Nguồn thu nhập từ ca cao không chỉ giúp nhiều hộ dân nghèo vùng cao cải thiện cuộc sống, thoát nghèo mà còn đang từng ngày vươn lên làm giàu trên mảnh đất cằn khô.
Bén duyên cây ca cao
Cái không khí se lạnh của những ngày cận tết không làm giảm sự nhiệt tình của anh cán bộ Phòng NN- PTNT huyện Lak – Y Săn đưa chúng tôi đi thăm các hộ trồng ca cao trong xã Yang Tao, một trong những địa bàn trọng điểm trồng ca cao.
Chạy dọc theo con đường từ quốc lộ 27 vào sâu trong xã, phía sau những hàng rào dã quỳ nở vàng rực rỡ là những vườn ca cao xanh tốt, trĩu quả.
Anh Y Săn hào hứng nói với chúng tôi: “Hiện bà con thu hoạch nhiều rồi nên vườn ca cao còn ít trái, nếu không các anh nhìn thấy mê lắm. Cây ca cao bén duyên với vùng đất này được xem là món quà quý giá đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con”.
Anh Y Săn kể, trước khi dự án "Phát triển SX ca cao bền vững tại các nông hộ" về đây, vùng này còn khó khăn lắm vì đất nghèo, người cũng nghèo, bà con quanh năm chỉ biết cắm cúi trên mảnh đất cằn với cây sắn, cây ngô nhưng chỉ trồng được một vụ vì không có nước, ráng lắm cũng chỉ đủ ăn; năm nào trời không thương cho mưa, nắng thất thường thì nhiều hộ còn gặp cảnh đói mùa giáp hạt…
Năm 2007, sau khi khảo sát, kiểm tra chất đất, nguồn nước, dự án quyết định đưa cây ca cao vào trồng thí điểm nhằm cải tạo vườn tạp và tăng thu nhập cho người dân. Vì đây là loại cây mới nên thời gian đầu chính quyền xã, huyện gặp vô vàn khó khăn vất vả trong việc thuyết phục bà con đưa ca cao về trồng trong vườn nhà.
Cán bộ khuyến nông gần như cùng ăn, cùng làm với bà con để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tưới cây… May mắn có khoảng 60% số hộ đã hưởng ứng và bắt đầu làm quen với cây ca cao.
Đồng thời, những người dân đi tiên phong trồng ca cao và duy trì được đến nay đã là những “bác sĩ ca cao” rất thành công, vườn cây được chăm sóc rất tốt, năng suất cao, các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc đều nắm rất vững, thậm chí kỹ thuật lên men sau thu hoạch cũng được bà con áp dụng cho tỷ lệ thành công không thua kém so với những vùng người Kinh.
Dần dần, đối với vùng Yang Tao, cây ca cao đã trở nên quen thuộc với bà con, từ người già đến trẻ em, ai cũng có thể ra vườn để chăm sóc, thu hoạch.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân Yang Tao phấn khởi cho hay, từ khi bắt đầu triển khai dự án SX ca cao bền vững đến nay, nhiều vườn cây ca cao trên địa bàn xã đang phát triển rất tốt; tỷ lệ vườn cây tốt chiếm đến 80%, ít bị sâu bệnh, các CLB ca cao duy trì được hoạt động thường xuyên để hỗ trợ cho nhau về kiến thức kỹ thuật chăm sóc, lên men, bảo quản sau thu hoạch...
Các gia đình trồng ca cao đến nay đã thoát nghèo
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cây ca cao được đưa vào Đăk Lăk từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, trồng tại một số đồn điền cà phê, cao su. Hiện vẫn còn giữ được một số cây ca cao đại thụ ở huyện Lăk, Krông Bông đang cho trái. Hơn nữa, trong các hộ duy trì vườn ca cao thì hầu hết đến nay đã thoát được nghèo và đang vươn lên làm giàu. Điều này cho thấy cây ca cao đang trở thành cây xóa nghèo trên vùng đất cằn và góp phần đóng góp đắc lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. |
Điều đáng mừng nhất là hầu hết các hộ tham gia dự án đời sống kinh tế được cải thiện rất nhiều, thậm chí nhiều hộ không chỉ “thoát nghèo” mà đang vươn lên làm giàu bằng chính cây ca cao.
