“Cơn bạo bệnh” đã qua hàng tháng trời nhưng cuộc sống, sinh hoạt của người dân vẫn vô cùng chông chênh, điều này phần nhiều bắt nguồn từ sự hời hợt của các bên liên quan…
Hỗ trợ hay đền bù?
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng cộng 13 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có Bản Vẽ (công suất thiết kế 320MW) và Hủa Na (công suất thiết kế 180MW) đảm bảo thực hiện 3 nhiệm vụ “chống lũ, chống hạn và phát điện”. Tất cả các công trình còn lại chỉ độc 1 chức năng “kinh doanh điện năng”, điều này là nguồn cội dẫn đến hàng loạt vấn đề rắc rối.
Chẳng thế khi nhắc đến trận xả lũ kinh hoàng vào 2 ngày 30 và 31/8/2018, đại diện các nhà máy đều khăng khăng “đã vận hành theo đúng quy trình, sự việc bất khả kháng do thiên tai quá lớn”, thành thử họ chỉ có trách nhiệm “hỗ trợ” chứ không phải đứng ra thực hiện công tác “đền bù” nhằm khắc phục hậu quả. Hỗ trợ ở đây hiểu nôm na là xuất phát từ tâm, được chừng nào hay chừng đấy(?!).
Cuộc sống của dân bản Xá Lượng bị xáo trộn nghiêm trọng |
Lập luận này hoàn toàn vô căn cứ. Một nhà máy thủy điện dựng lên đồng nghĩa với muôn vàn hệ lụy đi kèm (mất rừng, mất đất sản xuất, xáo trộn tầng địa chất, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến sinh hoạt…), quy mô càng lớn thì rủi ro càng nhiều. Doanh nghiệp xác định tham gia đầu tư thì quyền lợi và trách nhiệm phải song hành, nộp thuế cho tỉnh là một nhẽ họ cần phải có phương án trích một phần lợi tức hàng năm để phục vụ cho công tác an sinh xã hội cũng như khắc phục hậu quả do quá trình vận hành gây nên. Không thể có chuyện ung dung thu về thành quả, rồi khi gặp sự cố thì lảng tránh ngó lơ...
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ công tác quy hoạch có nhiều điểm “bất thường” của tỉnh Nghệ An. Thực tế việc triển khai dày đặc các dự án thủy điện trên lưu vực sông Cả khiến tình hình luôn căng thẳng, điều này được thể hiện rõ qua kết luận của đơn vị chuyên ngành:
“Phần lớn thời gian trong năm lưu lượng nước sông quá thấp, vào mùa lũ nước rút chậm, thời gian ngập lụt kéo dài hơn. Một số đập công suất xả lũ tối đa nhỏ hơn lưu lượng lũ đổ về (Khe Bố, Bản Ang, Nậm Nơn, Chi Khê, Nậm Mô) dẫn đến nước thượng nguồn các hồ dâng nhanh quá cao trình, qua đó gây nên thiệt hại cho người dân sinh sống trong khu vực này. Chính các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy, tạo ra cao trình chênh lệch giữa thượng lưu và hạ lưu của đập, khi xả lũ tạo thành gia tốc quá lớn khiến mức độ thiệt hại tăng lên…”.
Bà Vinh kiên quyết không ký xác nhận khi biết số tiền bị cắt giảm khó hiểu |
Kết quả kiểm tra thực tế đã nói lên tất cả, phía chủ đầu tư không thể vin vào lý do “vận hành theo đúng quy định” để cố tính lấp liếm cho qua chuyện. Xoay quanh vấn đề này, thay vì thực hiện công tác “hỗ trợ” như bấy lâu các nhà máy phải có trách nhiệm “đền bù” thỏa đáng với mức độ hậu quả đã gây ra.
Mỏi mòn ngóng chờ
Cơn “đại hồng thủy” càn qua để lại di chứng nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người dân vùng cao, trong phút chốc đẩy họ lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất, sống vất vưởng nay đây mai đó.
Tổng thiệt hại các huyện miền Tây Nghệ An phải gánh chịu sau đợt xả lũ là 139,439 tỷ đồng nhưng các đơn vị liên quan mới tiến hành hỗ trợ được tầm… 6 tỷ đồng. Trong số này “hăng hái” nhất là thủy điện Bản Vẽ khi chấp nhận chi ra khoảng 4 tỷ, phần còn lại thuộc về Khe Bố. Tất tần tất các nhà máy khác gần như không có bất kỳ động thái nào liên quan, dường như sự vô cảm đã đạt đến cao trào.
"Hăng hái" nhất là thủy điện Bản Vẽ nhưng số tiền bồi thường, hỗ trợ mới chỉ dừng ở mức 4 tỷ đồng |
Đợi chờ trong vô vọng khiến tâm lý của người dân xã Xá Lượng, huyện Tương Dương bất an tột độ. Trăm người như 1, khi nhắc đến 2 từ “thủy điện” tất thảy đều lắc đầu nguầy nguậy. Theo trần tình của bà con bản Xiêng Hương, các công trình mọc lên như nấm sau mưa trong thời gian ngắn, đặc biệt là thủy điện Nậm Nơn “án ngữ” ngay trên địa bàn khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn nặng nề, từ thời điểm thi công đến khi đi vào vận hành, nỗi lo chưa bao giờ dứt.
Đáng quan ngại khi biết rằng, hơn 4 tháng trời đằng đẵng ngóng trông các hộ chỉ nhận được số tiền hỗ trợ nhỏ giọt 50 triệu đồng. Nếu đánh giá chi tiết mức độ thiệt hại, nguồn kinh phí trên chẳng khác nào “muỗi đốt inox”.
Các nhà máy thủy điện khác gần như án binh bất động |
Thiên tai đã qua từ lâu nhưng ký ức kinh hoàng vẫn ám ảnh bà Nguyễn Thị Vinh (bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng) mãi không thôi, trong đêm tối như bưng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn dồn về táp vào nền đất tạo thành những tiếng nổ chát chúa vang lên liên hồi. Mặc dầu gia đình đã gắng sức gia cố nhưng lực bất tòng tâm, chỉ trong nháy mắt căn nhà bị cuốn theo dòng chẳng sót lại thứ gì, may thay không có mất mát về người. Không thể tiếp tục sống tiếp trên nền đất cũ, trong khi công tác tái định cư lại quá chậm chạp thành thử hàng tháng nay bà Vinh và người thân phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu, tá túc lần hồi hết sức nhọc nhằn. Bởi thế khi cầm trên tay biên bản xác nhận của Thủy điện Khe Bố về việc định giá bồi thường, hỗ trợ số tiền 220.068.905 đồng, bà Vinh như mở cờ trong bụng. Có điều niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ 1 tuần sau (28/12) UBND huyện Tương Dương và đại diện của nhà máy thủy điện thông báo nguồn kinh phí bị rút xuống gần phân nửa, chỉ còn… 118.927.000 đồng. |