| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Tô Lâm: Có cán bộ công an 'bảo kê' tội phạm

Thứ Ba 04/06/2019 , 08:07 (GMT+7)

Bộ trưởng Tô Lâm đang trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề nóng như: ma túy, ngáo đá, tai nạn giao thông, buôn bán người, tín dụng đen...

 

Sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn.

 

Đại hiểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn: Thời gian vừa qua, nhiều đồng chí chiến sỹ Công an nhân dân, trong đó có cả cấp tướng vi phạm. Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình trên đây? Biện pháp căn cơ giải quyết vấn đề này như thế nào để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Đối với lực lượng công an, luôn phải đối mặt với tội phạm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó các loại tội phạm dùng nhiều chiêu trò lôi kéo. Cán bộ công an cần giữ vững sự trong sạch. Khi phát hiện những cán bộ sai phạm sẽ xử lý nghiêm túc, đưa ra khỏi lực lượng.

Bộ Công an kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong nội bộ, không có vùng cấm. Nếu có, chỉ là cán bộ cá biệt, Bộ có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển để phòng tránh tình trạng này. Chúng tôi sẽ cho cơ quan chức năng liên hệ với đại biểu để làm rõ hơn về những trường hợp này.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chất vấn: Quyền nhờ luật sư thời gian qua ở trại giam có được đảm bảo không?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Quyền của bị can, bị cáo, của người thi hành án được bảo đảm bằng mặt luật pháp từ lúc ban đầu, được tạo điều kiện thuận lợi nhất để luật sư tiếp cận. Trong quá trình thi hành án cũng như vậy. Người đang thi hành án trong trại giam cũng được đảm bảo hưởng quyền này

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) chất vấn: Xảy ra tình trạng khi khởi tố vụ án liên quan đến các đối tượng có tiền, có vị trí thì đối tượng bỏ trốn, liệu có lộ tin hay không?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Giải pháp của Bộ Công an đối với các đối tượng bỏ trốn là về mặt tố tụng hình sự, sẽ không để lọt tội phạm và cũng không bắt oan người vô tội.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn: Đường biên giới dài thế không có người, và đường tắc cũng vì không có người kiểm soát. Vậy, giải bài tóan về lực lượng như thế nào? Hay là việc người Việt Nam sử dụng pháp nhân để mua đất, mua nhà cho người nước ngoài. Vậy làm thế nào để giải quyết?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Đại biểu Dương Trung Quốc nói về tinh giảm biên chế, trước đây theo quy định, lực lượng công an triển khai ở khu vực biên giới chủ yếu là Bộ đội Biên phòng. Chúng tôi cũng đề nghị là tới đây phải tăng cường lực lượng công an ở cơ sở, kể cả lực lượng ở các xã biên giới. Các giải pháp cần tập trung là sự huy động tham gia của các ngành, các cấp, quần chúng nhân dân, chứ không phải tăng thêm lực lượng công an.

Về vấn đề người Việt Nam sử dụng pháp nhân để mua đất, mua nhà cho người nước ngoài, chúng ta tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự. Bộ Công an sẽ có tính toán, đề xuất với các ngành liên quan để quản lý vấn đề này.

 

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chất vấn: Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an đã có giải pháp gì để xử lý tội phạm trên mạng xã hội và internet?

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Từ 2018 đến quý I/2019, Bộ Công an đã khởi tố 448 vụ, 876 bị can liên quan sử dụng công nghệ cao. Thách thức hiện nay là diễn biến phức tạp từ thế giới, ảnh hưởng đến trong nước. Đây là loại tội phạm xuyên biên giới, nặc danh nên khó điều tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân, tập thể và chủ quan với cảnh báo về an ninh mạng. Ngoài ưu thế, mạng internet có nhiều bất cập, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều sơ hở.

Đây là vấn đề của toàn thế giới, nhiều nước, thậm chí Mỹ cũng phải đối phó với nhiều thách thức. Trình độ và trang bị hiện nay, đặc biệt ở các địa phương còn nhiều hạn chế, có thể nói là cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng.

Bộ Công an sẽ có các giải pháp, ví dụ như tăng cao nhận thức...

