| Hotline: 0983.970.780

Cách làm hay của Bình Phước

Thứ Bảy 15/07/2023 , 10:22 (GMT+7)

Nỗ lực chăm lo đời sống mọi mặt của người dân, từ nơi ăn chốn ở đến các chính sách. Đổi lại, người dân 'một lòng' với chính quyền, sẵn sàng cho đi nhiều thứ.

Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến

Thời gian gần đây, khi lên Bình Phước công tác, tôi thường chứng kiến nhiều người dân hiến những thửa đất trị giá hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông. Tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi giữa thời buổi khó khăn này, việc có được mảnh vườn để canh tác, không phải dễ. Chưa kể, 1 sào đất, tùy chỗ, có giá từ vài trăm triệu trở lên.

Mang câu chuyện này ra tâm sự với ông Trần Văn Tấn, 72 tuổi, một cán bộ công an về hưu, ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, ông cười bảo: “Đó là điều rất đáng mừng, chứng tỏ chính quyền tỉnh Bình Phước đang đi đúng hướng, theo tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế là những năm gần đây, đời sống nhân dân ở tỉnh Bình Phước ngày càng ổn định, kinh tế tăng trưởng không ngừng. Đó chính là những yếu tố quan trọng để người dân thấy rằng, sự đóng góp, hy sinh của họ là đúng đắn. Vừa rồi, trong kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nghe báo cáo 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng đầu khu vực Đông Nam bộ, và lần đầu tiên lọt vào 'tốp 10' địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với 632 triệu USD”.

Nghe ông Tấn nói, tôi tò mò, muốn “mắt thấy tai nghe” để có một câu trả lời chi tiết hơn.

Người "nổi tiếng" nhất trong vụ hiến đất làm đường mà tôi gặp đầu tiên là ông Nguyễn Hữu Đây, 70 tuổi, ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài. Ông Đây đã hiến cho nhà nước hơn 7 sào đất (7.000m2) để mở rộng con đường Phan Bội Châu.

Ông Nguyễn Hữu Đây, lão nông hiến đất trị giá hơn 20 tỷ đồng cho nhà nước làm đường. Ành: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Hữu Đây, lão nông hiến đất trị giá hơn 20 tỷ đồng cho nhà nước làm đường. Ành: Phúc Lập.

Đến thăm căn nhà mới của gia đình ông Đây, tôi lại thêm ngạc nhiên, bởi gia đình ông không thuộc dạng khá giả gì, đất cũng chỉ có hơn 1ha trồng điều.

“Gia tài có hơn 1ha mà hiến đến 7 sào, thiếu ăn hay sao mà chú gầy gò vậy?”, tôi cười, ghẹo ông. Người đàn ông có thân hình “thấp bé, nhẹ cân” vừa bế cháu, vừa cười: “Tôi giữ dáng đó. Coi vậy chứ tôi còn làm đất cả ngày không mệt đó. Mà bây giờ làm gì còn chuyện thiếu ăn nữa. Tôi ăn không hết còn góp làm từ thiện nữa mà”.

Rồi ông Đây kể, tháng 7/2022, TP Đồng Xoài khởi công tuyến đường Phan Bội Châu, theo phương thức người dân tự nguyện hiến đất, nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đây là một trong những khu vực đất có giá rất cao, khoảng từ 2-3 tỷ đồng 1 sào. Vì thế, việc vận động người dân hiến đất không dễ. Nhưng khi chính quyền đến gặp ông Đây, thì mọi viêc được “khơi thông”.

Tuyến đường Phan Bội Châu, đoạn qua phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, thời điểm tháng 2/2023. Ảnh: Trần Lâm.

Tuyến đường Phan Bội Châu, đoạn qua phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, thời điểm tháng 2/2023. Ảnh: Trần Lâm.

