Hướng chăn nuôi mới tại xứ trà
Là người đam mê chăn nuôi, anh Trần Văn Tuấn (xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên) bén duyên với con lợn vào 10 năm trước.
Khởi đầu từ 5 con lợn thịt với mong muốn chỉ cần đủ ăn, theo thời gian trang trại của anh nông dân này ngày càng được mở rộng nhờ sự chịu thương chịu khó. Lúc cao điểm, trang trại của anh Tuấn có quy mô gần 400 con lợn thịt, tạo ra việc làm cho 5 nhân công tại địa phương. Nhờ con lợn mà anh Tuấn xây được nhà cao cửa rộng, mua ô tô, nuôi con ăn học đầy đủ.

Trang trại lợn ăn bột chè xanh của anh Trần Văn Tuấn, Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.
Tuy nhiên “khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy”, dịch tả lợn Châu Phi ập tới trang trại của anh Tuấn khiến 300 con lợn phải tiêu hủy, thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Không nản chí trước khó khăn, anh Tuấn quyết tâm xây dựng lại từ đầu và coi đây là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, thay đổi hướng đi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học bền vững.
Tìm hiểu thông tin trên báo chí và các hội thảo khoa học, anh Tuấn biết được tỉnh Thái Nguyên đang nhân rộng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh với nhiều lợi ích. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Thái Nguyên, trang trại đã áp dụng thành công quy trình và đã xuất bán lứa lợn đầu tiên.
Bột lá chè xanh được làm từ lá chè già, phần phụ phẩm sau khi thu hoạch búp chè. Lá chè được sấy khô 2 lần ở nhiệt độ khoảng 65 độ C rồi nghiền thành bột. Bột lá chè xanh được bảo quản trong túi nilong kín, khô ráo, tránh nhiễm bẩn.
Nguyên liệu dùng làm thức ăn chủ yếu có nguồn gốc từ tự nhiên, có sẵn tại địa phương bao gồm: Thức ăn tinh (ngô nghiền, cám gạo); Thức ăn giàu đạm (đậu tương, premix khoáng, vitamin, muối, men vi sinh).
Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên nhấn mạnh: “Phương pháp phối trộn thức ăn, ủ men vi sinh giúp quá trình chuyển hóa thức ăn của vật nuôi nhanh và hiệu quả, tăng sức đề kháng, hạn chế đáng kể các loại bệnh về đường tiêu hóa”.

Bột chè xanh sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt. Ảnh: Quang Linh.
Bước 1: Chuẩn bị 40 lít nước sạch cho vào thùng chứa, bổ sung 3 kg cám gạo và 3 kg cám ngô vào thùng nước, khuấy đều. Cho 500 gam men vi sinh vào thùng nước, khuấy đều. Thùng dịch men vi sinh kích hoạt men trong thời gian từ 1 - 2 giờ, sau đó tiến hành ủ thức ăn.
Bước 2: Chuẩn bị sẵn các nguyên liệu theo tỷ lệ. Sử dụng máy trộn để trộn đều các nguyên liệu theo trình tự từ nguyên liệu có khối lượng lớn nhất đến khối lượng nhỏ nhất. Cho cám ngô vào máy trộn, tiếp theo cho cám gạo vào, bật máy, trộn đều 2 nguyên liệu trên, tiếp tục cho đậu tương vào máy trộn, trộn đều.
Đối với các loại nguyên liệu khối lượng nhỏ (bột lá chè xanh, khoáng, vitamin, muối) trộn trước với một lượng ngô nghiền để tăng khối lượng, sau đó mới trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo phân bố đều trong hỗn hợp thức ăn.
Bước 3: Cho dịch men vi sinh đã chuẩn bị từ từ vào máy trộn, trộn đều hỗn hợp với dịch men vi sinh trong thời gian từ 3 - 5 phút. Kiểm tra những vị trí thức ăn chưa được làm ẩm, đóng vón cục, trộn lại cho thật đều hỗn hợp và dịch men.
Bước 4: Chuyển hỗn hợp thức ăn đã phối trộn ra thủng chứa để tiến hành ủ men vi sinh, để hỗn hợp thức ăn 1 - 2 giờ, sau đó tiến hành dùng túi nilong bịt kín miệng thùng ủ thức ăn, cố định bằng dây chun, đậy kín nắp và tiến hành bảo quản từ 1 - 2 ngày, sau đó kiểm tra thức ăn ủ men vi sinh đạt yêu cầu là thức ăn có mùi thơm, chua nhẹ, không bị mốc, không có mùi hôi thối. Thức ăn phối trộn ủ men sử dụng 3 - 5 ngày.

Khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư và hạn chế người ra vào từ bên ngoài. Ảnh: Quang Linh.
110.000 đồng/kg lợn hơi
Bột lá chè xanh được pha trộn với thức ăn tự nhiên với tỷ lệ 3%, sau 6 tháng nuôi lợn có trọng lượng bình quân trên 100kg/con (tương đương với nuôi bằng thức ăn công nghiệp).
Từ khi chuyển hướng sang quy trình nuôi lợn thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên, anh Tuấn nhận thấy lợn ăn khoẻ, gần như không mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Khu vực trong và xung quanh trang trại giảm mùi hôi rõ rệt.
Tác dụng của bột lá chè xanh giúp tăng cường chuyển hóa lipid, nâng cao chất lượng thịt lợn. Nhờ đó, độ dày của mỡ lưng giảm, tỷ lệ nạc tăng. Không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng trong thịt lợn, chỉ tiêu vi sinh vật hiếu khi trong thịt đảm bảo trong giới hạn theo tiêu chuẩn thịt tươi theo TCVN 12429-1:2018 về thịt mát.
"Bí quyết để lợn ăn bột chè xanh phát triển nhanh, sạch bệnh là cho ăn nhiều bữa. Chúng tôi chỉ cho lượng thức ăn vừa đủ, mỗi ngày cho ăn 3 - 4 bữa, tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng để lợn kích thích ham muốn ăn", anh Tuấn cho hay.
Theo bà Đào Thị Kim Quý, địa phương luôn sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có mong muốn chuyển đổi quy trình chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung bột chè xanh. Từ đó, phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên gắn với cây chè.
Hiện, lợn ăn bột chè xanh vẫn là sản phẩm chăn nuôi mới, người dân kiến nghị tỉnh Thái Nguyên tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu lợn ăn chè xanh là sản phẩm chăn nuôi đặc sản, đặc trưng của địa phương để nâng cao giá trị và ổn định đầu ra.

Lợn sạch bệnh giúp trang trại giảm đáng kể chi phí đầu vào. Ảnh: Quang Linh.
Theo quy trình nuôi lợn thịt ăn bột chè xanh, trang trại cũng áp dụng nhiều biện pháp sinh học, trong đó, sử dụng đệm lót sinh học với các nguyên liệu là phế phẩm nông nghiệp có khả năng thấm hút tốt, như: Trấu, rơm, mùn cưa, xơ dừa, thân cây ngô khô, bã mía khô… kết hợp với men vi sinh.
Cùng với đó, bổ sung cám gạo, cám ngô, rỉ mật đường để kích thích men vi sinh phát triển trước khi tiến hành sử dụng làm đệm sinh học. Quy trình này giúp chuồng trại không có mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính. Phân và chất độn chuồng sau khi chăn nuôi có thể ủ thành phân hữu cơ, sử dụng trong trồng trọt.
Chè xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm: Polyphenol, polysacarit, saponin. Tác dụng của chè xanh đối với chăn nuôi lợn thịt ở các tỷ lệ khác nhau sẽ có những tác động khác nhau đến khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt.
Đặc biệt, Polyphenol trong chè xanh có thể làm giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể vật nuôi (mỡ bụng, mỡ lưng, mỡ phủ tạng) và làm giảm độ dày trung bình của mỡ lưng. Polyphenol có thể làm giảm sự tích lũy cholesterol trong cơ thể.
Ngoài ra, bột lá chè xanh có thể cải thiện màu sắc của thịt lợn, một trong những chỉ tiêu đánh giá phẩm chất thịt lợn. Việc bổ sung bột lá chè xanh vào khẩu phần ăn của lợn thịt có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ axit amin thiết yếu trong cơ của lợn, cơ có chất lượng tốt tỷ lệ này có thể đạt đến 40%.
Theo anh Trần Văn Tuấn, tuy lợn ăn bột chè xanh có thời gian nuôi dài hơn 1,5 tháng so với cách nuôi truyền thống nhưng giá bán luôn luôn cao hơn rất nhiều, hiện xấp xỉ 110.000 đồng/kg lợn hơi.