| Hotline: 0983.970.780

Các tỉnh ĐBSCL siết chặt kiểm soát giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ Bảy 24/11/2018 , 08:11 (GMT+7)

Những năm gần đây, tình hình quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương ở ĐBSCL luôn được cơ quan chuyên môn quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ.

Vệ sinh ATTP luôn được ngành chức năng Trà Vinh kiểm soát chặt chẽ

 Nhờ đó, tại các địa phương tình trạng ngộ độc thực phẩm giảm thiểu tối đa.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là phần tất yếu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đó là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, người kinh doanh sản phẩm ra thị trường.

Ghi nhận của Báo NNVN, tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL hầu hết đã có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo khâu kiểm dịch, vệ sinh chặt chẽ. Đây là khâu quan trọng, nhằm góp phần giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn trong thực phẩm tươi sống. Trên cơ sở đó, ý thức của người kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng ngày càng tốt hơn. Từ đó, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Trung bình, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có từ 1-2 cơ sở hoạt động ổn định gồm: 11 cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất trung bình từ 40-200 con/cơ sở/đêm và 4 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, trung bình giết mổ từ 150-1200 con/cơ sở/đêm. Tất cả các cơ sở giết mổ gia súc tập trung đều thực hiện mổ treo 100%.

Đáng chú ý, công tác VSATTP tại các cơ sở hiện nay, đều được đảm bảo và hoạt động kiểm soát rất tốt. Theo đó, mỗi cơ sở đều có thú y viên trực tiếp kiểm tra thú sống trước khi đưa vào giết mổ và kiểm tra sau khi giết mổ, 100% các cơ sở giết mổ thưc hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ và được kiểm tra vệ sinh thú y.

Anh Nguyễn Văn Tài, chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung Thành Công (xã Nhị Long, huyện Càng Long) cho biết: “Hiện nay, tại cơ sở có đội ngũ công nhân khoảng 30 người, đều được tập huấn kiến thức về VSATTP trong hoạt động giết mổ. Năng suất mỗi ngày khoảng 150 con heo. Tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các thớt thịt của thương lái đều được thu mua về bán lẻ, chứ không còn tự mổ heo ở nhà như trước đó”

Cũng theo anh Tài, mới đây cơ sở của anh Tài cũng đầu tư mới thiết bị lò hơi, vừa hiệu quả lại đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tương tự hình thức trên, bà Trần Thị Hiền, hộ kinh doanh thịt heo ở xã Bình Phú, huyện Càng Long thông tin: “Tôi kinh doanh thịt heo đã hơn 20 năm nay. Lúc trước, ở đây chưa có lò giết mổ tập trung tôi phải thuê thợ làm ở nhà”.

Theo bà Hiền, nhận việc làm này, bà nhận thấy rất cơ cực, cực nhất là khâu củi lửa. Thời gian giết mổ lại càng lâu hơn, có khi cả đêm. “Từ khi có lò giết mổ, mỗi ngày tôi chỉ việc đem heo đến lò cho mấy anh em ở đây giết mổ. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, mà 4 con heo đã làm sawch sẽ, rất nhanh. Lại có mấy chú bên thú y đóng dấu kiểm dịch. Vì vậy, mà người tiêu dùng lại yên tâm hơn”, bà Hiền phấn khởi.

Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Kiểm dịch – Kiểm soát giết mổ - Kiểm tra vệ sinh Thú y tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Hiện nay, khâu vệ sinh tại các cơ sở giết mổ tập trung thực hiện tương đối tốt. Điều thành công hiện nay ở Trà Vinh là các tiểu thương trước đây có thói quen giết mổ tại nhà, rất khó cho công tác kiểm dịch, thì nay qua vận động đã đến giết mổ tại các cơ sở tập trung đã đi vào ổn định, nề nếp. Các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, lấy hàng tại lò từ các tiểu thương bán sỉ về phân phối lại, nên nhìn chung thịt đến tới người tiêu dùng 100% được kiểm dịch chặt chẽ”.

Anh Lê Văn Nhâm, ngụ xã Nhị Long, huyện Càng Long, cho biết: “Tuy nhà tôi ở xa cơ sở này nhưng hiện nay, người tiêu dùng nếu thấy không có dấu kiểm dịch, thì không mua, dù số heo làm tương đối ít, nhưng bán rất chậm. Hiện nay, nhận thấy lò giết mổ ở đây làm nhanh và sạch sẽ nên cũng yên tâm và có đóng dấu hẳn hoi, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

Chia sẻ về hoạt động của ngành trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa Tết, ông Quang cho biết: “ Chỉ tiêu nhiệm vụ của phòng trong thời gian tới là giám sát việc thực hiện quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của các trạm kiểm dịch, Trạm chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn ISO”.