“Lúc đó, lãnh đạo phường đến vận động, sau khi nghe họ phân tích, tôi thấy hợp lý. Vì nếu ai cũng không đồng ý thì rất khó để làm, vì đất ở đây đắt lắm, để làm được con đường như thế này, phải lấy mấy chục ha đất 2 bên đường chứ không ít, tính ra cả hàng trăm tỷ đồng. Mà nếu vậy, chưa chắc tỉnh đã làm ngay được, mình cũng không có đường đẹp mà đi, trong khi tiền bạc thì có nhiều hay ít cũng chỉ ăn, chỉ mặc đến thế thôi. Nghĩ vậy nên tôi bàn với các con. Tụi nhỏ đồng ý ngay. Chỉ có điều, ban đầu mấy đứa con tưởng hiến ít chứ không nghĩ hiến đến 2/3 tổng diện tích đất của gia đình. Nhưng cuối cùng gia đình tôi vẫn thống nhất là nhà nước cần bao nhiêu tôi hiến bấy nhiêu”, ông Đây kể.

Sau khi hiến 7 sào đất, ông Đây tiếp tục đi vận động các hộ xung quanh và tất cả mọi người đều đồng ý. Không chỉ hiến đất, trên diện tích 7 sào hiến cho nhà nước, còn có 2 căn nhà gia đình đang ở,diện tích 150m2, ông Đây cũng dỡ bỏ. “Nói chứ có con đường to, đẹp, bà con mừng lắm. Chiều chiều ra ngồi nhìn xe chạy tấp nập, thấy khoái lắm”, ông Đây cười, khoe hàm răng ám màu khói thuốc.

Ngôi nhà mới của gia đình ông Đây sau khi 2 ngôi nhà cũ dỡ bỏ làm đường. Ảnh: Phúc Lập.

Ngôi nhà mới của gia đình ông Đây sau khi 2 ngôi nhà cũ dỡ bỏ làm đường. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Nguyễn Kiến Trúc, con trai ông Đây, hiện là giảng viên đại học ở TP.HCM, trải lòng: “Hơn 7 sào đất này có giá khoảng hơn 20 tỷ đồng, đây là một số tiền không nhỏ. Nhưng khi cha nói cho chúng tôi nghe việc muốn hiến đất, chúng tôi đồng ý ngay. Vì tôi hiểu tính ông, rất hào sảng và thường nghĩ đến cái chung. Chúng tôi chỉ hơi buồn khi phải dỡ bỏ 2 căn nhà, vì đây là nơi gắn bó tuổi thơ, ở đó có hình ảnh của mẹ, bà mất cách đây 8 năm, nhưng nếu còn sống thì mẹ cũng đồng ý với bố. Sau khi cha hiến đất thì nhiều người khác đã làm theo, như vậy việc làm của cha là rất đúng, giúp mọi người hiểu thêm một chân lý là “cứ cho đi rồi sẽ nhận lại”.

Lan toả

Tuyến đường Phan Bội Châu có lộ giới 32m, dài 1,2 km đi qua phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài. Tuyến đường này được quy hoạch từ lâu, nhằm kết nối, liên thông giữa các tuyến đường gồm QL14 - ĐT741và các khu công nghiệp Đồng Xoài 1, 2 và 3. Tuy nhiên, đoạn đi qua phường Tân Bình được coi là “tấc đất tấc vàng”, nếu thực hiện phương án giải toả, đền bù sẽ khiến công trình thi công kéo dài, chưa kể cần một nguồn kinh phí khổng lồ. Từ đó, phong trào “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” của TP .Đồng Xoài được phát động.

Ônh Vũ Văn Mười (ngoài cùng bên trái), Phó chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài: 'Phong trào 'việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến' lan tỏa mạnh mẽ. Đây là bài học lớn về việc dựa vào sức dân'. Ảnh: Phúc Lập.

Ônh Vũ Văn Mười (ngoài cùng bên trái), Phó chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài: "Phong trào “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” lan tỏa mạnh mẽ. Đây là bài học lớn về việc dựa vào sức dân". Ảnh: Phúc Lập.

