| Hotline: 0983.970.780

Giá lợn hơi giữa các doanh nghiệp vênh nhau lớn

Thứ Hai 23/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Một số doanh nghiệp bán giá lợn hơi 74-76 nghìn đồng/kg, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lại bán cao hơn rất nhiều, từ 82-84 nghìn đồng/kg.

Giá bán lợn hơi giữa các doanh nghiệp chênh nhau rất lớn. Ảnh: TL.

Giá bán lợn hơi giữa các doanh nghiệp chênh nhau rất lớn. Ảnh: TL.

Chênh nhau hàng chục giá

Theo Cục Chăn nuôi, trong tuần qua, giá lợn hơi trên thị trường mặc dù có giảm nhẹ, nhưng vẫn còn ở mức cao. Giá lợn hơi bán ra trên thị trường cũng có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết trong tuần qua, có thời điểm giá lợn hơi xuất chuồng công bố của Công ty C.P duy trì ở mức 74-76 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại có giá bán lợn hơi cao hơn nhiều.

Ví dụ cùng một số thời điểm trong tuần qua, giá lợn hơi trên thị trường tự do của người dân bán ra giao động từ 80-85 nghìn đồng/kg, thì  giá bán lợn hơi công bố của Công ty C.P là 74-76 nghìn đồng/kg, trong khi bán của Công ty Japffa là 82 nghìn đồng/kg, của Công ty Hòa Phát là 85 nghìn đồng/kg...

Trên thị trường tự do, giá bán lợn tại các địa phương cũng có sự chênh lệch lớn. Ví dụ cùng tại tỉnh Đồng Nai, cập nhật của Văn phòng phía Nam của Cục Chăn nuôi cho thấy giá lợn hơi thấp nhất tại huyện Trảng Bom trong tuần qua bình quân chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg, thì tại huyện Vĩnh Cửu lại bình quân ở mức 80 nghìn đồng/kg...

Cục Chăn nuôi cũng cho biết đến thời điểm này, tình hình tái đàn lợn trên cả nước vẫn đang diễn ra thuận lợi, nhất là khối các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động được nguồn giống bố mẹ. Trong đó, hiện Công ty C.P công bố đang có khoảng 310 nghìn lợn nái đẻ, đứng đầu trong số các doanh nghiệp về lượng nái đẻ; tiếp theo là Công ty C.J với khoảng 80 nghìn lợn nái đẻ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá với tổng số nái cả nước hiện khoảng 2,7 triệu con, việc sản xuất nguồn lợn giống sẽ cơ bản chủ động được để phục vụ tái đàn lợn, đảm bảo được mục tiêu duy trì bình quân khoảng 25 triệu đầu lợn thịt có mặt thường xuyên của cả nước. Mặc dù vậy, ông Trọng cho rằng việc phục hồi đàn lợn sẽ phải cần khoảng thời gian nhất định, do đó dự báo phải từ tháng 5, tháng 6/2020, nguồn cung thịt lợn trên thị trường sẽ dần dồi dào trở lại.

Cung – cầu thịt lợn chưa bị phá vỡ nếu đảm bảo tăng đàn nái

Đồng tình nhận định với Cục Chăn nuôi, tại buổi làm việc giữa Tổng cục Thống kê, đại diện Bộ Công thương với Bộ NN-PTNT vừa qua, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết căn cứ vào các dữ liệu thống kê chi tiết về tổng đàn lợn thịt, lợn nái, Tổng cục Thống kê đã đưa ra các kịch bản dự báo về nguồn cung thịt lợn trong năm 2020.

Cụ thể đến tháng 3/2020, tổng đàn lợn cả nước (gồm cả lợn con chưa tách mẹ) ước khoảng trên 26 triệu con. Trong đó, thống kê đầu năm 2020 cho thấy tổng đàn lợn nái cả nước khoảng trên 2,6 triệu con, trong đó trên 2 triệu nái đẻ.

Nhiều nhận định cung - cầu thịt lợn sẽ trở lại cân bằng từ đầu Qúy III/2020 nếu đảm bảo tiến độ tái đàn. Ảnh: Lê Bền.

