| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Thứ Năm 11/04/2024 , 18:42 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân còn hạn chế.

Tỷ lệ ứng dụng công nghệ số còn thấp

Ngày 11/4, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024 với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước... thảo luận về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: PC.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước... thảo luận về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: PC.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên toàn cầu đã và đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị để đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng đủ nguồn thực phẩm cho cư dân đô thị. Quá trình đô thị hóa làm gia tăng áp lực lên hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm cho các khu vực đô thị, đặc biệt là nhu cầu về rau quả, trái cây tươi, sạch.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông...; điều kiện sản xuất ở đô thị khác xa so với sản xuất nông nghiệp truyền thống ở nông thôn. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của nông nghiệp đô thị.

Ông Đỗ Minh Phương, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là giải pháp khả thi để giúp nông nghiệp đô thị Việt Nam tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%, con số này cho thấy tiềm năng to lớn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng khi ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, robot tự động hóa, AI...

“Chính vì vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số và AI trở thành yêu cầu cấp bách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam”, ông Đỗ Minh Phương chia sẻ.

Quy mô nhỏ lẻ, chưa đồng bộ

Ở nước ta hiện nay, quá trình ứng dụng chuyển đổi số và AI vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phổ biến. Mặc dù đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị được thí điểm triển khai tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội như áp dụng trồng rau thủy canh trong nhà kính, nhà màng thông minh ứng dụng hệ thống cảm biến và điều khiển tự động, song quy mô vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, manh mún.

Việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tự động hóa các hệ thống tưới tiêu, giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm trong các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị cũng chưa được áp dụng rộng rãi.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính thông minh, tưới tiêu tự động, sử dụng robot, phân tích dữ liệu lớn và AI để hỗ trợ quyết định còn ít. Ảnh: PC.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính thông minh, tưới tiêu tự động, sử dụng robot, phân tích dữ liệu lớn và AI để hỗ trợ quyết định còn ít. Ảnh: PC.

Bà Vũ Thị Hương, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông đô thị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát sinh vật gây hại trong sản xuất và bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

“Nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhất là nông dân về chuyển đổi số còn hạn chế, thậm chí ngay cả một bộ phận cán bộ trong ngành nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn hạn chế”, bà Vũ Thị Hương cho hay.

Thực tế cho thấy, đa số các hộ sản xuất nông nghiệp trong đô thị tại Việt Nam hiện nay vẫn đang áp dụng các phương pháp sản xuất truyền thống với công nghệ thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực lao động thủ công. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính thông minh, tưới tiêu tự động, sử dụng robot, phân tích dữ liệu lớn và AI để hỗ trợ quyết định còn rất hiếm gặp.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ blockchain đang được hướng đến. Ảnh: PC.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ blockchain đang được hướng đến. Ảnh: PC.

Để giải quyết những khó khăn, tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đề xuất những giải pháp trong thời gian tới. Trước hết cần phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số, AI tiên tiến.

Cụ thể, xây dựng các mô hình nhà kính thông minh sản xuất rau củ, trái cây áp dụng công nghệ IoT để tự động điều khiển các yếu tố đầu vào như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, tưới nước, bón phân qua hệ thống cảm biến và điều khiển thông minh. Ứng dụng AI, Big Data để theo dõi, phân tích, tối ưu hóa điều kiện tăng trưởng của cây trồng, đồng thời phát hiện sớm dấu hiệu bất thường để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, triển khai mô hình tưới tiêu, bón phân tự động dựa trên hệ thống điều khiển IoT, kết hợp với thuật toán AI để tính toán, điều chỉnh lượng nước, phân bón cần thiết cho từng đối tượng cây trồng, giai đoạn sinh trưởng khác nhau giúp tiết kiệm nguồn nước, phân bón, tối ưu hóa khâu tưới tiêu, bón phân để nâng cao năng suất…

Đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ blockchain tại các mô hình điểm và chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm hữu cơ cho đô thị.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đưa ra lộ trình trong giai đoạn 2023 - 2025 tập trung ban hành các đề án, chương trình nghiên cứu và triển khai thực nghiệm các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, AI trong nông nghiệp đô thị; hình thành các mô hình điểm về sản xuất rau, hoa, trái cây công nghệ cao trong nhà kính, nhà màng thông minh tại các thành phố lớn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.