Công văn, được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, phân loại 3 nhóm đối tượng tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Một, với quản lý chợ, Bộ Y tế yêu cầu ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện, tuân thủ các qui định, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19. Quản lý chợ cần tổ chức mua hàng tại chợ theo một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau).
Ngoài ra, quản lý chợ phải tạo mã QR điểm kiểm dịch tại cửa vào chợ, cung cấp đầy đủ khẩu trang, và yêu cầu người ra vào chợ khai báo y tế qua quét mã QR điểm kiểm dịch, hoặc trên ứng dụng VHD, hoặc khai trên giấy hàng ngày khi vào chợ.
Quản lý chợ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K, đồng thời kiểm soát mật độ người vào chợ, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Nếu người lao động, người bán hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc tiếp xúc gần với những ca nghi nhiễm Covid-19, quản lý chợ cần bố trí khu cách ly tạm thời. Những người này cần tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, tự đo thân nhiệt, và khuyến cáo không đến chợ nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở.
Về việc giao nhận hàng hóa, quản lý chợ phải bố trí ở gần cửa ra vào chợ; đồng thời khử khuẩn phương tiện, hàng hoá tại khu vực giao nhận. Trong thời gian họp chợ, quản lý chợ cần phát loa thường xuyên để nhắc nhở, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc sắp xếp các gian hàng, quản lý chợ cần tính toán để bảo đảm khoảng cách an toàn, có thể bố trí vách ngăn giữa gian, giảm ít nhất 50% số người với những gian hàng có từ 10 người làm việc, hoặc theo qui định của chính quyền địa phương.
Về việc mua bán, quản lý chợ phải kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng, giữa các khách hàng với nhau. Quản lý chợ có trách nhiệm yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các khu rửa tay, nhà vệ sinh cần bố trí đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Hai, với hộ kinh doanh, Bộ Y tế yêu cầu chỉ bán mặt hàng thiết yếu, tuân thủ theo sắp xếp, điều hành của quản lý chợ về các công tác phòng, chống dịch, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, hộ kinh doanh phải nắm được các thông tin như họ tên, năm sinh, số CMT/CCCD, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán của người làm việc tại chợ.
Hộ kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho quản lý chợ nếu phát hiện bản thân, khách hàng, người làm việc, người bán hàng có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp F0 hoặc F1, F2.
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cần nhắc khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách khi chờ mua hàng. Trước khi đến chợ, người lao động, người làm việc, người bán hàng phải khai báo y tế hàng ngày
Ba, với khách mua hàng, Bộ Y tế yêu cầu khai báo y tế khi đến chợ, thực hiện Thông điệp 5K, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thời gian di chuyển từ nơi ở đến chợ và ngược lại.
Khách hàng chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên Thẻ vào chợ và nộp Thẻ vào chợ cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ, hoặc tuân theo những quy định tại địa phương.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương chủ trì việc thực hiện, đồng thời sẵn sàng phối hợp tập huấn cho các tỉnh, thành phố. Trong thời gian các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16, UBND cấp tỉnh yêu cầu các chợ đánh giá an toàn dịch bệnh, và cập nhật lên hệ thống https://antoancovid.vn/.
Việc xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện hàng tuần cho người quản lý, người làm việc, người bán hàng tại chợ. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm dừng hoạt động ngay với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.