 

Đại biểu Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) chất vấn: Tình hình an ninh trật tự vùng nông thôn rất phức tạp, các băng nhóm đánh nhau bằng hung khí, nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng sử dụng chất ma túy. Sau khi điều 199 trong Bộ Luật hình sự 1999 không còn hiệu lực, thì tình hình sử dụng ma túy ra sao? Các giải pháp để kiểm soát vấn đề này?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Thời gian vừa qua, ngành công an phat hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn, đây là phương thức mới mà trước đây chưa có. Các đường dây này chủ yếu do người nước ngoài điều hành, từ việc vận chuyển vào việt Nam đến kinh doanh trong nước. Ý đồ của bọn chúng là biến Việt Nam thành điểm chung chuyển ma túy. Lượng ma túy đến đây 80% là vận chuyển sang nước thứ 3, kể cả Mỹ latinh, châu Âu, châu Úc, và chúng tôi cũng đã phối hợp với công an quốc tế để bẻ gãy các đường dây này.

Thậm chí, bọn chúng còn có ý đồ đưa phương tiện, máy móc để sản xuất ma túy ngay tại Việt Nam, nhưng chúng tôi đã phát hiện và ngăn chặn.

Cảnh sát khu vực, công an xã sẽ phân chia những khu vực trọng điểm để kiểm soát các đối tượng ma túy. Việc phối hợp ngăn chặn đang dần trở nên nhuần nhuyễn, từ việc ngăn chặn ma túy vào Việt Nam, buôn bán trong nước đến quản lý các đối tượng nghiện. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Cử tri hết sức lo lắng về vấn đề buôn bán ma túy số lượng lớn, sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn. Thậm chí, nhiều người không biết sáng đi ra đường, chiều có thể về được nhà không? Xin bộ trưởng cho biết phương hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Mục tiêu của lực lượng công an là điều tra khám phá nhanh, vạch trần tội phạm, ngăn ngừa tội phạm. Mục tiêu cao hơn là tạo môi trường an ninh, an toàn cho từng người dân. Một xã hội không có tội phạm, giảm tội phạm mới là mục tiêu của chúng ta. Bộ Công an đang tập trung xử lý vấn đề này, trong đó có cả an toàn giao thông.

Điều này không chỉ là vấn đề cho người Việt, mà còn cho cả khách du lịch nước ngoài. Chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành, gồm cả ngành Giao thông để có đường đi thông thoáng cho người dân.

Bộ Công an đang tiếp tục nghiên cứu luật, đề xuất với Quốc hội để xử lý tình trạng an toàn giao thông. Tôi lấy ví dụ biện pháp đo nồng độ cồn, có thể từ hôm nay không thể thực hiện. Nếu luật không cấm, thì việc đo nồng độ là rất khó khăn.

 

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Hiện nay tình trạng ma túy diễn ra hết sức phức tạp, trong đó có nguyên nhân chúng ta xem người nghiện ma túy là một con bệnh. Vậy có nên khôi phục lại tội sử dụng ma túy như trước hay không?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Bộ Công an sẽ nghiên cứu nhằm sửa đổi luật về Phòng chống ma tuý, có khả năng khôi phục điều 199 trong Bộ Luật hình sự 1999. Đây là cơ chế quản lý người nghiện, không được để tăng lượng người nghiện ma tuý.

Khi nhu cầu ma tuý trong nước giảm, sẽ giảm nguy cơ về tội phạm ma tuý. Nếu kiểm soát được, sẽ có điều kiện thuận lợi để kiểm soát người nghiện.

Cần tăng cường xử lý hình sự với các đối tượng nghiện bên cạnh các biện pháp hành chính.

 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: Bắt lượng ma túy lớn là chiến công của ngành công an. Tuy nhiên, trách nhiệm của lực lượng đóng trên địa bàn tới đâu, khi để hàng tấn ma túy tập kết ở đó. Phải chăng có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ thoái hóa, biến chất?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: quochoi.vn.

Theo lời Bộ trưởng Tô Lâm, về đảm bảo trật tự cơ sở, Bộ Công an và cá nhân ông rất quan tâm. Việc bố trí công an chính quy ở cấp xã là rất chính xác, việc đảm bảo an ninh trật tự phải thực hiện ở từng hộ dân, từng bản làng, từng xóm, từng khu phố. Các xã tốt thì huyện tốt, các huyện tốt thì tỉnh tốt. Và muốn giảm được tội phạm thì vấn đề đảm bảo an ninh trật tự rất quan trọng. Những vấn đề mâu thuẫn, những nguy cơ tạo ra tội phạm phải giải quyết nhanh từ cơ sở.