Nhiều nhận định cung - cầu thịt lợn sẽ trở lại cân bằng từ đầu Qúy III/2020 nếu đảm bảo tiến độ tái đàn. Ảnh: Lê Bền.

Tổng cục Thống kê dự báo, nếu tổng đàn lợn nái cả năm 2020 tăng ở mức khoảng 5%, sẽ cho tổng lượng thịt lợn cả năm 2020 khoảng trên 3,4 triệu tấn. Nếu tổng đàn lợn nái cả năm tăng 20%, sẽ cho ra tổng sản lượng thịt lợn khoảng trên 3,6 triệu tấn cả năm.

Với kịch bản tổng đàn nái tăng 5% cả năm 2020, sẽ cho tổng lượng thịt lợn hơi tăng khoảng 5% so với năm 2019, và giảm khoảng 10% so với 2018 (lúc chưa xẩy ra dịch).

Với kịch bản đàn nái cả nước tăng được khoảng 20% cả năm 2020, thì tổng sản lượng thịt lợn sẽ tăng 10% so với 2019 và chỉ còn giảm khoảng 5% so với 2018. Như vậy, nếu tiến độ tái đàn, tăng đàn lợn cả nước thời gian tới tiến triển thuận lợi, và đạt được kịch bản đưa tổng đàn nái tăng 20%, thì tính chung cả năm 2020, trên lý thuyết cung - cầu của mặt hàng thịt lợn về cơ bản vẫn chưa bị phá vỡ.

Ông Lê Trung Hiếu cũng đồng tình với nhận định của Cục Chăn nuôi và cho rằng: Nếu đảm bảo được tiến độ tái đàn, tăng đàn, nhiều khả năng từ cuối quý II, đầu quý III/2020, cung – cầu thịt lợn sẽ bắt đầu trở lại mức cân bằng. Vì vậy trong thời gian tới, giải pháp đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tạm thời trong nước vẫn sẽ cần được triển khai quyết liệt...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn trong nước đang thiếu hụt, cần phải chỉ đạo các cơ quan chức năng siết chặt việc thẩm lậu thịt lợn qua biên giới Trung Quốc. Bởi hiện nay, giá thịt lợn hơi của Trung Quốc (quy ra VNĐ) đang ở mức rất cao, khoảng 130 nghìn đồng/kg. Vì vậy nhất là khi dịch Covid 19 tại Trung Quốc đã được kiểm soát, hoạt động thương mại trở lại bình thường, thì nguy cơ thẩm lậu thịt lợn từ Việt Nam qua Trung Quốc sẽ càng lớn.

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề khó khăn nhất hiện nay, đó là làm sao có cơ chế nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ cho đối tượng trang trại, người chăn nuôi nhỏ tái đàn, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn và cung ứng nguồn lợn giống. Bởi ngoài các doanh nghiệp lớn hiện chủ động được nguồn cung lợn giống, các trang trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ vốn chiếm tỉ lệ lớn trong tổng đàn trước đây hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lợn giống, trong khi giá lợn giống hiện đang rất cao, trên 2,5 triệu đồng/con...

Chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 20/3 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ kiên quyết đưa giá thịt xuống trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu giá thịt heo phải theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Tinh thần là kiên quyết đưa giá thịt xuống (dưới 60.000 đồng/kg heo hơi). Thủ tướng nhấn mạnh: Mong muốn của chúng ta là chiếm thị phần lớn nhưng nếu cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt heo từ các nước về Việt Nam để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng...

Về phương án giảm giá, Thủ tướng nhấn mạnh quan trọng nhất là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn heo trên 32 triệu con, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, tập đoàn, hộ chăn nuôi như về giá thuê đất, vay ngân hàng…

Bên cạnh đó, phải tập trung khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ, bởi đây là khâu rất phức tạp, thực ra người nông dân, người mua thì thiệt hại còn ở giữa thì hưởng lợi. Thủ tướng đề nghị thanh tra khâu này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình mặt bằng giá cả thị trường quý I/2020 có những diễn biến theo hướng biến động tăng. Bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2019 đã có tác động rất lớn đến việc kiểm soát mặt bằng giá trong quý 1 và cả năm 2020 theo mục tiêu.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.