Hoạt động giết mổ ở Bến Tre luôn được kiểm soát chặt chẽ

“Hàng tháng, đơn vị có xây dựng kế hoạch hỗ trợ các trạm chăn nuôi và thú y tại các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện tổ chức kiểm tra, củng cố kiểm soát giết mổ. Đảm bảo 100% hộ giết mổ nhỏ lẻ đều đưa vào giết mổ tập trung, 100% động vật giết mổ tập trung đều được kiểm soát giết mổ đúng quy định, 100 % quầy hàng thịt gia súc, gia cầm đều được kiểm tra vệ sinh thú y. Từ đây đến cuối năm 2018, ước số lượng heo được kiểm dịch là 435.070/381.000 con vượt 14%, bò là 9.928/8800 con vượt 12,8%, gia cầm là 728.383/720.000 đạt kế hoạch”, ông Quang nói.

 Tại tỉnh Bến Tre, thời gian qua, địa phương này luôn làm tốt công tác kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở giết mổ tập trung. Đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

  Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành phấn khởi: “Thực phẩm sạch là nhu cầu mà địa phương hướng tới. Thời gian qua, huyện Châu Thành luôn làm tốt công tác này. Hoạt động kiểm soát được quản lý chặt chẽ từ khâu quản lý đầu vào, đến khâu xuất sản phẩm ra thị trường”.

 Theo ông Thiết, hiện trên địa bàn huyện Châu Thành đã xây dựng các lò giết mổ tập trung. Hiện địa phương này có đến 6 lò giết mổ hoạt động, thông qua sự kiểm soát của Trạm thú y huyện. “Tình trạng, giết heo bệnh, heo chết hoặc heo không qua kiểm dịch tại địa phương là không có. Các cơ sở đều thực hiện rất tốt những quy định của ngành chăn nuôi – thú y”, ông Thiết nói.

Ông Lê Hoàng Vũ, cán bộ Trạm Thú y huyện Châu Thành, thông tin: “Đối với những phương tiện chở gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn huyện Châu Thành để vào lò giết mổ tập trung luôn được chúng tôi quan tậm, kiểm tra chặt chẽ trước khi đi vào địa bàn. Từ đó, công tác phòng tránh dịch bệnh từ các loài động vật này được kiểm soát rất tốt. Đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt từ gia súc, gia cầm”.

  Một tín hiệu đáng mừng, hầu hết các cơ sở giết mổ đang hoạt động tại huyện Châu Thành đều thực hiện theo chuỗi liên kết giá trị theo hình thức cung ứng thức ăn chăn nuôi cho nông dân, sau đó thu mua sản phẩm nuôi để đưa vào lò giết mổ và bán sản phẩm thịt ra thị trường. Từ đó, đảm bảo niềm tin, uy tín sản phẩm đối với người tiêu dùng.

  Ông Trần Văn Lý, thành viên THT chăn nuôi heo, chủ cơ sở giết môt gia súc Thành Phát, ngụ xã Tiên Thủy, cho biết: “Gia đình tôi có Cty thức ăn và hoạt động theo chuỗi liên kết, vừa cung ứng thức ăn, vừa bao tiêu sản phẩm của nông dân để cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường”.

 Theo ông Lý, cơ sở giết mổ của ông được hoạt động theo phương châm “lấy sức khỏe của người tiêu dùng là trung tâm”. Vì vậy, sản phẩm thịt heo sạch tại cơ sở của ông một khi đưa ra thị trường luôn được người tiêu dùng tin cậy, chọn mua.

ATVSTP là hoạt động thường xuyên, luôn được tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm. Có thể nói, mô hình giết mổ gia súc theo chuỗi giá trị được xem là mô hình mới, rất hay tại tỉnh Bến Tre. Mô hình này có thể nhân rộng ra toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo sức cạnh tranh ra thị trường thực phẩm, trước thực trạng thực phẩm không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng đáng báo động như hiện nay.

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách

Bến Tre Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách được tổ chức từ ngày 8/1 - 12/1/2025 với chủ đề 'Sắc màu Chợ Lách', Agribank Bến Tre vinh dự là một trong những đơn vị đồng hành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.