| Hotline: 0983.970.780

Cà phê được mùa, giá cao, nhân công được lợi

Thứ Hai 18/11/2024 , 08:22 (GMT+7)

GIA LAI Việc thuê nhân công thu hoạch cà phê năm nay khá thuận lợi bởi cà phê được mùa, được giá nên chủ vườn sẵn sàng trả tiền công cao.

Khi chủ vườn... “chơi thoáng”

Ở thôn Tân An thuộc xã Ia Sao - một trong những xã có diện tích cà phê lớn nhất của huyên Ia Grai, (tỉnh Gia Lai), gia đình anh Nguyễn Nghiêm có vườn cà phê 3ha. Anh Nghiêm là một trong những chủ vườn ở vựa cà phê Ia Sao tiên phong trong việc trồng cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững.

Kiểm tra độ chín của hạt cà phê trước khi thu hoạch ở huyện Chư Sê. Ảnh: Đăng Lâm. 

Kiểm tra độ chín của hạt cà phê trước khi thu hoạch ở huyện Chư Sê. Ảnh: Đăng Lâm. 

Theo đó, vườn cà phê của gia đình anh gần như chưa năm nào mất mùa, năm nào giá xuống đáy vẫn không bị lỗ bởi năng suất cao nên kéo lại được. Năm nay tuy mới bắt đầu thu hoạch nhưng anh vẫn tự tin nói: “Vườn cà phê của gia đình tôi năm nay năng suất không dưới 4,5 tấn nhân/ha”.

Với 3ha cà phê (gồm vợ chồng anh 400 cây, còn lại chia cho con trai và con gái), năm nay anh thuê 10 nhân công thu hoạch, dự kiến khoảng một tháng sẽ thu xong. Về việc thuê nhân công, anh Nghiêm cho biết năm nay không thuê ngày mà khoán sản phẩm. “Cứ hái được 1 tạ quả sẽ trả công 110 ngàn đồng, chủ nhà hỗ trợ chỗ ở, điện nước, rau tươi thì sẵn có trong vườn, thỉnh thoảng tặng anh em cân thịt, lít rượu giải mỏi”, anh Nghiêm cho biết thêm.

Hai anh em trai K’păh Mok và K’păh Net (dân tộc J’rai) ở tận xã Chư Đ’răng (huyện Krông Pa) vượt 150 cây số đến Ia Sao hái thuê cà phê. Mok cho biết, mỗi ngày anh hái được khoảng 4 tạ, có ngày khỏe, vườn cà phê bằng phẳng thì thu được 5 tạ quả tươi, quy ra tiền công được 550 ngàn đồng.

“Chủ nhà rất thoáng, luôn quan tâm đến anh em. Ngoài việc trả công xứng đáng và kịp thời ngay cuối ngày thì thỉnh thoảng còn cho thêm cân thịt, lít rượu ngon để anh em giải mỏi, uống đôi ly cho ấm người”, K’păh Mok vui vẻ nói.

Vườn cà phê hơn 1ha của gia đình chị Lê Thị Ngân ở thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) năm nay cũng được mùa. Anh Ba và anh Trọng ở Bình Định là những người năm nào gia đình chị Ngân cũng thuê lên hái cà phê. Đợt này, hai anh làm lán ở luôn ngoài vườn cà phê cho tiện, ăn uống và tiền xe đi lại được chị Ngân hỗ trợ. Tiền công là 350 ngàn đồng/ngày/người với điều kiện phải hái được ít nhất 1,8 tạ/ngày, bằng không thì hái khoán. Đã quen lao động chân tay nên cuối đợt (thường khoảng nửa tháng) mỗi anh cũng mang về cho gia đình một khoản tiền kha khá.

Chị Ngân chia sẻ: “Năm nay cà phê được mùa, được giá nên không riêng gì tôi mà hầu như các chủ vườn khác đều rộng rãi với anh em. Ngoài việc trả công xứng đáng, gia đình luôn quan tâm đến anh em từ việc ăn ngủ, sinh hoạt, tiền xe đi về”.

Huy động nhân lực thu hoạch nhanh nhất có thể

Huyện Ia Grai có trên 18 ngàn ha cà phê, trong đó có trên 17 ngàn ha đang cho thu hoạch. Năm nay cà phê được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Ngay từ đầu vụ, các chủ vườn trong vùng đã tìm cách liên lạc với những mối quen là những người hái cà phê cho mình từ những vụ trước.

Mới đầu vụ thu hoạch, cà phê chưa chín rộ nên anh Nguyễn Nghiêm ở Ia Sao chỉ thuê anh em Mok và Net. “Khi bước vào chính vụ thu hoạch, gia đình sẽ thuê 10 nhân công đến thu hoạch cà phê”, anh Nghiêm cho biết.

Điều đáng lo là ngay từ đầu vụ thu hoạch đã có một số trận mưa, ảnh hưởng đến việc thu hái bởi quả cà phê chín gặp mưa sẽ nở bung như hoa. “Gặp mưa, quả nào không nở bung thì sẽ bị rụng xuống gốc. Lúc này phải luồn vào gốc cà phê để nhặt từng quả. Tuy không ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê nhưng nhặt như vậy sẽ rất tốn công”, anh Nghiêm cho biết.

Vườn cà phê hữu cơ của nông dân huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Đăng Lâm. 

Vườn cà phê hữu cơ của nông dân huyện Chư Păh (Gia Lai). Ảnh: Đăng Lâm. 

Trong khoảng trên 18 ngàn ha cà phê toàn huyện Ia Grai, cà phê của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn khoảng trên 5 ngàn ha, còn lại khoảng 13 ngàn ha là của nông hộ. Nỗi lo lớn nhất của chủ vườn cà phê nơi đây là trời mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch. Nếu không đủ nhân công thu hái cà phê, vườn cây sẽ bị rụng quả khi gặp mưa.

Do vậy, ngoài việc cà phê năm nay được mùa, được giá, việc chủ vườn sẵn sàng thuê nhân công với giá cao còn là để động viên họ thu hoạch cà phê được nhanh nhất, sớm phơi khô và đóng bao cất vào kho. “Sớm khép lại vụ thu hoạch cà phê còn để tránh tình trạng trộm cắp cà phê ngoài vườn cây. Bởi cà phê năm nay được giá nên nạn trộm cắp cà phê cũng đã xảy ra trên địa bàn”, chị Ngân cho biết.

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, Phòng đã có kiến nghị với huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan giúp bà con tìm nguồn nhân lực thu hoạch cà phê. Đồng thời khuyến cáo bà con nên vần công bằng cách vườn nào chín trước thì đến hỗ trợ thu hái, sau đó đến vườn tiếp theo.

“Cũng may là các chủ vườn luôn có mối quen từ những vụ thu hoạch trước nên năm nay, trước khi bước vào vụ thu hoạch, các chủ vườn đã liên hệ với những người này. Đó là lực lượng lao động ở các huyện khác không có cà phê, khi nông nhàn thì đi hái thuê cà phê để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra còn có một lực lượng lớn lao động ở các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh phía Bắc đến đây nhận hái thuê”, ông Thắm cho biết.

Cà phê năm nay vừa được mùa, vừa được giá, lại được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc tìm nguồn nhân lực thu hoạch nên niềm vui của các chủ vườn cà phê nơi đây như được nhân đôi.

Ông Phan Đình Thắm: “Với khoảng trên 17 ngàn ha cà phê cho thu hoạch, với năng suất khoảng 15 tấn tươi/ha thì sản lượng cà phê toàn huyện năm nay đạt trên 250 ngàn tấn quả tươi. Để đủ nguồn nhân công thu hoạch, huyện đã hỗ trợ chủ vườn bằng cách chủ động tìm nguồn nhân lực. Đồng thời tăng cường bảo vệ vườn cây cho bà con, tránh tình trạng trộm cắp, bẻ cành”.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.