| Hotline: 0983.970.780

Các 'ông lớn' cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đ/kg từ ngày 1/4

Thứ Hai 30/03/2020 , 10:33 (GMT+7)

6 doanh nghiệp lớn nhất về chăn nuôi lợn tại Việt Nam đã cam kết điều chỉnh giá bán lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đ/kg kể từ ngày 1/4.

Sáng nay (30/3), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp cùng các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn nhằm triển khai tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa giá lợn hơi về mức 70 nghìn đồng/kg.

Doanh nghiệp giảm giá lợn hơi, nhưng người tiêu dùng không được hưởng lợi

Công ty C.P, “ông lớn” về chăn nuôi lợn cho rằng doanh nghiệp hưởng ứng kêu gọi giảm giá thịt lợn, nhưng người tiêu dùng không được hưởng lợi, vẫn phải mua thịt giá cao.

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cảm ơn đến Chính phủ, các Bộ ngành, toàn xã hội đã luôn hưởng ứng, đồng hành với doanh nghiệp chăn nuôi trong những thời điểm khó khăn, nhất là phong trào “giải cứu”, kêu gọi đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trong giai đoạn khủng hoảng giá lợn từ cuối 2017 - 2018, nửa đầu 2019…

Đại diện 6 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi lợn có mặt tại hội nghị đều cam kết đưa giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đ/kg từ 1/4/2020. Ảnh: Văn Giang

Đại diện 6 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi lợn có mặt tại hội nghị đều cam kết đưa giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đ/kg từ 1/4/2020. Ảnh: Văn Giang

Do đó thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng cũng như đề nghị của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, thời gian qua, C.P Việt Nam đã điều chỉnh mức giá lợn hơi từ 80-85 nghìn đồng/kg thời điểm cuối 2019 – đầu 2020 xuống mức 73-75 nghìn đồng/kg.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cho rằng thời gian qua, mặc dù C.P và một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, tuy nhiên trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao.

“Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đ/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên trên thực tế, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140 nghìn đồng/kg”, ông Tuấn phản ánh.

Ông Tuấn cho rằng thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lí, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đ/kg từ ngày 1/4/2020. Ảnh: Văn Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đ/kg từ ngày 1/4/2020. Ảnh: Văn Giang.

Để giảm khâu trung gian, thời gian tới, Công ty C.P sẽ trực tiếp đẩy mạnh bán thịt lợn trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Hiện nhà máy giết mổ của C.P xây dựng tại Chương Mỹ (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, với công suất trên 4.000 con/ngày. Điều này sẽ cải thiện được chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian… Bên cạnh đó, C.P cũng đã xúc tiến triển khai liên kết với các nhà máy giết mổ chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát…

Về vấn đề giảm giá lợn, lãnh đạo Công ty C.P cam kết sẽ điều chỉnh giá bán lợn hơi xuống mức quanh 70.000 đ/kg từ ngày 1/4/2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và đề nghị của Bộ NN-PTNT. Mặc dù vậy, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng việc điều chỉnh giá lợn, cần phải được triển khai đồng loạt ở các doanh nghiệp lớn, chứ bản thân một vài doanh nghiệp không thể quyết định được thị trường và kéo được giá lợn chung của thị trường xuống…

Các “ông lớn” đồng loạt cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đ/kg

Tại hội nghị, sau Công ty C.P cam kết đồng hành đưa giá lợn xuống mức 70.000 đ/kg, đại diện các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn như Công ty CJ Vina; Dabaco; Japfa Comfeed; Emivest… cũng đã cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đ/kg kể từ ngày ¼ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng…

C.P là hoanh nghiệp tiên phong cam kết giảm giá bán lợn xuống mức 70.000 đ/kg theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Ảnh: TL.

C.P là hoanh nghiệp tiên phong cam kết giảm giá bán lợn xuống mức 70.000 đ/kg theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Ảnh: TL.

Hoan nghênh tinh thần đồng hành của Công ty C.P và các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá lợn trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần đẩy mạnh tái đàn, đóng vai trò đầu tàu trong việc điều chỉnh giá thịt lợn xuống mức hợp lý theo đề nghị của Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phấn đấu tăng đàn đạt mục tiêu 25% trong năm 2020 nhằm góp phần cải thiện nguồn cung thịt lợn trong nước… Đồng thời, đẩy mạnh việc cung ứng nguồn giống phục vụ tái đàn cho hệ thống các trang trại, cơ sở chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta.

Trước diễn biến giá lợn tăng quá cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) từ cuối năm 2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có những giải pháp đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn kể từ khi DTLCP dần được khống chế. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn có giải pháp giảm giá lợn hơi xuống mức hợp lí. Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, giá lợn hơi cũng đã có dấu hiệu hạ xuống, tuy nhiên hiện vẫn đang ở mức cao…

Bộ trưởng nhấn mạnh việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý, không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn, điều này nhằm giữ được thị trường thịt lợn một cách bền vững...

“Chăn nuôi lợn của chúng ta không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phải định hướng vươn ra xuất khẩu thị trường thế giới. Vì vậy, việc đưa giá lợn hơi xuống mức hợp lý chính là nhằm giữ được thị trường trong nước một cách bền vững, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Các khâu trung gian từ giết mổ, phân phối thịt lợn tới tay người tiêu dùng vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn. Ảnh: TL

Các khâu trung gian từ giết mổ, phân phối thịt lợn tới tay người tiêu dùng vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn. Ảnh: TL

Cũng theo Bộ trưởng, đến nay, những nền tảng cơ bản của ngành hàng chăn nuôi lợn vẫn đảm bảo được cho công tác tái đàn, tăng đàn, nhất là hệ thống đàn lợn cụ kỵ ông bà, đàn lợn nái; hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được phổ biến nhân rộng và siết chặt…

Bên cạnh đó, việc DTLCP hiện tại đã được khống chế cơ bản với gần 100% số xã đã qua 30 ngày không có dịch là điều kiện hêt sức thuận lợi nhằm đẩy nhanh tổng đàn lợn, đáp ứng cân bằng cung – cầu nhu cầu thịt lợn trong thời gian tới…

Bộ trưởng đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng loạt hạ giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg từ ngày 1/4/2020.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin… cùng nhiều doanh nghiệp khác đều cho rằng Chính phủ cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia… Bởi đây là mặt hàng những năm qua thường xuyên có biến động lợn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá…

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.