Nguồn cung dồi dào, nhưng sức mua giảm
Ghi nhận tại các vùng trồng rau trên địa bàn Hà Nội, hoạt động sản xuất vẫn được đảm bảo. Nông dân ra đồng tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về công tác phòng chống dịch Covid-19. Lượng cung cấp rau hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động giao thương, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, sức mua giảm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX rau Văn Đức, xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện việc giãn cách xã hội, để đảm bảo hoạt động sản xuất rau của người dân diễn ra bình thường, an toàn và tuân thủ các quy định phòng chống dịch, HTX đã thông báo tới từng hộ gia đình chỉ để 1 người ra đồng chăm sóc rau, hạn chế việc tiếp xúc, trò chuyện, tập trung hoàn thành sớm công việc để về nhà.
Theo ông Minh, những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, việc lưu thông, tiêu thụ gặp đôi chút khó khăn khi Hà Nội thiết lập các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố, nhưng đến thời điểm này việc di chuyển đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các thương lái, hộ trồng rau không khỏi lo lắng khi có thông tin tại một số chợ đầu mối rau trong nội thành đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 dẫn tới tâm lý ái ngại. Một số thương lái đã tạm dừng việc đưa rau đi tiêu thụ nên thời gian tới, có thể xẩy ra những ùn ứ trong tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX rau Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh) cho biết: Hiện tại, việc đi chợ tiêu thụ rau của các hộ gia đình đều phải thực hiện theo việc phát tem phiếu quy định ngày đến chợ.
Theo đó, mỗi hộ được phát 10 phiếu đi chợ, mỗi lần đến chợ phiếu sẽ được thu lại để phục vụ công tác phòng chống dịch. Trong trường hợp Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ được phát bổ sung số phiếu tương đương. Giá rau các loại cũng lên xuống thất thường, quanh mốc 4.000-5.000 đ/kg.
Mặc dù vậy, nhiều kênh tiêu thụ trước đây không còn duy trì. Các thương lái đến lấy rau cũng rất ít do việc đáp ứng các giấy tờ cần thiết khi lưu thông mất nhiều thời gian và chi phí nên một số đã tạm dừng hoạt động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ.
“Trước đây, các thương lái thường về tận nơi thu mua rau của HTX, nên ít khi người dân phải ra chợ bán, giờ chỉ bán trong chợ nên sức tiêu thụ bán giảm đi rất nhiều”, bà Huyền chia sẻ.
Tại vùng sản xuất rau quận Hà Đông, ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Hoà Bình cho biết: Hiện, công tác sản xuất, phòng trừ sâu bệnh gây hại của nông dân vẫn diễn ra bình thường, tuân thủ theo nguyên tắc phòng chống dịch nên không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ khi thương lái hạn chế việc nhập rau. Một số chợ truyền thống, chợ bán buôn không nằm trong quy hoạch đã tạm dừng hoạt động, nên nông dân mất đi một kênh tiêu thụ, do thời điểm trước người dân chủ yếu đưa rau về bán tại đây.
Để tháo gỡ việc này, theo ông Vĩnh, HTX đang cùng với chính quyền địa phương nghiên cứu phương án thông qua các tổ chức đoàn thể đem rau đến cụm chung cư, tổ dân phố bán trực tiếp. Vừa giúp người dân có đủ nguồn rau xanh cho sinh hoạt mà không phải đến chợ đông người, vừa giúp nông dân tiêu thụ rau tốt hơn.
Băn khoăn kế hoạch vụ thu đông
Bên cạnh việc tiêu thụ khó khăn, các vùng trồng rau ở Hà Nội cũng đang “tiến thoái lưỡng nan” khi vụ rau thu đông đang tới gần.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX rau Văn Đức cho biết, HTX cũng như bà con hiện khá bối rối với việc lên kế hoạch diện tích, tỷ lệ cây giống cho vụ rau thu đông sắp tới. Nhiều hộ lo lắng tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bất ổn, nếu gieo nhiều diện tích sẽ không tiêu thụ được.
"Hiện chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động hiện đang ở mức rất cao. Cuộc sống của người dân vùng chuyên canh rau chủ yếu dựa vào trà rau vụ thu và vụ đông. Vì vậy hiện chúng tôi cũng đang rất băn khoăn trong việc lên kế hoạch gieo trồng cho các vụ tới. Bởi gieo nhiều, nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp thì nguy cơ không bán được, mà gieo ít sẽ không có nguồn thu nhập", ông Nguyễn Văn Minh cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX rau Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh), thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động bình thường trở lại, giá rau sẽ có biến động rất lớn, có thể sẽ tăng vọt lên. Nhất là khi các nhà máy, xí nghiệp, trường học... hoạt động trở lại (hiện các hộ trồng rau đã chủ động giảm diện tích gieo trồng từ 30-40% nên nguồn cung đang giảm).
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, các HTX gieo trồng rau diện tích lớn thì trong vụ thu đông sắp tới, rất dễ khiến cung vượt cầu, giá có thể lại giảm sâu.