Tuy nhiên, như lời ông Trần Văn Tấn nói, phát động gì thì phát động, muốn người dân hưởng ứng, thì họ phải thấy được chính quyền thiện chí, biết lo cho dân, vì dân, và biết cách để dân theo. Cho nên, không phải tự nhiên mà ông Đây dễ dàng hiến đất trị giá hàng chục tỷ đồng cho nhà nước và bỏ thời gian đi thuyết phục những hộ khác cùng làm.

Và, việc làm của ông Đây đã nhanh chóng lan tỏa, khiến con đường Phan Bội Châu đã hoàn thành đúng tiến độ. Trên đoạn đường dài 1,2km này, có 40 hộ dân hiến từ vài trăm đến vài sào đất cùng nhiều tài sản trên đất, như gia đình ông Phùng Tiến Quang hiến 4.000 m2, anh Trần Quốc Việt hiến gần 5.000 m2…

Anh Trần Quý Khiêm (ngoài cùng bên trái), người đã hiến 5 sào đất cho nhà nước làm đường, gia đình chỉ còn lại 2 sào làm kế sinh nhai. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Trần Quý Khiêm (ngoài cùng bên trái), người đã hiến 5 sào đất cho nhà nước làm đường, gia đình chỉ còn lại 2 sào làm kế sinh nhai. Ảnh: Phúc Lập.

Trong đó, một người khác cũng hiến gần hết diện tích đất gia đình có như gia đình ông Đây, đó là anh Trần Quý Khiêm, hàng xóm của ông Đây. Anh Khiêm hiến 5 sào trên tổng diện tích 7 sào đất của gia đình, trị giá khoảng 15 tỉ đồng.

“Nhà có 7.000m2, thì có khoảng 5.000m2 đất nằm trong quy hoạch đường, gia đình hiến hết, giờ còn lại khoảng 2.000m2 thôi. Tôi nghĩ, tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ, nhưng nếu mình có hiến phần lớn tài sản đang có, thì cũng chẳng đói đâu mà lo. Ngược lại, nghĩ đến cái chung, đóng góp được cho quê hương mình đẹp hơn, thấy tự hào lắm chứ”, anh Khiêm chia sẻ.

Tôi hỏi khi quyết định hiến phần lớn đất gia đình có để làm đường, anh có lăn tăn, có tiếc không? Anh Khiêm cười thật thà: “Cũng có chứ. Nhưng chỉ thoáng qua. Khi quyết định rồi thì tôi không nghĩ về giá trị của nó nữa. Bây giờ nghĩ lại thấy vui, vì mình đã làm đúng”.

Ông Trần Văn Tấn: 'Biết chăm lo cho dân thì trăm ngàn việc khó dân cũng xắn tay vào cùng làm với chính quyền chứ sá gì một đoạn đường'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Trần Văn Tấn: "Biết chăm lo cho dân thì trăm ngàn việc khó dân cũng xắn tay vào cùng làm với chính quyền chứ sá gì một đoạn đường". Ảnh: Phúc Lập.

Nói về phong trào hiến đất làm đường, ông Vũ Văn Mười, Phó chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài cho biết: “Trên địa bàn TP. Đồng Xoài hiện có hơn 200 tuyến đường quy hoạch, cần sự chung tay của người dân. Hưởng ứng phong trào “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến”, đến nay, người dân đã hiến khoảng 42ha đất, trị giá khoảng trên 500 tỉ đồng.

Riêng đối với đường Phan Bội Châu, tổng diện tích đất các hộ dân hiến khoảng 3ha, tương đương khoảng trên 90 tỉ đồng. Trong đó, ông Đây, anh Khiêm là 2 trường hợp tiêu biểu. Không chỉ hiến diện tích đất rất lớn mà 2 hộ dân này còn cùng địa phương vận động bà con nhân dân hiến đất. Qua đó đẩy nhanh được tiến độ, tạo thành sức lan tỏa rất lớn”, ông Mười nói.

“Việc người dân hiến đất làm đường giao thông đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đây là bài học lớn trong việc phát huy sức mạnh và sự đoàn kết của nhân dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Vũ Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài dẫn giải.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.