Vấn đề thứ hai, về quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng thấy vấn đề tội phạm ma túy sẽ nảy sinh thêm trộm cắp, cướp của, giết người. Bộ Công an lượng tính mỗi bánh ma túy lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình đi tù, vi phạm pháp luật. Thành ra tội phạm ma túy là tội phạm hết sức nguy hiểm. Trong trại cải tạo hiện nay, có 50-60% người liên quan đến ma tuý. Bộ Công an sẽ tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma tuý, thậm chí, khôi phục lại điều 199 trong Bộ Luật hình sự 1999 với người sử dụng ma tuý. Bởi đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Trước đây, chỉ tập trung vào các vụ việc nhỏ lẻ, vận chuyển thuê, bây giờ sẽ tập trung triệt phá các đường dây lớn.

Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó công an là lực lượng nòng cốt. Thủ trưởng công an các đơn vị chịu trách nhiệm vấn đề. Bộ Công an sẽ chấn chỉnh từ cấp phường, xã trở đi. Về việc "bảo kê" tội phạm, thì phải nói tội phạm không từ thủ đoạn nào tấn công lực lượng. Từ làm quen, mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí đe dọa dùng vũ lực không chỉ với cán bộ công an mà với cả gia đình của họ.

Một số cán bộ không chịu đựng được nên xảy ra tình trạng làm ngơ, thậm chí bảo kê tội phạm. Chúng tôi đã xử lý rất nghiêm chuyện 'bảo kê", không có vùng cấm ở bất kể cấp nào. Tuy nhiên, cũng phải tính đến việc bảo vệ cán bộ.

 

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn: Thời gian qua công tác đấu tranh, xử lý một số vụ dâm ô trẻ em gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là quá trình điều tra, khởi tố tại cấp huyện, ví dụ vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ, chỉ thay đổi quyết định khi xuất hiện áp lực của dư luận. Xin bộ trưởng cho biết, xảy ra tình trạng trên là do đâu? Câu hỏi này tôi xin gửi tới Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mong được giải đáp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh: quochoi.vn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời: Về vụ hiếp dâm bé gái ở Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị Viện kiểm sát của huyện Chương Mỹ, Viện Kiểm sát huyện đã phê chuẩn. Nhưng, về vấn đề sợ oan sai nên chỉ để tội là dâm ô trẻ em, hay yếu kém về nghiệp vụ như đại biểu Hoa hỏi, thì chúng tôi đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát TP Hà Nội kỷ luật lại Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ, vì thái độ trong xử lý công việc chưa tốt, vì đây là loại tội phạm đang bị dư luận lên án, thậm chí, các kết quả giám định còn thể hiện khá rõ những thương tích của cháu bé.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) chất vấn: Trong báo cáo số 428, Bộ Công an đề cập về vấn đề tín dụng đen, nhưng chưa đề cập nhiều về hoạt động của các nhóm xã hội đen như bảo kê, can thiệp hoạt động của cơ quan chức năng. Vậy mức độ hoạt động của các nhóm xã hội đen hiện nay như thế nào?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Các đối tượng hình sự có dấu hiệu cải tà quy chính, gác kiếm làm ăn, nhưng bản chất vẫn vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang điều tra vấn đề này, không chỉ về tín dụng đen mà còn về khai thác cát sỏi, hoặc sử dụng các đối tượng hình sự đứng sau. Chúng ta vẫn thường gọi là xã hội đen.

Chúng sử dụng đàn em, chân tay xăm trổ để hoạt động. Thậm chí từ thủ đoạn đơn giản ban đầu là lôi kéo, mua chuộc, rồi sau đó sử dụng vũ lực, thậm chí vu khống cả lực lượng trấn áp tội phạm. Đây được xác định là loại tội phạm hết sức nguy hiểm.

Bộ Công an đang xem xét tội phạm tín dụng đen, xuất phát từ quan hệ dân sự thông thường nhưng lợi dụng để hoạt động. Những người đi vay, cũng có nhiều biểu hiện liên quan đến tội phạm. Người kinh doanh thông thường khó có thể đảm bảo mức lãi suất 300%, đa số là cờ bạc, buôn bán hàng lậu nên bất chấp lãi suất.