Niềm tin vào cây trồng mới
Còn nhớ cách đây mấy năm, chúng tôi có dịp theo đoàn cán bộ của dự án về xã Yang Tao để khảo sát các mô hình trồng ca cao. Lúc đó, nhìn màu xanh của loại cây mới này bắt đầu phủ lên các khu vườn tạp trong niềm vui hào hứng của nhiều nông dân nghèo.
Từ xưa đến nay, bàn tay họ vốn quen canh tác cây sắn, cây ngô, giờ mới bắt đầu làm quen với việc cầm kéo tỉa cành, tạo tán ca cao.
Chị H’bim K’bông (buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lăk, dân tộc M’Nông), một nông dân tiên phong tham gia vào dự án tâm sự: “Trồng cây sắn, cây ngô lâu lắm rồi mà đồng bào vẫn không đủ ăn, cái nghèo cứ bám riết. Vậy nhưng từ khi chuyển sang trồng cây ca cao đã đuổi được cái nghèo đi và cho đồng bào có cuộc sống sung túc hơn!”.
Hôm nay chúng tôi quay lại ghé thăm vườn nhà chị, thật bất ngờ khi vườn cây ca cao đã phát triển vươn cao ngang với ngôi nhà sàn và trĩu quả.
Gặp lại, chị H’bim K’bông mừng rạng rỡ dẫn chúng tôi ra thẳng ngoài vườn hồ hởi bảo: "Nhờ cây ca cao mà gia đình đã mua sắm nhiều tiện nghi trong nhà, được đi đây đó, trở thành người uy tín trong buôn làng. Với 1 ha trồng thuần 1.200 cây ca cao từ năm 2007 - 2010, hiện nay đã cho hơn 3 kg hạt khô/cây, vượt xa thu nhập từ cây bắp khi giá bắp chỉ còn hơn 3.000 đ/kg, trong khi với ca cao được hơn 5.000 đ/kg tươi".
Không chỉ trồng, nhà chị H’Bim còn là điểm thu mua, sơ chế và cũng là nơi cung cấp dịch vụ giống, phân bón cho bà con xung quanh. Đến nay chị đã là “bác sĩ ca cao”, hạt nhân tích cực cho việc mở rộng diện tích ca cao quanh vùng.
Từ nguồn thu nhập ca cao, ngôi nhà sàn của gia đình chị đã được làm lại khang trang hơn, với nhiều tiện nghi hơn. Chị cũng đã sắm được xe máy, lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Tết này lại hứa hẹn nhiều niềm vui khi giá ca cao trong năm luôn ở mức cao ổn định.
Cũng nhờ trồng ca cao mà gia đình chị H’Jưn Kmăn (buôn Yok Đôn) đến nay đã thoát nghèo. Chị H’Jưn Kmăn kể, gia đình chị bắt đầu trồng ca cao từ năm 2009, đến nay vườn ca cao 1 ha đã cho thu bói với sản lượng khá cao khoảng 8 tạ khô.
Trước đây gia đình chị thuộc hộ nghèo lại đông con, 8 miệng ăn chỉ trông cả vào hơn 1 ha ngô một vụ, thu hoạch chỉ được 2 tấn. Chỉ qua vài mùa trăng đã thấy trong nhà chẳng còn gì ăn, tương lai thật mù mịt. Vậy nhưng từ khi chuyển qua trồng ca cao, đời sống của gia đình được cải thiện nhiều hơn, bắt đầu có của ăn của để.
Tương tự, hộ anh Hứa Văn Nghiệp ở thôn 4 (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) trồng ca cao từ năm 2007, đến nay gia đình anh Nghiệp đã có 1 ha, trong đó có khoảng 6 sào cho thu hoạch ổn định, sản lượng đạt 1,5 tấn khô.
Cũng theo anh Nghiệp, so với trồng hoa màu trước đây thì cây ca cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, với giá bán hiện nay (trên dưới 60.000 đ/kg) thì bà con yên tâm đầu tư phát triển ca cao và vươn lên làm giàu từ cây trồng mới này.