Dấu vết địa ngục trần gian
Năm 1979, ông Ngô Điền trở lại Campuchia, nhận nhiệm vụ Đại sứ. Trước đó, ông đã từng có 6 năm công tác ở nước bạn với vai trò phóng viên thường trú Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), từ năm 1956 đến năm 1962.
Vợ chồng Đại sứ Ngô Điền tại Campuchia (1979). Ảnh tư liệu gia đình. |
Đôi chân ông đã đi gần 1.000km suốt chiều dài biên giới Việt Nam - Campuchia, tính cả những năm tháng là nhà báo tham gia các cuộc “ngự hành” của Quốc vương Xihanuc. Nhờ những hoạt động này, mà ông Ngô Điền đã có cơ hội đi từ đông sang tây, từ nam lên bắc, khi thì khánh thành một ngôi chùa, khi khánh thành một trường học, hay có lúc là khởi công một con đường, một đập thủy lợi…
Từ năm 1962 rời Phnompenh nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Mali (châu Phi), rồi về nước làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao), trở lại Campuchia lần này, ông chứng kiến nỗi đau của họa diệt chủng đến với nhân dân nước bạn. Cảnh đoàn người lang thang trên các nẻo đường ở chốn địa ngục trần gian còn nguyên dấu vết ở một số nơi bàn chân ông qua. “Những bóng đen lặng lẽ đi, tìm cuộc sống/ Khăn gói nồi niêu một thúng rách trên đầu/ Từ cõi chết trở về, bà con hướng về đâu”.
Trở lại với ngôi nhà mà ông từng ở 17 năm về trước, chỉ là cảnh vắng lặng ghê người. Những ngôi nhà xung quanh cũng vậy. “Quen lối cũ, anh thẫn thờ từng bước/ Nhà bếp cầu thang, hàng hiên phía trước/ Nơi mẹ hiền và em gái mắt long lanh/ Với tay nâng chùm trái mọng đầu cành”.
Tại một ngôi nhà khác, một phóng viên phương Tây đã tìm thấy tấm bảng học trò với những câu thơ tiếng Pháp mà một em bé Campuchia chép lại, nét chữ đầy nắn nót, thơ ngây.
“Từ khung kính vỡ tan; anh nhặt ra từng mảnh/ Cặm cụi hồi lâu lắp lên chiếc ảnh/ Ba má và em… một quá khứ thương đau/ Anh cất nhanh vào túi áo bạc màu” (Ngô Điền: "Bài thơ trở lại Phnompenh" - 1979). |
“Trên bảng nhỏ còn chữ em nắn nót/ “Em yêu ngôi nhà em đầu cành chim hót”/ Em còn chăng hay một nhát cuốc đã chôn vùi?”.
Nỗi xúc động khiến Đại sứ Ngô Điền viết thành “Bài thơ trở lại Phnompenh”, ông ký tên Hướng Nam là tên con trai út của mình và đề tặng con trai Mê Giang, kết quả của tình yêu bên sông Mê Giang từ hơn 20 năm trước, nay cũng vào bộ đội. Bài thơ đăng trên báo Đại đoàn kết, ra ngày 29/9/1979. “Rẽ sóng vươn lên, hướng về ánh sáng/ Bao nỗi khổ đau như dạt về dĩ vãng. Bố dõi nhìn theo, lòng tràn ngập yêu thương/ Tưởng như tiễn chính con ngày ra trận lên đường”.
Ông Ngô Điền được phân công làm Phó ban B68, cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong công tác mới giúp cách mạng Campuchia chống diệt chủng Pôn Pốt. Chuyên gia Việt Nam phải nhanh chóng giúp bạn xây dựng đội ngũ cán bộ. Lúc đầu, phải làm giúp bạn, sau chuyển sang giúp bạn làm.
Đại sứ Ngô Điền (thứ ba, từ phải sang trái) tại Campuchia. (Ảnh tư liệu Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện). |
Xã hội không có đồng tiền
Suốt 3 năm 9 tháng 20 ngày tồn tại, chế độ Pôn Pốt dồn dân vào các “công xã”, trong đó không có chợ, không có tiền, mọi thứ đều do ăng-ca phân phối.
Trong khoảng thời gian 1 năm 3 tháng thừ tháng 1/1979 đến tháng 4/1980 trên toàn đất nước Campuchia không có đồng tiền. Không dùng tiền là nét đặc biệt của chế độ Pôn Pốt. Đại sứ Ngô Điền đánh giá: “Đó là một tình trạng độc nhất vô nhị trong xã hội loài người vào cuối thế kỷ 20”.
Khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnompenh, đánh đổ chế độ Pôn Pốt, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia xây dựng đất nước ban đầu cũng không có đồng tiền, phải dùng gạo thay tiền làm vật trao đổi. Việt Nam phải giúp đỡ nước bạn phát hành tiền để mua bán trao đổi trong giao thương kinh tế. Đoàn chuyên gia kinh tế (A40) phụ trách việc in tiền, lập kho bạc và các chi nhánh tài chính, ngân hàng.
“Những đóng góp của Đại sứ Ngô Điền cho công cuộc hồi sinh của con người và đất nước Campuchia sau họa diệt chủng Pôn Pốt, những suy tư trăn trở bằng tim bằng óc của ông cho quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam và Campuchia thì khó mà đem ra đong đếm được. Mà chắc không phải ai cũng có ý đem ra đong đếm làm gì”. (Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia) |
Sau một thời gian gấp rút thực hiện, trong hai ngày 5 và 6/5/1980, hoạt động đổi tiền (đồng riên) bắt đầu diễn ra trên toàn đất nước Campuchia. Đồng riên ra đời đã gây được không khí phấn khởi.
“Việc phát hành đồng riên Campuchia năm 1980 đáng là đề tài của một luận án “tiến sĩ” tầm cỡ thế giới - Đại sứ Ngô Điền đánh giá - Không ở đâu trong thế kỷ 20 này lại có một xã hội có tiền lại trở thành một xã hội không có đồng tiền rồi sau đó quay lại thành một xã hội có đồng tiền”.
Trước đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam, người người lớp lớp đã ngã xuống khi tiêu diệt quân diệt chủng Pôn Pốt. Theo ông Ngô Điền, điều mà nhân dân Campuchia không thể nào quên là Việt Nam đã bằng xương máu con em mình giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. “Các anh ơi, nhớ mãi”, đó là một trong nhiều lời biết ơn được ghi thành biểu ngữ của bà con Campuchia đi tiễn quân tình nguyện Việt Nam trong đợt rút quân lần cuối cùng (9/1989).
Vòng hoa chăm-pa tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Tháng 2/1980, Đại sứ Ngô Điền kể lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Campuchia. Khi đó, để đảm bảo an ninh, phía ta đã chuẩn bị sẵn hoa. Hoa đẹp, có cả lay-ơn từ Đà Lạt mang sang, nhưng lại không phù hợp với phong tục tặng hoa của Campuchia.
Bộ Ngoại giao nước bạn muốn choàng lên cổ Thủ tướng và các đại biểu nước ta những vòng hoa chăm-pa. Hoa chăm-pa, miền Nam gọi là hoa sứ, còn miền Bắc gọi là hoa đại.
Nhân dân Campuchia tiễn bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước (1989). |
Ông Ngô Điền đã hỏi một nữ cán bộ lễ tân Bộ Ngoại giao Campuchia là bà Peou Lốt lấy hoa ở đâu? Bà trả lời đã nhắm sẵn một số cây trong thành phố và sẽ cử các cháu gái đi nhặt, đi hái về. Đại sứ Ngô Điền đem bàn với tướng Phùng Thế tài là thành viên tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được ông đồng ý.
Đồng ý mà vẫn lo lắng nên tối hôm ấy, hai ông Phùng Thế Tài và Ngô Điền cùng đến trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia tại bờ sông bốn mặt Chakđômúc để tìm bà Peou Lốt. Tới nơi, họ thấy bà Peou Lốt và mấy cô gái Campuchia đang ngồi quanh mấy thúng đựng đầy hoa chăm-pa, lọc bỏ hoa xấu, chọn những bông hoa đẹp, xâu thành những chuỗi hoa tươi rất thích mắt.
Hôm sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn đại biểu Việt Nam tới sân bay Pochentung, Chính phủ Campuchia đón tiếp long trọng, 21 phát súng đại bác bắn chào. Những cô gái Khmer xinh đẹp trong trang phục dân tộc truyền thống đến choàng lên cổ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và những vị khách quý Việt Nam những vòng hoa chăm-pa tươi thơm. Những bông hoa khác cũng được rải lên thảm đỏ dưới chân đoàn đại biểu tiến về lễ đài. Quốc ca hai nước nổi lên hùng tráng. Theo đó là những tiếng hô: “Tình hữu nghị đặc biệt Khmer - Việt Nam muôn năm”…