Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu là 0 USD, đã khiến dư luận xã hội trở nên bức xúc, khi xăng dầu đồng loạt lên giá từ trước đó mấy ngày. Lí do kim ngạch nhập khẩu xăng dầu 0 USD, là do các doanh nghiệp đã sử dụng xăng dầu sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ảnh minh họa |
Đó có thể nói là một tín hiệu rất tốt đối với nền kinh tế, khi nguồn nhiên liệu sản xuất trong nước đã giúp các doanh nghiệp phần nào giảm gánh nặng chi phí. Giảm chi phí, điều đó nghĩa là giá thành sản phẩm giảm, các sản phẩm sản xuất trong nước sẽ tăng tính cạnh tranh, một điểm yếu lâu nay của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Từ đó, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước sẽ được nâng cao.
Thế nhưng, hi vọng đó của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bị tắt ngấm, khi ngành xăng dầu vẫn “bám sát” giá dầu thế giới, lấy giá dầu thế giới làm căn cứ để điều chỉnh giá xăng dầu, khiến giá xăng E5 Ron 92 tăng tới 900 đồng mỗi lít. Đó là một sự vô lí không thể chấp nhận. Theo GS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), thì sự nhập nhèm trong tính toán chi phí sản xuất trong nước với giá thành nhập khẩu thế giới chính là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu minh bạch trong điều hành xăng dầu, và hậu quả là người dân chịu thiệt.
Xăng dầu là máu của nền kinh tế. Sự biến động của giá xăng dầu bao giờ cũng kéo theo sự biến động của nền kinh tế. Nhà nước bỏ tiền đầu tư, xây dựng các nhà máy lọc dầu, không ngoài mục đích tự chủ nguồn nhiên liệu, giảm giá thành nhiên liệu, không phải phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu thế giới, vốn luôn luôn biến động bất thường. Một khi đã tự chủ được nguồn nhiên liệu trong nước, thì lẽ ra người tiêu dùng trong nước phải được lợi, nền kinh tế phải được lợi do giá nhiên liệu ổn định.
Lấy giá thị trường thế giới để điều chỉnh đối với nguồn nhiên liệu sản xuất trong nước, là một việc làm vừa vô lí, vừa bất chấp mọi nỗ lực của Nhà nước nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển.
Cũng theo GS Đặng Đình Đào, thì việc tăng giá đối với nguồn nhiên liệu sản xuất trong nước khi giá dầu thế giới lên, là thể hiện tính độc quyền của ngành xăng dầu, khi chỉ biết quan tâm đến lợi ích của riêng mình mà quên phắt đi quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng và cả triệu doanh nghiệp trên cả nước. Vấn đề ở đây là cần có cơ chế điều hành thật minh bạch, rõ ràng. Nếu chỉ giao cho ngành xăng dầu, thì chắc chắn không ai muốn từ bỏ lợi ích của mình. Hơn thế nữa, đây còn là một lợi ích quá lớn.
Lấy giá dầu thế giới để điều chỉnh giá nhiên liệu sản xuất trong nước, là một việc làm cố ý. Dứt khoát không nên để diễn ra lần thứ hai.