Theo Sở NN-PTNT Bình Định, địa phương này hiện có 163 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, đến 13 giờ ngày 25/9, dung tích trong các hồ chứa là 177/592 triệu m3, đạt khoảng 30% dung tích thiết kế.
Trong số 163 hồ chứa nói trên hiện có 24 hồ đã cạn nước, các hồ còn lại đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để bảo đảm phòng, chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ năm 2022.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc họp tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2021, triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2022. Cuộc họp này đã chỉ ra những mặt còn tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai của những năm trước đây để rút kinh nghiệm khắc phục, nhờ đó, trước cơn bão Noru, Bình Định cơ bản không lo lắng nhiều về an toàn hồ chứa.
Đặc biệt, đối với liên hồ chứa Sông Kôn-Hà Thanh, ngành chức năng họp tổ tư vấn về điều tiết hồ chứa, thống nhất khi nào thì giữ nước lại, khi nào xả nước để giảm lũ cho hạ du.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, trong số 163 hồ chứa thì công ty đang quản lý 60 hồ có dung tích chứa lớn và 23 đập thủy lợi. Trước bão Noru, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã mở toàn bộ 23 đập để thông thoáng dòng chảy nhằm ứng phó với mưa lũ.
Riêng những hồ chứa nằm trong quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đang điều tiết đưa mực nước giảm xuống đúng quy trình để đảm bảo an toàn.
“Hồ Định Bình là hồ chứa lớn nhất Bình Định với dung tích chứa 226 triệu m3 nước. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh, sau tháng 9 cho phép cao tình mực nước hồ ở mức 75m. Hiện nay cao trình của hồ Định Bình đang ở mức 74m. Sáng 26/9, công ty sẽ điều tiết thêm để đến chiều 27/9, trước khi bão Noru đổ bộ vào bờ thì cao trình mực nước hồ Định Bình sẽ giảm xuống còn 70m là đảm bảo an toàn. Còn tất cả những hồ khác hiện đã ở mực nước chết sẵn sàng đón lũ mới”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.
Còn tại Khánh Hòa, những ngày vừa qua, hồ chứa nước Hoa Sơn, thuộc huyện Vạn Ninh đã chủ động điều tiết nhằm duy trì mực nước được UBND tỉnh cho phép theo quy trình vận hành.
Ông Mai Xuân Trọng, Trưởng Chi nhánh huyện Vạn Ninh-Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, cao trình vận hành được tỉnh cho phép tích nước của hồ Hoa Sơn đến ngày 30/9 là 22m. Cách đây 4 ngày, Công ty đã thông báo về việc điều tiết duy trì cao trình mực nước hồ Hoa Sơn. Do đó từ ngày 23/9 đến nay, đơn vị đã điều tiết nước với lưu lượng từ 0,76 -30m3/s, đảm bảo theo đúng trình.
Cũng theo ông Trọng, đến sáng 26/9, hiện mực nước hồ hoa sơn là 12,45/19,2 triệu m3, đạt 65% so với dung tích thiết kế. Cao trình hồ hiện đơn vị đã điều tiết xuống còn 21,5m để tăng thêm dung tích phòng lũ nhằm đón cơn bão số 4 có khả năng gây mưa lớn sắp tới.
Không chỉ hồ Hoa Sơn, mà 7 hồ chứa gồm Đá Đen, Đá Bàn, Suối Trầu, Am Chúa, Suối Dầu, Cam Ranh và Suối Hành do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý cũng đã chủ động điều tiết với dung lượng nhỏ mấy ngày nay.
Ông Đinh Tấn Thành, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, việc các hồ chứa của Công ty quản lý điều tiết để giữ mực nước theo quy trình; đồng thời có dung tích phòng lũ khi chuẩn bị đón cơn bão số 4 xảy ra mưa lớn.
“Bây giờ, các hồ chứa của chúng tôi điều tiết đúng quy trình, có dung tích phòng lũ. Khi mưa lớn là chủ động tích nước, điều tiết kịp thời, chứ không để mất dung tích gây tràn, ảnh hưởng công trình”, ông Thành bày tỏ và cho biết thêm, qua theo dõi thời tiết, công ty đã điều tiết nước các hồ chưa trên từ ngày 23/9, với lưu lượng rất thấp từ 5-30m3/s.
Trước mùa mưa bão năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa cùng ngành chức năng, các địa phương đã lập đoàn kiểm tra các công trình đều đảm bảo an toàn. Hiện nay trước cơn bão Noru, lãnh đạo tỉnh cùng công ty cũng đã trực tiếp kiểm tra, theo dõi chặt chẽ việc vận hành điều tiết các hồ chứa, tuân thủ vận hành đúng quy trình được duyệt nhằm đảm bảo 3 nhiệm vụ vừa tích nước phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiệt hại cho vùng hạ du.
Tại Phú Yên, ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Thủy nông Đồng Cam cho biết, đơn vị hiện quản lý 7 hồ chứa với tổng dung tích hơn 65 triệu m3. Trong đó 4 hồ xả trà tự do và 3 hồ xả đáy. Tuy nhiên đối với các hồ xả đáy hiện treo tràn để bảo dưỡng các thiết bị nên mưa bão tới cũng sẽ không ảnh hưởng vấn đề gì.
Theo ông Huệ, trước mùa mữa bão, công ty đã tổ chức kiểm tra các hồ chứa đều đảm bảo an toàn, chưa phát hiện vấn đề bất thường. Sau đợt bão số 4 này, công ty sẽ hạ các tràn hồ chứa xuống để tích nước và thực hiện điều tiết.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa giao và quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi gồm 18 hồ chứa, 31 đập dâng 500 km kênh mương và 6 trạm bơm tưới; với diện tích tưới hàng năm khoảng 31.500 ha, cấp nước nước dịch vụ khác trên 23 triệu m3. Nhằm thuận lợi trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi, hiện Công ty đã lắp đặt 23 trạm đo mưa tự động trên 8 hồ chứa có cửa van điều tiết lũ gồm hồ Đá Đen, Hoa Sơn, Đá Bàn, Cam Ranh, Tà Rục, Suối Hành, Suối Dầu và Am Chúa.