| Hotline: 0983.970.780

Bữa tiệc chuột

Thứ Hai 20/01/2020 , 10:40 (GMT+7)

Bữa tiệc đầu tiên ở miền Tây! Ngay khi mới ngồi vào bàn, chưa kịp nhấp một ngụm rượu nào tôi đã bung biêng khi nhìn thấy la liệt trên bàn tiệc là những món chuột.

Chuột đồng ướp sả nướng.

Sau khi tuyên bố lý do, trưởng phòng quay sang tôi: “Hôm nay cơ quan tổ chức bữa tiệc hạ ba lô của tân trung đội trưởng trung đội chỉ huy, mới ra trường được về nắm trung đội chỉ huy là tương đương với đại đội đấy, chính vì vậy mà cần có bữa tiệc xứng đáng, đậm chất miền Tây để tân trung đội trưởng nhớ đời.

Đây là món chuột xào sả ớt - trưởng phòng chỉ tay vào một đĩa chuột vun đầy ngay trước mặt tôi - còn đây là món chuột xào lá cách, còn đây là chuột ướp sả nướng, chuột nấu giả cầy, chuột nấu canh chua, chuột luộc rắc lá chanh thái chỉ, chuột xào chua ngọt, chuột sốt cà chua…

Trưởng phòng nói đến món nào tay chỉ đến món đó. Sau khi giới thiệu xong món ăn, tất cả đều đứng dậy nâng ly chúc mừng tân trung đội trưởng, cạn ly, trưởng phòng gắp thưởng cho một miếng thịt, từ chối không xong, tôi đành đưa lên miệng. Tôi nhắm mắt nuốt rồi vội vã ực ngay một ly rượu đè lên.

Chuột luộc rắc lá chanh thái chỉ.

Và cứ thế, cứ thế, phó phòng một chúc rồi đến phó phòng hai, đến các trợ lý, đến các tiểu đội trưởng… cho đến khi không còn giữ những con chuột nuốt trộng trong bụng được nữa, chúng tìm đường tháo ra. Xong lần ấy thì tôi đã thề thật. Thề rằng tôi chẳng bao giờ ăn thịt đồng loại nữa! Tôi tuổi Nhâm Tý, cầm tinh con chuột.

Về đơn vị được ba tháng, bình xét cuối năm, Khoa tiểu đội trưởng được nhận bằng khen, được thưởng phép ba ngày, nhân dịp, tôi về quê Khoa ở Bến Tre chơi một chuyến.

Trên đường đi, tôi hỏi Khoa: “Ở quê có đặc sản gì đáng nhớ”. “Anh ở được có hai ngày thì em chỉ đãi được đuông và… chuột”. Nghe Khoa nhắc đến chuột, tự dưng ốc mẹ ốc con trong người tôi nổi hết cả lên, tôi hỏi: “Xứ dừa không có đặc sản dừa mà đặc sản lại là chuột?”. “Còn nhiều thứ khác, nhưng nhiều và tương đối dễ tìm ở xứ dừa là đuông và chuột.

Đuông là con non của bọ cánh cứng như con kiến dương, bọ rầy. Hai loại này phá dừa đến tàn mạt. Chúng đục phá trên các cổ hũ non mềm ở ngọn cây. Đến tuổi trưởng thành, sau khi giao phối chúng tìm cây dừa nào khỏe và tốt nhất để đục lỗ rồi đẻ trứng trong đó. Trứng nở thành con trong thân cây dừa gọi là đuông.

Nhờ vậy con đuông có vị ngọt, béo rất hấp dẫn. Đuông có xuất thân từ cây dừa nên người ta gọi là đuông dừa. Đuông cứ gọi nôm na là con sâu đục thân trong cây dừa, ăn một lần nhớ mãi, còn chuột đây cũng là chuột dừa.

