| Hotline: 0983.970.780

Rau quả chế biến, xuất khẩu vẫn 'chạy băng băng', bất chấp Covid-19

Chủ Nhật 01/08/2021 , 17:17 (GMT+7)

DOVECO cho biết, hoạt động sản xuất, cung ứng nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu rau quả vẫn duy trì tốt, bất chấp dịch bệnh Covid-19.

Chế biến, xuất khẩu vẫn duy trì tốt

Ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN-PTNT đã làm việc với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) nhằm nắm bắt tình hình thu mua, chế biến, lưu thông hàng hóa, nông sản của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và Chủ tịch HĐQT DOVECO, ông Đinh Cao Khuê. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và Chủ tịch HĐQT DOVECO, ông Đinh Cao Khuê. Ảnh: Bảo Thắng.

Là lá cờ đầu trong ngành cung cấp nông sản chế biến của Việt Nam, DOVECO đã xây dựng được mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và kinh doanh, xuất khẩu rau quả.

Công ty đang sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất hiện nay gồm nhà máy Doveco Ninh Bình, công suất chế biến 32.000 tấn/năm; nhà máy Doveco Gia Lai 52.000 tấn/năm và nhà máy Doveco Sơn La (dự kiến đi vào hoạt động trong Quý IV/2021), công suất 52.000 tấn.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) DOVECO cho biết, công ty đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh có điều kiện phù hợp với cây ăn quả như Sơn La, Gia Lai, Ninh Bình và một số tỉnh Tây Nguyên để hướng tới chuỗi giá trị bền vững. Mục tiêu của công ty là đạt tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20%/năm tại các vùng nguyên liệu này.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, DOVECO vẫn đảm bảo được nguồn cung, chuỗi sản xuất, chế biến rau củ quả tại các vùng nguyên liệu.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt ra bài toán làm sao phải chiếm lĩnh được thị trường. Muốn như vậy, giá cả phải cạnh tranh. Muốn giá cạnh tranh, công ty phải có phương pháp quản trị tốt, từ lao động đến quy trình kỹ thuật, vật tư phân bón. Có làm tốt tất cả các khâu, công ty mới có thể tối ưu về sản phẩm, cả về giá thành đầu ra lẫn chất lượng", ông Đinh Cao Khuê nói. 

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, DOVECO đã có biện pháp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Quán triệt người lao động thực hiện nghiêm quy tắc "5K" của Bộ Y tế. Hàng ngày, công nhân trước khi vào dây chuyền sản xuất, đều được xét nghiệm nhanh Covid-19. Ngoài ra, nhờ được lãnh đạo UBND các tỉnh và ngành nông nghiệp tạo điều kiện, công nhân DOVECO gần như được tiêm vacxin phòng Covid-19 đạt 100%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Bình thăm vùng nguyên liệu dứa của DOVECO tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Bình thăm vùng nguyên liệu dứa của DOVECO tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, DOVECO còn liên tục rà soát vùng nguyên liệu. Những đối tác của công ty tại Nhật Bản, Hàn Quố và một số nước châu Mỹ liên tục cho ý kiến về các lô sản phẩm, bộ phận kỹ thuật kịp thời có những chỉnh sửa, vừa đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, vừa phù hợp với thị hiếu của thị trường xuất khẩu.

Với đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay, DOVECO cho biết đã có kinh nghiệm từ các lần ứng phó trước, cộng với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, công ty vẫn giữ được sản lượng tiêu thụ bình quân 100 tấn sản phẩm/ngày (nhà máy tại Ninh Bình), trong đó có dứa, chanh leo, ngô ngọt, xoài và nhiều loại nông sản khác.

"Mục tiêu của DOVECO là hướng đến việc cạnh tranh với các nước có quy mô sản xuất tương đồng Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật và học hỏi công nghệ để hoàn thiện quy trình sản xuất. Giá trị cốt lõi của DOVECO là gắn văn hóa công ty với lợi ích người lao động.

Như trong đợt dịch này, toàn bộ thành viên của công ty luôn sẵn sàng tinh thần lớn hỗ trợ cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. DOVECO cam kết cung cấp đầy đủ rau quả tươi, rau quả chế biến, rau xanh với giá hợp lý, chất lượng cao, không để xảy ra khan hiếm cục bộ lương thực, thực phẩm", ông Đinh Cao Khuê khẳng định.

Với diện tích canh tác hàng chục nghìn hecta, thâm canh nhiều loại rau quả nhiệt đới như dứa, cam quýt, đu đủ, vải nhãn, na, ớt, lạc tiên…, DOVECO đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam. Công ty được xem là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với các công ty thương mại, nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng trong nước trong nhiều năm qua.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) thăm dây chuyền tách hạt ngô của DOVECO. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) thăm dây chuyền tách hạt ngô của DOVECO. Ảnh: Bảo Thắng.

Doanh nghiệp là 'thỏi nam châm'

Làm việc với DOVECO, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: DOVECO là doanh nghiệp điển hình, sản xuất đa dạng các loại mặt hàng. Công ty có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vùng nguyên liệu, cách quản trị hiện đại, trang thiết bị tiên tiến. Sản phẩm của DOVECO đã xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Có thể khẳng định, DOVECO đã hoàn thành nhiều mục tiêu, và là mô hình này cần được nhân rộng, trong các vùng trên cả nước.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để phát triển nông nghiệp, đồng thời hướng tới mô hình sản xuất cao hơn như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, những doanh nghiệp tốt chính là "thỏi nam châm" thu hút được các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân. Không chỉ có vậy, việc doanh nghiệp đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa còn giúp kéo lao động trở về nông thôn, đảm bảo tương lai "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh".

"Trong thời gian Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc giãn cách xã hội, nếu doanh nghiệp có phương pháp phòng, chống dịch bệnh tốt, thì chuỗi cung ứng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu  sẽ không bị đứt gãy. Trong đó DOVECO là ví dụ điển hình, khi công ty đang trong trạng thái cung không đủ cầu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm chống dịch của các tỉnh phía Nam cũng như báo cáo của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT cho thấy, hệ thống phân phối, chợ truyền thống, đầu mối phải được hoạt động liên tục. Với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phía Bắc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo các tỉnh, thành phố cần có vị trí dự phòng, đảm bảo công tác hậu cần cho chống dịch, song song với việc nối liền các khâu sản xuất.

"Đặc điểm dịch tễ của Covid-19, là không lây qua phương tiện, nông sản, lương thực, thực phẩm, mà chỉ lây qua người như tài xế, người vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Do đó, chúng ta chỉ cần kiểm soát vấn đề này, và chỉ cấm những mặt hàng hạn chế là có thể ngăn ngừa dịch bệnh lan từ tỉnh này sang tỉnh khác", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất