Trong lúc chờ trái bóng V-League 2021 lăn vào ngày 9/1, cầu thủ Đỗ Văn Thuận của TP.HCM tranh thủ đi đá phủi để giữ cảm giác bóng. Tuy nhiên, lợi ích chưa thấy đâu, chỉ biết rằng cầu thủ này bị bong gân mác ngắn, gãy xương nền kín ngón số 5, và cần khoảng 1 tháng để bình phục hoàn toàn.
Được biết, không riêng gì CLB TP.HCM mà nhiều đội bóng khác ở V-League đều cấm cầu thủ tự ý đi đá phủi. Khác với những giải đá biểu diễn, sự căng thẳng và quyết liệt ở sân chơi phủi rất cao, khiến chấn thương rất dễ xảy ra.
Với cá nhân Văn Thuận, cầu thủ này còn càng đáng trách hơn khi dính chấn thương vào 29/11, tại Hà Nội, chỉ một ngày trước khi TP.HCM có lệnh hội quân. Khi đau rồi, cựu đội trưởng TP.HCM cũng không tự giác khai báo mà tiếp tục cắn răng lên đội. Phải tới khi CLB mở cuộc điều tra nội bộ, họ mới xác định chính xác nguyên nhân gây nên chấn thương cho Văn Thuận.
Án phạt dành cho tiền vệ sinh năm 1992 là không được nhận lương trong thời gian ngồi ngoài chữa trị. Anh thậm chí còn có nguy cơ bị cắt 30% phí lót tay, theo như quy định đã thông báo của TP.HCM hồi cuối tháng 9.
Văn Thuận không tự nhiên lại lăn ra chấn thương. Từng là trụ cột của TP.HCM trong nhiều năm, được giao băng đội trưởng, nhưng sau sự sa sút của đội bóng mùa này, anh bị tước băng thủ quân từ giai đoạn hai V-League 2020. Thay vì nghiễm nhiên chiếm suất đá chính, Văn Thuận phải chiến đấu và nhiều trận vào sân từ ghế dự bị. Trước đó, anh cũng bật bãi khỏi thành phần ban cán sự của đội. Tâm lý bất ổn, cộng với thiếu tinh thần giữ gìn khiến Văn Thuận gặp họa.
Nếu như vụ việc của Văn Thuận là lỗi cá nhân, thì ở một ca chấn thương khác - của Nguyễn Hai Long - lỗi lại thuộc về Than Quảng Ninh. CLB lao đao suốt nửa năm qua vì khó khăn tài chính bủa vây, nay tiếp tục chậm trễ trong việc quản lý y tế và sức khỏe cầu thủ.
Từng bị chấn thương nặng ở CLB, nhưng Hai Long không được kiểm tra kỹ. Quảng Ninh cho rằng anh đủ thể lực ra sân và tiếp tục sử dụng anh như không có chuyện gì đến tận cuối mùa. Nếu không lên tuyển, chưa chắc tiền vệ trẻ sinh năm 2000 phát hiện ra chấn thương.
Chuyện một cầu thủ bị đau ở CLB, nhưng bị lờ đi và không điều trị dứt điểm chẳng phải lạ ở Việt Nam. Ca bệnh nổi tiếng là của Tuấn Anh. Tiền vệ người Thái Bình tái phát đi tái phát lại vết đau đầu gối, mà không được nhận bất cứ liệu trình điều trị nào. Anh toàn vừa đá vừa nghe cơ thể, bởi tại V-League, rất hiếm đội đầu tư đội ngũ chuyên gia y tế. Thay vào đó, những người thăm khám cho cầu thủ chủ yếu dưới tư cách săn sóc viên. Do không được phát hiện sớm, những ca bệnh của cầu thủ Việt trở nên nặng, thậm chí dẫn tới mãn tính trong nhiều trường hợp.
Ở ngoài kia, vẫn còn rất nhiều Văn Thuận, Hai Long nữa chưa được phát hiện. Chính họ khiến câu hỏi: "Bao giờ bóng đá nước nhà chuyên nghiệp?" càng khó trả lời.