Chuột dừa ăn ngon, béo thơm thịt hơn chuột đồng! Có lẽ vì cả đời chúng chỉ ăn, uống chất bổ tiết ra từ trái dừa nên sạch còn hơn cả chim, béo hơn gà và thơm hơn thịt thỏ. Về đó em sẽ đưa anh đi săn bữa chuột dừa cho nhớ đời”.

Đặc sản đuông dừa.

Nghe nói đến “săn” tôi đã thấy chân tay muốn hoạt động rồi. Về đến nơi, chỉ kịp chào gia đình quấy quá là Khoa hú mấy đứa con nít trong xóm sang rồi cả lũ kéo nhau ra vườn dừa.

Thấy mỗi đứa trẻ con cầm mỗi cái súng cao su trong tay, tôi thấy lạ lạ quen quen, hình như khi còn con nít, những đứa trẻ đều như nhau. Khoa cũng trao cho tôi một cái súng cao su, và dặn: “Chuột dừa khôn lắm, chỉ canh me những cành giao nhau thì mới bắn được, vì chúng chỉ chạy qua đó, còn những cành dừa cụt chuột không chạy đâu”.

Nói xong Khoa nhằm một cây dừa cao tầm cây sao leo lên. Khi Khoa chuẩn bị bám báp dừa đu người lên tôi để ý thấy các xạ thủ nhí chẳng cần ai phân công, mỗi đứa đã đứng trực sẵn canh me một tàu dừa.

Khoa đu người leo lên đến nơi nói vọng xuống: “Sẵn sàng nhé!”. Nói xong Khoa bắt đầu lấy chân dẫm, một rồi hai rồi không còn tính kịp, chuột chạy túa ra các tàu dừa, và tiếng bụp, bụp, bịch, bịch của chuột bị trúng “đạn” rớt xuống, tôi cũng dương súng cao su lên và bật nhưng trật lất, hết cả túi đạn mà chẳng được con chuột nào. Xấu hổ nhìn lũ trẻ hả hê đuổi chuột dưới vườn dừa lại thấy một thời quá vãng quay về.

Bẫy chuột dừa.

Săn khoảng vài tiếng đồng hồ, thấy số chuột đã hòm hòm, Khoa ra lệnh rút quân, nhìn những con chuột béo mũm mĩm, lông vàng, mềm mượt như lông thỏ, đặc biệt là thấy những thân dừa cao, sạch, những trái dừa căng non bị hàm răng dài của chuột đục lỗ để chui vào ăn cùi, uống nước trong tôi đã không còn thấy ám ảnh bởi sự bẩn thủi, hôi thối của chuột nữa, nhất là khi trực tiếp thấy Khoa cùng mấy đứa trẻ dùng lá dừa khô thui cho chuột cháy hết lông, sau đó lột da, mổ bụng bỏ bộ lòng rồi chặt đầu, bỏ đuôi.

Khoa không rửa chuột mà dùng muối hột đã giã nhuyễn với ớt chà xát đều vào thân chuột, sau đó dùng một que tre tươi xiên chuột thành từng xiên. Trong lúc chờ chuột thấm gia vị, Khoa lấy vỏ dừa chụm lửa, độ mười phút sau, khi than dừa đã đượm, chúng tôi cầm trên tay mỗi người một xiên chuột bắt đầu nướng.

Khi thấy da chuột có màu vàng, mỡ tuôn ra đều, mùi thơm phưng phức, Khoa hò một đứa trẻ chạy vào lấy chai rượu Gò Đen trong như mắt mèo ra. Quên cả lời thề không ăn thịt chuột. Từ khi nào không biết tôi cứ tự nhiên, say sưa chén thịt chuột nhắm với rượu Gò Đen...

Lần đó tôi lại say, say mà như không, say thấy mình lâng lâng bay bổng, tôi ngả người nằm lên trên những lá dừa trải vội xuống nền vườn ngước trời xanh trong ngăn ngắt qua các tàu dừa, thấy hình như đây chính là thiên đường.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm