| Hotline: 0983.970.780

Buôn gần trăm tấn nội tạng 'bẩn', bị xử phạt 39 triệu đồng!

Thứ Tư 06/05/2020 , 05:30 (GMT+7)

Một chủ doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương vừa bị xử phạt 39 triệu đồng vì kinh doanh gần trăm tấn nội tạng lợn không nguồn gốc xuất xứ.

Số nội tạng 'bẩn' thuộc sở hữu của Cty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Trường Huy. Ảnh: Kế Toại. 

Số nội tạng "bẩn" thuộc sở hữu của Cty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Trường Huy. Ảnh: Kế Toại. 

Ngày 4/5/2020, Cục Quản lý thị trường Hải Dương phối hợp với lực lượng Công an, UBND phường Tân Dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Kinh tế của thành phố Chí Linh tổ chức tiêu hủy hơn 72 tấn nội tạng lợn không rõ nguồn gốc.

Số nội tạng trên gồm hơn 62 tấn lòng lợn non chưa qua sơ chế, hơn 9 tấn lòng non đã sơ chế muối ướp và 13 kg mũi lợn khô. Tổng trị giá của lô hàng bị phát hiện, tiêu hủy hơn 1,1 tỷ đồng. Địa điểm tiêu hủy tại phường Tân Dân, thành phố Chí Linh.

Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, trong hai ngày 20 và 23/3, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương liên tiếp phát hiện kho nội tạng “bẩn”, số lượng gần 100 tấn.

Toàn bộ lượng nội tạng này thuộc sở hữu của Cty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Trường Huy do ông Nguyễn Duy Huy (sinh năm 1975), trú xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang làm chủ.

Riêng nhà kho tại phường Tân Dân có chiều cao 3,5 mét, diện tích 60m2, chứa toàn bộ nội tạng động vật, với khối lượng khoảng 50 tấn. Số nội tạng này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và cùng các loại giấy tờ liên quan khác.

Kho thứ hai nằm tại xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, phát hiện số lượng gần 50 tấn nội tạng. Khu trang trại này rộng gần 4.000 m2, là nơi tập kết, sơ chế nội tạng động vật bốc mùi hôi thối khiến người dân lâu nay bức xúc.

Trang trại này được cấp cho ông Vũ Văn Trường (trú xã Bình Xuyên) sử dụng phát triển mô hình trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, không hiểu sao lại bị “hô biến” thành kho tập kết nội tạng.

Tiêu hủy hơn 72 tấn nội tạng 'bẩn' tại Hải Dương. Ảnh: Thu Quỳnh. 

Tiêu hủy hơn 72 tấn nội tạng "bẩn" tại Hải Dương. Ảnh: Thu Quỳnh. 

Tại cả hai kho hàng này, lực lượng chức năng đều phát hiện, ngoài nội tạng, chủ doanh nghiệp Trường Huy còn tích trữ nhiều hóa chất với công dụng tẩy trắng.

Tại cơ quan điều tra, ông Huy cho biết, riêng 72 tấn nội tạng tại thành phố Chí Linh được ông Huy mua từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm khác nhau nên không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Mục đích là để tích trữ, bảo quản sau đó bán lại cho các đối tượng khác khi có nhu cầu cần mua.

Đồng thời, ông Huy cũng thừa nhận, đã sử dụng phụ gia thực phẩm, chất tẩy rửa để sơ chế nội tạng động vật bán cho các đối tượng khác khi có nhu cầu và dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhưng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên ông chưa bán được lô nào ra thị trường!?

Tuy nhiên, việc sử dụng nội tạng lợn, sau đó tẩy trắng làm thức ăn chăn nuôi là không thực tế. Lý do này khó có thể chấp nhận bởi người chăn nuôi và những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chân chính.

Nội tạng sau khi tẩy trắng khó có thể chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thu Quỳnh. 

Nội tạng sau khi tẩy trắng khó có thể chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thu Quỳnh. 

Với những hành vi này, Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã xử phạt ông Nguyễn Duy Huy 39 triệu đồng. Trong đó, 4 triệu đồng về hành vi không đăng ký hộ kinh doanh, 35 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam nắm được, riêng kho hàng gần 50 tấn nội tạng tại xã Bình Xuyên, lực lượng chức năng đã phát hiện nhưng không thể tiến hành tiêu hủy. Nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp Trường Huy đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Vậy, doanh nghiệp này nhập hàng từ những đâu. Các công ty nào nhập lại số nội tạng đã tẩy trắng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ vụ việc.

Điều đáng nói, những vi phạm này dường như có thể “tàng hình” nhiều năm trước cả hệ thống công quyền của tỉnh Hải Dương một cách đầy khó hiểu.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.