Bà Zalita Tarkil và bức ảnh vô giá chụp 59 năm trước |
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyên thăm Liên Xô. Trong chuyến đi này, Người đã đến thăm các nước Cộng hòa Xô viết như Gruzia, Armenia, Azerbaizan...
Trong cuốn "Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử", tập 7 (năm 1959-tháng 7) có ghi: "Ngày 18/7: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Rítda tiếp tục hành trình đến Xukhumi. Trên đường đi, Người ghé thăm Nông trang tập thể “Đurípsa”. Thiếu nhi, thanh niên và các cụ già đều múa hát đón chào Người. Bữa cơm trưa ở nông trang cũng “cừu thui để cả con, chả nướng dài một thước”.
Chia tay với “Đurípsa”, Người được các cụ tặng hai chiếc cốc bằng sừng và đưa tiễn theo phong tục địa phương: khách ra đến ngoài sân, các cụ mời khách ăn uống thêm một lần nữa (mặc dù mới ăn xong ở trong nhà); khách ra đến ngoài cổng, các cụ lại đãi thêm một tiệc nữa".
Ngay ngày hôm sau, 19/7/1959, trên báo "Abkhazia Xô viết" đã có bài báo kể lại chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông trang làng Duripsh thuộc huyện Gudautski. Bài báo cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến nông trại chè của Durips. Vào buổi tối cùng ngày, các vị khách quý được mời đến nhà của ông Miktat Tarkil.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cháu gái nhỏ của chủ nhà là Zalita Tarkil khi đó mới 7 tháng tuổi đang lẫm chẫm tập đi. Người liền bước đến, bế cô bé lên tay rồi đi dạo khắp vườn nho. Một phóng viên đã chụp được khoảnh khắc đáng nhớ này. Trong ảnh, Zalita tay cầm đồ chơi, mặc váy hoa, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỉm cười âu yếm nhìn cô bé.
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bé Zalita Tarkil. 7 tháng tuổi ở Abkhazia |
Bức ảnh này từ ngày đó đã trở thành kỷ vật vô giá với gia đình Zalita Tarkil và được giữ gìn cẩn thận cho đến ngày nay.
Cuộc gặp gỡ đầm ấm của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với gia đình một nông dân Abkhazia đã gây xúc động với nhà thơ Xô viết Boris Bendik – Verov. Ông đã sáng tác một bài thơ dài về cuộc gặp gỡ này.
Trong bài thơ, nhà thơ Boris Bendik – Verov dẫn lại lời kể của ông Miktat Tarkil, qua đó chúng ta có thể hình dung rõ hơn về chuyến thăm này. Theo đó, khi Miktat Tarki đang cắt tỉa cây trong vườn, bỗng nghe tiếng xôn xao ngoài cửa, rồi vợ ông chạy đến, báo tin có vị khách "vẻ ngoài dễ mến" đến thăm. Khi gặp, người nông dân già vô cùng sửng sốt ngạc nhiên, trước mặt ông là người mà cả thế giới đều biết: Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn khách, mặc một đồ kaki trắng, mái tóc bạc. Người nói tiếng Nga lưu loát, gửi tới vị chủ nhà lời chào từ Việt Nam. Sau đó Hồ Chủ tịch đi thăm vườn, đến đâu Người cũng hỏi về cách chăm sóc các loại cây, rồi tận tình hỏi thăm về cuộc sống, thu nhập..của người dân trong nông trang. Đến khi chia tay, Người ôm cháu gái Zalita vào ngực để tỏ lòng quý mến. Kết thúc bài thơ, tác giả viết :"Vâng, đó là mùa hè tuyệt diệu/ Tôi sẽ mãi ghi vào trong tim".
Bài báo đăng trên "Abkhazia Xô viết" ngày 19/7/1959 còn cho biết thêm hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Abkhazia:
“Sau khi nghỉ ngơi một lát, đồng chí Hồ Chí Minh tiếp tục đi thăm thành phố nghỉ mát. Người đã đến Viện thí nghiệm bệnh và trị liệu của Viện Hàn lâm Y học trong núi Sukhumi ở công viên bên bờ biển. Bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh xuất hiện đều có hàng trăm người lao động của thành phố và khu nghỉ mát chào đón Người với những tràng vỗ tay và lời chào nồng nhiệt".
Bản đánh máy bài thơ của nhà thơ Xô viết Boris Bendik – Verov về chuyến thăm đáng nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Bà Zalita Tarkil năm nay đã 59 tuổi. Bà cho các phóng viên biết thêm một chi tiết khá thú vị: Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ít lâu, một hôm có đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm Abkhazia và tìm gặp Zalỉta. “Khi đó tôi đã là một đội viên thiếu niên, đang học lớp 6. Mọi người đến chỗ chúng tôi và nói rằng các vị khách Việt Nam đang đợi tôi tại văn phòng Xô viết làng. Tại đây, họ đã tặng tôi một chiếc nhẫn được làm từ mảnh kim loại của chiếc máy bay Mỹ đã bị người Việt Nam bắn rơi”. Ngoài ra, bà còn được các vị khách Việt Nam tặng một cuốn tạp chí có bức ảnh của Chủ tịch nước VNDCCH khi đó là Tôn Đức Thắng. Zalita nói rằng tất cả được viết bằng tiếng Việt, nhưng bà nhớ rõ những bức ảnh minh họa sinh động trong cuốn tạp chí đó. Trong đó có hình ảnh cánh đồng lúa và thiên nhiên Việt Nam, những người dân đội nón và hình ảnh sinh hoạt của họ. |