| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững

Thứ Ba 23/08/2022 , 15:03 (GMT+7)

Cà Mau ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, theo chuỗi giá trị, vừa thân thiện với môi trường, gắn với nông nghiệp tuần hoàn đáp ứng trong nước và xuất khẩu.

Empty

Tỉnh Cà Mau, vừa ban hành Chương trình nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tạo thương hiệu trên thị trường tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu.

Theo tỉnh Cà Mau sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh Cà Mau đến năm 2020 đạt 20.746 tỷ đồng (tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với năm 2015). Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 91 triệu đồng/ha. Thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 40 triệu đồng/người/năm, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã không ngừng mở rộng diện tích, cũng như về quy mô phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn được nhiều tổ chức thế giới chứng nhận như mô hình tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển, mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, U Minh hay TP Cà Mau…

Empty

Theo đánh giá, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 40 triệu đồng/người/năm, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Ảnh: Trọng Linh.

Tại U Minh, vụ mùa năm 2021-2022, huyện đã triển khai xây dựng được 3 hình sản xuất lúa hữu cơ tại ấp 2, xã Khánh Lâm, ấp 6, xã Khánh Hội và ấp 17, 18 xã Nguyễn Phích với diện tích sản xuất là 120 ha, với 111 hộ dân tham gia, kết thúc vụ mùa 1 năng xuất bình quân mà các mô hình đạt được là từ 3,5 đến 4 tấn/ha.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng Phòng NN -PTNT huyện U Minh cho biết: Hiện nay, đơn vị đã tham mưu UBND huyện phối hợp với  nhà tư vấn tiếp tục thực hiện vụ mùa thứ 2, để lấy mẫu phân tích sản phẩm và tiến hành các thủ tục công bố chứng nhận cho 3 mô hình sản xuất lúa hữu cơ năm 2021 -2022.

Phòng NN-PTNT huyện U Minh cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất khác như: thực hiện 3 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ năm 2022 với 121 ha, có 104 hộ tham gia, ở các xã Khánh Lâm, Khánh Hội và Khánh Thuận, sản xuất 49,4 ha cây công nghiệp, cây ăn trái theo hướng hữu cơ  với 51 hộ tham gia. Trong đó, Dự án liên kết chuối xiêm 30 ha với 15 hộ, chuối xiêm VietGAP gần 20  ha với 36 hộ, năng suất bình quân 26 tấn/ha và trồng rau màu an toàn 1 ha, tập trung ở các xã Khánh Lâm, Khánh Thuận, Khánh Hòa.

z3435943347469_c0dd5cc52acec485f541035714534f60

Cà Mau là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa hữu cơ lớn tại ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Hộ ông Đào Tư, ở ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh là một trong những hộ áp dụng và thực hiện có hiệu quả mô hình trồng rau an toàn. Những năm qua vợ chồng ông Đào Tư đã tận dụng diện tích đất xung quanh nhà khoảng 2.000m2 để trồng hoa màu, nhằm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Các loại hoa màu được ông Đào Tư trồng luân phiên trong năm là Cà Chua, khổ qua, hành lá, dưa leo và một số loại cải. Bí quyết trồng màu của ông Đào Tư là hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thay vào đó là sử dụng các chế phẩm sinh học để bón và phòng sâu bệnh cho hoa màu nên vụ nào hoa màu nhà ông cũng phát triển tốt và cho năng suất cao.

Ông Đào Tư, cho biết, đưa màu xuống ruộng cho năng suất cao, ổn định, mỗi năm thu hoạch khoảng 100 triệu đồng/ha.

Còn anh Nguyễn Văn Tình (Ba Tình) tại ấp 16, xã Khánh Thuận (huyện U Minh) với quy mô nông trại lên đến 20ha. Nông trại Ba Tình là trang trại tiêu biểu của xã về phương thức trồng trọt hữu cơ và sản phẩm cam Ba Tình đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng, là 1 trong những sản phẩm tiêu biểu của xã Khánh Thuận cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những sản phẩm tiêu biểu của địa phương đạt chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh năm 2021.

Anh Tình cho biết, “Hiện nay, trái Cam Ba Tình đã có mặt tại một số siêu thị tại Cà Mau, TP Hồ Chí Minh và các shop trái cây sạch ở ĐBSCL được thu mua với giá cao. Sắp tới, tôi dự định sẽ liên kết và tìm thị trường để xuất khẩu trái cam hữu cơ ra nước ngoài”. 

Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn cho người  chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học  được 77.000 con. Trong đó: nuôi Heo an toàn sinh học là 14.000 con, nuôi gia cầm an toàn sinh học là 63.000 con (gà, vịt). Ngoài ra, huyện còn đang triển khai cho người dân thực hiện mô hình nuôi cá sinh thái với diện tích 8 ha.

Empty

Mô hình đưa rau màu xuống ruộng đem lại lợi nhuận kinh tế cao, bền vững cho người dân Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: Phát huy kết quả đạt được, trong vụ mùa năm 2022- 2023, UBND huyện U Minh đã phê duyệt xây dựng thêm 4 mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích là 180 ha tại các xã Nguyễn Phích, xã Khánh Hội, xã Khánh Thuận và xã Khánh Tiến, tổng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện là gần 2,3 tỷ đồng, trong đó gồm hỗ trợ giống sản xuất, thuê tư vấn, đào tạo, kiểm định, đánh giá và chứng nhận hữu cơ.

“Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, huy động các nguồn kinh phí ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ đối với các doanh nghiệp, trang trại, HTX, THT và hộ gia đình sản xuất,  nhằm góp phần nâng cao hiệu quả năng suất, chất lượng, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xây dựng nhân rộng mô hình, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm hữu cơ của huyện ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần tích cực vào công tác phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Toản chia sẻ.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Địa phương đang tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển tập trung đơn ngành sang phát triển đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

“Nông nghiệp tỉnh Cà Mau sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tiếp tục phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng đổi mới tư duy quản lý từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, vừa khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên”, ông Vũ chia sẻ. 

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được tỉnh quan tâm thực hiện, Cà Mau có gần 40.000ha lúa sinh thái trên đất nuôi tôm đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận và có gần 800ha lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế; có trên 19.000 ha tôm - rừng được chứng nhận tôm sinh thái; xây dựng được trên 20.000ha vùng lúa an toàn chất lượng cao; thực hiện trên 10 liên kết sản xuất và tiệu thụ lúa an toàn, lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị. Phát triển 8 nhãn hiệu gạo địa phương, trong đó có 2 nhãn hiệu gạo hữu cơ. 

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.