Những người cho vay, lập ra các nhóm tín dụng đen cũng là tội phạm, đằng sau là có hoạt động phạm tội. Thường đứng đầu là đối tượng hình sự hoặc nuôi các đối tượng hình sự để phục vụ mục đích siết nợ.

Đây là mầm mống tội phạm, Bộ Công an đang nghiên cứu để có kiến nghị.

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề gian lận thi cử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Cho đến thời điểm này, công an đã điều tra việc gian lận thi cử tại kỳ thi vừa qua. Cho đến nay đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm thi. Việc điều tra đã làm rõ danh tính người thân, phụ huynh học sinh can thiệp việc sửa chữa, nâng điểm thi cho thí sinh, còn hành vi đưa tiền để nâng điểm đang tiếp tục được điều tra để làm rõ.

Nhận thấy gian lận thi cử là loại tội phạm mới phát hiện trong năm nay, chúng tôi đã đề nghị giao cho Bộ Công an điều tra để làm rõ. Và trong qua trình tiến hành, chúng tôi chưa phát hiện vi phạm pháp luật trong việc điều tra liên quan đến những vụ tiêu cực thi cử.

 

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn: Số liệu thống kê người chết do tai nạn giao thông của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 của Bộ Y tế và bằng 1/3 của Tổ chức Y tế thế giới?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên).

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Số liệu của công an thống kê chủ yếu ở hiện trường tai nạn, trong khi thống kê của bệnh viện lại khác. Ví dụ, khi mới vào viện là thương nặng, sau đó vài ngày thì qua đời. Thế nên số liệu có chênh lệch. Đây là nguyên nhân cơ bản.

 

Đại biểu Đặng Phương Thảo (Nam Định) chất vấn: Tình trạng mua bán người xảy ra ở cả 63 tỉnh thành. Cuối 2018, vẫn có 519 nạn nhân của tội phạm mua bán người chưa giải cứu được. Nếu không giải cứu được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Năm 2018 và quý I/2019, đã khởi tố 244 vụ, 323 bị can... 100% nạn nhân được hỗ trợ, tư vấn, nhưng vẫn còn 385 nạn nhân cần được giải cứu.

Để phòng ngừa, Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất, coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức với các đối tượng dễ bị buôn bán. Thứ hai, nâng cao quản lý xuất nhập cảnh. Thứ ba, nâng cao nghiệp vụ nhằm đối phó với tội phạm buôn bán người. Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phòng chống mua bán người. Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp.

 

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) chất vấn: Ngáo đá gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ Công an đã có hướng dẫn xử lý, nhưng chưa có cơ chế xử lý hình sự? Bộ Công an quản lý người nghiện ma tuý, nhưng nhiều đối tượng chống đối, giải pháp là gì?

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận). Ảnh: TNO.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Ngáo đá là vấn đề mới trong các loại tội phạm, số vụ án liên quan vấn đề này có tăng lên. Điểm chung là bất ngờ, khó lường trước, thường có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Bộ Công an khảo sát cho thấy, người tâm thần có khả năng phạm pháp cao hơn 6-7 lần người thường, nên cần có sự quản lý chặt chẽ hơn.

Về vấn đề quản lý đối tượng ngáo đá trước khi gây án, đây là thực tế. Chúng tôi sẽ hướng dẫn nghiệp vụ cho công an địa phương để nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý đối tượng ngay tại cơ sở. Khả năng gây án của các đối tượng nghiện, ngáo đá là rất lớn. Người chưa có hành vi phạm tôi chưa thể xử lý, còn khi đã phạm tội thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) chất vấn: Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, cần đánh giá loại tội phạm này tăng hay giảm?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, ngoài tham mưu cho các cấp, các ngành để phòng ngừa, Bộ Công an cũng kết hợp với toà án, nhằm phát hiện, tố cáo, khởi tố việc xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.

Vừa qua, công tác xử lý tội phạm này được đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Do việc vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng được người dân tin tưởng, mạnh dạn tố cáo nên xuất hiện nhiều vụ việc hơn.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn: Tại sao từ 2017 đến nay, lượng ma tuý vào Việt Nam với số lượng cực kỳ lớn, đây là tội phạm xuyên quốc gia, vậy nguyên nhân cụ thể là gì?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Mặc dù chúng ta đã phát hiện và bắt giữ được một số vụ ma túy cực lớn mà trước nay chưa từng có, nhưng nguy cơ còn hiện hữu, vì nguồn cầu trong nước còn lớn. Nếu ngăn chặn quyết liệt hơn các đường dây vận chuyển ma túy thì sẽ kích thích giá ma túy tăng lên, vừa kích thích các đối tượng buôn bán ma túy, vừa khiến trong nước gia tăng tội phạm trộm cắp (để có tiền mua ma túy).

