| Hotline: 0983.970.780

Nhiều giải pháp bình ổn giá thịt lợn những tháng cuối năm

Thứ Năm 19/12/2019 , 07:03 (GMT+7)

Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các hoạt động đầu cơ, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn.

Giá lợn hơi ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg

Theo tin từ Bộ Công thương, từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, đặc biệt là từ cuối tháng 10 đến nay giá thịt lợn tăng rất mạnh (tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019).

Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao, lợn hơi hiện ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019.

Việc tăng giá là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính, đầu tiên phải đề cập đến là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2019, sau đó bùng phát trên phạm vi cả nước.

Số lượng lớn lợn bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy cùng với việc không thể tái đàn do dịch chưa được khống chế, chưa có vacxin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay)...

Một nguyên nhân nữa là nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
 

Giá đắt nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức cao

Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Theo Bộ NN-PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Trong thời gian tới, do dịch tả lợn Châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhập khẩu thịt lợn, đây sẽ là nhân tố làm giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.

Về nhu cầu, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020).

Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5 - 10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.
 

Xử lý nghiêm việc đầu cơ, ép giá

Thực hiện kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019, Bộ Công thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.

Giá lợn hơi hiện ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Cụ thể, Bộ chỉ đạo ngành Công thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, địa phương tổ chức các đoàn công tác để bảo đảm cân đối cung cầu; tổ chức nhiều hội nghị kết nối để đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Bộ Công thương đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đưa ra các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn.

Theo đó, ngoài huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác (Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau tết), các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.

Lượng nhập khẩu chưa bù đắp lượng thiếu hụt

Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam.

Khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn là yếu về cơ sở hạ tầng để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn.

Trong 10 tháng của năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là Đức, sau đó là Hoa Kỳ, Hà Lan. Lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết…

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.