| Hotline: 0983.970.780

Cà chua "điếc" do đâu?

Thứ Ba 21/10/2014 , 09:34 (GMT+7)

Về hiện tượng cà chua không cho trái, một chuyên gia về cà chua ở phía Nam cho biết có 2 nguyên nhân: do nhiệt độ không phù hợp hoặc do bón phân quá nhiều./ Méo mặt cà chua không quả

Trong bài "Méo mặt cà chua không quả" phản ảnh bà con nông dân tỉnh Hải Dương trồng cà chua vụ rồi gặp phải giống "điếc" không ra quả, trên bao bì ghi giống F1 Mongal do Cty TNHH SX-TM Xanh (P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) cung ứng.

Chúng tôi tìm đến UBND phường Bình Trưng Đông để tìm hiểu về Cty TNHH SX-TM Xanh.

Anh Nguyễn Văn Thiệt, cán bộ Phòng Kinh tế- Đô thị (KT-ĐT) sau khi kiểm tra trên máy tính cho hay, Cty Xanh đăng ký hoạt động tại địa phương từ năm 2008 do bà Phùng Thị Tú Quyên làm giám đốc gồm 31 lao động. Đây là Cty chuyên SX, mua bán hạt giống rau, cây ăn trái, hoa kiểng.

 "Tuy nhiên, giám đốc Cty thường ở nước ngoài, quản lý ở đây chủ yếu là cô Lan kế toán. Trước đây trên quận có về kiểm tra 2 lần, nhưng 2 năm nay thì không", anh Thiệt nói.

Ông Hồ Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND phường cũng nói thật là không biết Cty Xanh ở đâu và yêu cầu cán bộ Phòng KT-ĐT trực tiếp cùng chúng tôi đến kết hợp làm việc.

Tiếp chúng tôi là chị Phạm Thị Huyền Trang, trợ lý GĐ Cty. Chị Trang cho hay, "sếp" Cty là cô Tú Quyên, có chồng người Pháp nên cả "hai sếp" đều đang ở nước ngoài.

Vừa rồi xảy ra vụ hạt giống cà chua ghi "xuất xứ từ Pháp, nhập khẩu từ Ấn Độ" mà nông dân ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, TP Hải Phòng trồng không cho trái, cô Tú Quyên có biết và về VN giải quyết.

Tuy nhiên, theo chị Trang thì việc cà chua không cho trái là do nông dân mua phải bao bì giả nhãn hiệu Cty Xanh. Cụ thể, trên bao bì không dán tem chống hàng giả của Cty; số lot (số lô) không giống như đóng khuôn; viền bao bì khi đóng gói để lại dấu vết không sắc sảo.

Cũng theo chị Trang, việc làm giả này do một nhân viên thị trường phía Nam của Cty đã nghỉ việc 2 năm nay đứng ra tổ chức và Cty đang thuê luật sư kiện vụ làm giả bao bì này. Chúng tôi hỏi luật sư tên gì, ở đâu, thì chị Trang từ chối trả lời vì "chưa xin ý kiến của GĐ".

Chúng tôi đặt tiếp vấn đề, nếu Cty khẳng định là do làm giả bao bì thì tại sao lại đồng ý đền bù hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân. Chị Trang trả lời: "Vụ việc vừa qua đã gây thiệt hại rất nhiều đến uy tín Cty, chúng tôi hỗ trợ chứ không đền bù, trước mắt là nhằm chia sẻ thiệt hại với bà con, thứ hai là lấy lại thị phần".

Chị Trang cũng đã nối máy điện thoại cho chúng tôi gặp anh Nguyễn Quang Hòa, đại diện VP Cty ở Hà Nội, là người được cô Tú Quyên ủy quyền phát ngôn.

Anh Hòa nói: "Trên thị trường hạt giống cà chua phía Bắc thật giả lẫn lộn, ở ngoài này Cty chỉ bán 1.500 gói (5 gr/gói) cho các đại lý, trong khi đó có trên 10.000 gói hạt giống cà chua phân phối. Trước mắt, nếu đại lý nào lấy hạt giống từ văn phòng ở Hà Nội thì Cty sẽ trừ vào công nợ, còn đối với bà con nông dân bị thiệt hại, Cty sẽ cấp lại toàn bộ hạt giống tốt để khẳng định lại thương hiệu Cty".

"Riêng về giống Mongal của Cty Xanh, bình thường đây là giống chịu nhiệt tốt nhất trong tất cả các bộ giống cà chua ở miền Bắc Việt Nam mà nông dân đã trồng quen thuộc rồi, nhưng năm nay cũng trong điều kiện đó mà lại bất thường, cà chua bị "điếc" thì rất cần phải coi lại chất lượng hạt giống này", một đại diện của Cty TNHH SX-TM Xanh giải thích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay lượng hạt giống cà chua gần như 100% nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Lý do không phải vì VN không sản xuất được mà do chúng ta chưa có bộ giống đáp ứng được nhu cầu SX, các giống thương mại đều do các Cty nước ngoài cung cấp nên việc giá nhập khẩu như thế nào luôn là một "ẩn số".

Theo tiết lộ của 1 DN cũng chuyên nhập khẩu hạt giống cà chua, giá thành nhập khẩu hạt giống này trung bình khoảng 800 USD/kg (tức khoảng hơn 16 triệu đồng/kg), có Cty nhập bao 50 kg về đóng gói để bán, nhưng tiêu chuẩn chung phải là 5gr/gói.

Làm một phép tính, cứ 100 gói được 5 lạng (500 gr), 1 gói/5gr đưa xuống đại lý bán 110 ngàn (nông dân mua 119 ngàn/gói - xem NNVN ngày 17/10), tức 11 triệu đồng/5 lạng, nghĩa là 1 kg bán 22 triệu. Nhập khẩu 16 triệu, bán ra 22 triệu/kg, lãi rất lớn.

Về hiện tượng cà chua không cho trái, một chuyên gia về cà chua ở phía Nam cho biết có 2 nguyên nhân: thứ nhất, do giống không chịu được nhiệt độ cao mà nông dân trồng rơi vào thời điểm đó, nhiệt độ cao thì hoa sẽ không thụ phấn được và không đậu được quả; thứ hai, khi cây nở hoa gặp mưa nhiều sẽ làm hoa thui chột và không đậu quả.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nông dân bón phân quá nhiều làm cây phát triển thân lá quá mức cũng khó đậu quả.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.