Thứ hai, lượng ma túy từ vùng Tam Giác Vàng về Việt Nam rất gần và thuận lợi, trong khi đó việc mở cửa kinh tế quốc tế chính là yếu tố thuận lợi để các đối tượng mua bán ma túy hoạt động. Chúng ta cũng có đường bờ biển rất dài, nhiều đường mòn, lối mở, nên thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở cao điểm phòng, chống ma túy khu vực biên giới Lào để đấu tranh với tội phạm ma túy. Đồng thời, phối hợp với các quốc gia để tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng trong đấu tranh chống ma túy vào tháng 7 này.

Bên cạnh đó, ngành Công an cũng tuyên truyền sự tham gia của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

 

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chất vấn: Các vụ mua bán ma túy không tính bằng cân mà tính bằng tấn, tạ. Như vậy, công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp so với tính phức tạp của tình hình, ma túy đã len lỏi đến các tỉnh, thành phố, thậm chí đến nông thôn. Vậy trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh?

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau). Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Trước hết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma túy với những hình phạt rất nặng, thậm chí là chung thân.

Chính phủ cũng triển khai kế hoạch phòng, chống ma túy, các bộ, ngành cũng phối hợp chặt chẽ để đấu tranh với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các nước trên thế giới và trong khu vực để quyết liệt phòng chống ma túy trong thời gian qua.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà cử tri yên tâm là chúng tôi đã dự báo được tình hình này, qua đó đạt được kết quả như thời gian qua.

Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào có thể không hợp tác với các nước khác mà giải quyết được. Việt Nam rất gần trung tâm sản xuất ma túy là vùng Tam Giác Vàng. Từ tháng 10/2018, Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về phòng, chống ma túy vào tháng 3/2019 vừa rồi. Cả khu vực ASEAN không chấp nhận có ma túy, và các nước cần đoàn kết lại để đấu tranh loại tội phạm này.

Năm 2018, chúng tôi đã triển khai các giải pháp trấn áp các đối tượng ma túy xuyên quốc gia tại các tỉnh phía Bắc (chiếm 70% lượng ma túy tuồn vào Việt Nam). Do đó, các đối tượng đã chuyển hướng, vận chuyển ma túy vào miền Nam, miền Trung qua Lào và Campuchia.

Tại Việt Nam, số lượng người nghiện rất lớn, nguồn cầu lớn trong nước dẫn đến nguồn cung tăng lên so với một số quốc gia Đông Nam Á.

Hiện nay, khó khăn, vướng mắc về pháp luật cũng khó khăn như thủ tục đưa người đi cai nghiện còn chưa đơn giản hóa. Một số vấn đề trọng tâm trong thời gian tới, khẩn trương ưu tiên tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp luật, và tập trung các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước. Bộ Công an cũng thấy thủ tục thông quan qua các cửa khẩu hiện nay rất thông thoáng, do đó các đối tượng lợi dụng để đưa ma túy vào Việt Nam, thậm chí vận chuyển 3 vụ mà 2 vụ trót lọt thì vẫn có lời, nên công tác đấu tranh rất khó khăn.

Chúng tôi sẽ tính toán để có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để giải quyết vấn đề này.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu: Trước hết Bộ Công an rất trân trọng cảm ơn Quốc hội đã chọn những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự để chất vấn trong hôm nay, đây cũng là sự quan tâm của cử tri của cả nước đối với lực lượng Công an nhân dân, giúp lực lượng Công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trước khi trả lời câu hỏi cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời một số câu hỏi chung.

Cụ thể: Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Công an nhân dân, nhưng tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động mua bán ma túy xuyên quốc gia. Bọn Tội phạm đã lựa chọn Việt Nam là điểm trung chuyển ma túy sang nước thứ 3. Ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm khác.

Một vấn đề nữa đó là tội phạm tín dụng đen đã bị kiềm chế, nhưng vẫn còn len lỏi đến những vùng quê.

Cũng theo lời Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới. Hiện tượng sử dụng rượu bia tham gia giao thông đã gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm