nguồn hàng nhập tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà.

Một giải pháp nữa mà bộ trưởng đưa ra là cần tìm cách giảm các khâu trung gian, rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu dùng để giảm giá thành.

Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngoài các giải pháp như trên, điều cần thiết là tìm ra một giải pháp lâu dài, từ năm 2020 trở đi để đối mặt với các nguy cơ xảy ra các đợt dịch lớn như vừa qua.

Bên cạnh đó, cần có chiến dịch lâu dài để phát triển hài hòa các nhóm thực phẩm, vừa đảm bảo an toàn chăn nuôi, an toàn kinh tế vừa cân đối dinh dưỡng được bữa ăn cho người Việt.

Bộ trưởng biểu dương các chủ trại gà đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi sau khi gặp dịch tả lợn châu Phi.

Mô hình trang trại lợn của bà Hoàng Thị Thái mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến thăm ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang đang có khoảng 8.000 lợn thịt, dự kiến sản lượng bán ra thị trường từ nay đến Tết vào khoảng 300 tấn.

Theo bà Thái, giá lợn cao như hiện nay chỉ mang tính thời điểm và điều người chăn nuôi như bà mong muốn là mức giá ổn định chứ không phải cao. Chủ trang trại này cho rằng, nếu giá cao sẽ nhiều người ồ ạt đầu tư, dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa như năm 2017.

Bà cũng khẳng định trang trại mình không có tình trạng găm hàng, chờ giá tăng vì phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, hết bảo hộ vắc xin và tốn kém thức ăn, chuồng trại.

Sáng 22/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đến thăm 2 mô hình trang trại gà với quy mô hàng ngàn con tại huyện Tân Yên. Chủ trại đều là những gia đình từng chăn nuôi lợn nhưng sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu, chuyển sang nuôi gà và đã sẵn sàng xuất bán phục vụ thị trường Tết.
 

Tái đàn lợn, tái cơ cấu chăn nuôi

Bắc Giang là tỉnh trọng điểm về chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đàn có khi lên đến 1,3 triệu con, đứng thứ 3 của cả nước. Vào lúc cao điểm dịch tả, đàn lợn của tỉnh bị giảm mạnh nhưng đến nay tình hình đã được kiểm soát, có 220 xã đã qua 30 ngày không tái dịch, chỉ có 9 xã chưa qua 30 ngày.

"Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sở tham mưu cho tỉnh, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước khi tái đàn. Sở NN-PTNT Bắc Giang tổ chức 10 đoàn công tác về các huyện, thành phố hướng dẫn cho người dân công tác tái đàn, nhất là các trang trại, hộ chăn nuôi lớn", ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng chia sẻ về cơ cấu chăn nuôi của tỉnh sau dịch tả lợn châu Phi.

Qua thời gian tái đàn, lượng lợn của Bắc Giang đã tăng trở lại với số lượng hiện nay vào khoảng 900.000 con, đảm bảo tốt cho nhu cầu thực phẩm cho người dân trong tỉnh. Ngoài ra, mỗi ngày Bắc Giang đang xuất khoảng 400-500 con lợn cho các tỉnh lân cận.

Hiện nay, giá lợn cao và người chăn nuôi có thu nhập lớn nhưng cơ quan quản lý vẫn khuyến khích chủ trại xuất bán khi đạt trọng lượng hợp lý, khoảng 120-130 kg để vừa có hiệu quả kinh tế vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang thông tin, quá trình tái đàn được kiểm soát rất nghiêm ngặt, đơn vi tổ chức thẩm định và hướng dẫn kỹ các điều kiện cần thiết cho các cơ sở chăn nuôi có khả năng tái đàn. Trong khi đó, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mặc dù có nhiều nhu cầu nhưng sở vẫn khuyến cáo chuyển sang loại hình chăn nuôi khác như trâu bò, gà, vịt, dê...

Theo ông Tùng, trước tình hình dịch tả, tỉnh đã sớm chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, trong đó tập trung vào phát triển đàn gia cầm với số lượng xấp xỉ 17 triệu con, tăng 7-8% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh vào khoảng 40%, phần còn lại được xuất đi các tỉnh ở miền Bắc.

Việc vỗ béo đàn trâu bò cũng được quan tâm, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình chăn nuôi gia súc với quy mô từ 20-100 con. Đàn bồ câu thương phẩm của tỉnh đạt 50.000 con, sản lượng cá cũng đạt 40.000 tấn, góp phần vào nguồn thực phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất