| Hotline: 0983.970.780

Đồng Tháp thuần khiết như sen

Thứ Tư 12/07/2023 , 17:01 (GMT+7)

Đến với Đồng Tháp hôm nay dễ dàng cảm nhận người dân luôn tỏa ra vẻ lạc quan, khát vọng và nhiều niềm tin, những chỉ dấu rõ nét của một chính quyền thân thiện.

Tự hào công dân đất Sen hồng

Vụ sầu riêng năm nay những miệt vườn, miệt cồn ở mấy xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành thắng lớn. Vào lúc cao điểm, có những ông chủ vườn bán một ký sầu lên đến 160 ngàn đồng. Một gia đình chỉ cần 1-2 ha trồng sầu riêng đã có thể thu về đôi ba tỷ đồng. Huỳnh Văn Sỹ ở ấp Phú Long, xã Phú Hựu là một trường hợp điển hình.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng anh Huỳnh Văn Sỹ biểu tượng tự hào công dân đất Sen hồng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng anh Huỳnh Văn Sỹ biểu tượng tự hào công dân đất Sen hồng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Gia đình anh Sỹ có hơn 6 công đất ruộng, trước chuyên trồng lúa sau chuyển thành cây ăn trái xen canh. Nhãn, ổi, chanh…, thì cũng giống như nhiều bà con mình khác, hễ thấy thông tin loại trái cây nào bán được giá thì mình trồng, quay vòng vòng vậy đó, anh Sỹ cười hiền.

Một ngày nọ hai vợ chồng đang cắm cúi làm đất ruộng thì có đoàn công tác gồm mấy ông khuyến nông cộng đồng và cán bộ xã đến cật vấn: Nhà mình trồng như vầy rồi liệu đã tính bán cho ai chưa? Cả hai đều ngắc ngứ. Trước giờ chỉ biết làm sao cho cây tốt, trái ít sâu bệnh, năng suất cao, đâu có nghĩ tới chuyện giá cả thị trường, tưởng đó là “quyền năng” của mấy ông thương lái, mua cho bao nhiêu mình biết bấy nhiêu thôi chớ. Mình có quyền thích bán cho ai thì bán được à?

“Đoàn công tác” mới diễn giải, vận động gia đình là ngành nông nghiệp đang thay đổi, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, phải sản xuất theo tín hiệu thị trường, tham gia vào hợp tác xã để cùng mua cùng bán, phải biết sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai trước khi trồng mới được.

Mới đầu nghe thấy mọi thứ đều xa lạ quá, nhưng bây giờ 6 công ruộng gia đình anh Sỹ chuyên trồng sầu riêng. Sỹ nói đó là quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời. Không chỉ riêng gia đình anh mà các thành viên khác trong Hợp tác xã sầu riêng Phú Hương của xã Phú Hựu cũng vậy.

Hơn 200 ha đã được cấp mã số vùng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác nên bà con biết cách rải vụ để ứng phó với thị trường, nhờ đó mà đời sống kinh tế khấm khá, bộ mặt vùng nông thôn vùng phía nam tỉnh Đồng Tháp thay đổi hẳn. Không còn cảnh được mùa rớt giá, không còn cảnh chịu sự chèn ép của thương lái, đến mùa vụ phải ngược xuôi lạy lục người ta. Nông dân ở huyện Châu Thành bây giờ rất chủ động.

Sau sản xuất, mấy ông có tư duy tiến bộ trong huyện rủ nhau thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp để đào sâu vào mảng chế biến, liên kết với doanh nghiệp, từ đầu vào đến đầu ra đều rất nhàn nhã.

 “Suốt ngày mấy ổng xuống vận động, riết rồi cũng phải nghe. Bà con có được cuộc sống khá giả ngày hôm nay cũng là nhờ ơn của cán bộ, chính quyền”, mấy nông dân ở Hợp tác xã sầu riêng Phú Hương tâm sự.

Bài liên quan

Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi đi cùng đoàn của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa xuống huyện Châu Thành để gặp gỡ bà con trong hội quán, hợp tác xã. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng báo cáo: Tính đến tháng 6 năm 2023 Châu Thành có 18 hợp tác xã, trong những năm qua đã hỗ trợ đăng ký và đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho 3 hợp tác xã, diện tích gần 150 ha, đăng ký chứng nhận mã số vùng trồng cho 5 hợp tác xã với hơn 351 ha.

Từ mô hình Canh Tân hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp ở xã An Nhơn, đến nay toàn huyện đã có 14 hội quán, góp phần quan trọng để xây dựng 274 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hơn 2.111 ha được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn toàn huyện.

Anh Dũng hồ hởi, bà con trong các hợp tác xã, hội quán bây giờ rành công nghệ lắm, nhấc điện thoại lên có thể nắm hết thông tin thị trường, thời tiết, sâu bệnh và các bộ kỹ thuật canh tác..., thành thử nói vai trò của chính quyền thực ra chỉ định hướng, hỗ trợ thôi chứ kinh nghiệm, kỹ thuật bà con mình vẫn là những người giỏi nhất.

Nói rồi dẫn đoàn công tác đi đến từng xã, từng ấp trong huyện. Nơi đâu cũng là không khí hồ hởi, vui tươi của một cuộc chuyển mình mạnh mẽ và rộng khắp. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, đơn vị được sinh ra từ cái nôi của mô hình hội quán không giấu được cảm xúc tự hào: Nếu lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp không đẻ ra mô hình hội quán, không vận động bà con tham gia sinh hoạt, thành lập hợp tác xã chắc chẳng bao giờ nơi này thoát khỏi nếp nghĩ đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cấy.

Bởi vì tâm lý bà con mình trước giờ chỉ quen cặm cụi sản xuất, mọi thứ đều hết sức mù mờ, nhưng kể từ khi tham gia các mô hình kinh tế tập thể đã biết cách chung tay, hợp sức xây dựng những khu vườn lớn hơn, vùng nguyên liệu quy mô hơn. Bẫy sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát cũng vì thế mà dần dần bị xóa bỏ, đầu trên xóm dưới cùng nhau bàn cách đưa trái cây, con cá quê mình đi được xa hơn.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT  Đồng Tháp chia sẻ với PV. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT  Đồng Tháp chia sẻ với PV. Ảnh: Hoàng Vũ.

Vùng nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái ở Châu Thành bây giờ dường như tất cả các hộ thành viên hội quán, hợp tác xã đều sử dụng các ứng dụng di động vào sản xuất. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau khi tưới vườn tưới rẫy bà con lại vào cập nhật thông tin thị trường, theo dõi thời tiết, sâu bệnh để chủ động sản xuất mùa màng.

Để hỗ trợ bà con, huyện Châu Thành đã thành lập các tổ IT, tổ công nghệ, chuyển đổi số. Bất cứ khúc mắc nào của bà con đều được giải quyết triệt để.

Anh Huỳnh Văn Sỹ dẫn tôi ra vườn, chỉ vào đám sầu riêng đang vào vụ rồi khẳng định: Nhờ học hỏi, chia sẻ với nhau, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, nhà khoa học, nhờ liên kết với doanh nghiệp mà bây giờ tui thích cho nó ra bông, đậu trái lúc nào cũng được.

Sau khi thăm thú một vòng quanh các vườn, hỏi hạn, động chia viên sẻ với những người nông dân đang thay đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng anh Huỳnh Văn Sỹ một món quà. Đó là biểu tượng của niềm tin và tự hào mà Đồng Tháp. Niềm tin qua thông điệp “Đồng Tháp thuần khiết như sen” và niềm tự hào công dân đất Sen hồng. Ông Nghĩa nhắn nhủ chung bà con ở hội quán, hợp tác xã ở Châu Thành: Thay đổi tư duy, học tập và khởi nghiệp, chính quyền tỉnh Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành và phục vụ bà con.

Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá, chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong

Lê Quốc Điền mới được tăng cường từ Viện Cây ăn quả miền Nam về làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp từ năm 2021. Vậy mà nắm ngành nông nghiệp đất Sen hồng rất kỹ, vừa gặp đã khẳng định chắc cú thế này: Tư duy đột phá, dám thay đổi của những người đứng đầu tỉnh cùng bộ máy chính quyền đã tạo nên nhiều thành tựu của Đồng Tháp, trong đó nông nghiệp là dấu ấn nổi bật nhất.

Bài liên quan

Hơn mười năm trước, Đồng Tháp chính là tỉnh đầu tiên trình chính phủ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đặc thù, riêng có của địa phương mình. Có nhiều câu chuyện về thành tựu của một cuộc cách mạng ấy ở trên đất Sen hồng, nhưng những chỉ dấu rõ nét nhất đều xoay quanh thay đổi tư duy và đời sống của bà con nông dân.

Đợt vừa rồi Tổng cục Thống kê có làm một khảo sát đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết quả thu nhập bình quân của nông dân Đồng Tháp chỉ đứng sau thành phố Cần Thơ. Với mức hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng, nông dân Đồng Tháp vượt hơn hẳn các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…

Ông Điền nói rằng đó là kết quả của tư duy đột phá, của chính quyền phục vụ và đồng hành. Sau thành công giai đoạn thứ nhất, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn mới 2021 -2025 có một số thay đổi. Năm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp hôm nay bao gồm: Lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài và sen.

Mỗi ngành hàng đều có hội để sinh hoạt, ở đó ngoài thành viên giống các hội thông thường như nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học thì các hội ngành hàng ở Đồng Tháp còn có thêm sự tham gia đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ông Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ví dụ Sở NN-PTNT và Sở Công thương là thành viên của Hội ngành hàng sen Đồng Tháp. Một hệ sinh thái sen mà tất cả các thành viên đều có thể tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, tháo gỡ các vướng mắc và cùng hỗ trợ nhau tìm kiếm cơ hội phát triển. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Hội ngành hàng sen Đồng Tháp bây giờ đã có gần 150 thành viên.

Chủ tịch Ngô Chí Công “quẳng” một tin nhắn vào nhóm zalo của hội, rằng có một doanh nghiệp cần 50 ha ruộng trồng sen củ, ai có thể đăng ký tham gia? Ngay lập tức một loạt thành viên hưởng ứng và hỏi han về tiêu chí, nguồn vốn, phương thức liên kết. Quy trình sản xuất như thế nào, khó khăn vướng mắc ra sao đều được các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn các sở ban ngành tư vấn giải quyết. Tháng nào cũng tổ chức gặp mặt, trực tiếp hoặc online.

Ông Lê Quốc Điền chia sẻ thêm: Theo kế hoạch đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích tầm 1.400 ha, ước tính sản lượng sẽ đạt gần 1.200 tấn. Mục tiêu ngành hàng sen của Đồng Tháp là giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến và phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm bền vững.

Cái hay nhất của sen Đồng Tháp ở chỗ, những doanh nghiệp được chính quyền đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp sau khi đạt được những thành công nhất định thì gần như doanh nghiệp nào cũng quay trở lại hỗ trợ cộng đồng.

Ví dụ Ngô Chí Công là thành viên của Đàn sếu khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam. Thành công với mô hình sản phẩm sen thủ công mỹ nghệ xong hiện giờ đang thực hiện dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ.

“Không ai có thể khởi nghiệp một mình mà thành công và với lĩnh vực nông nghiệp lại càng gian khó nếu không có sự đồng hành của chính quyền. Chính vì vậy sứ mệnh cộng đồng là điều chúng em xác định phải làm, như một sự tri ân đối với chính quyền tỉnh Đồng Tháp”, Ngô Chí Công chia sẻ.

Võ Tấn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới. Ảnh: Hoàng Vũ.

Võ Tấn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cũng với lối suy nghĩ ấy, Võ Tấn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh cho rằng sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền vừa tiếp sức vừa là bệ đỡ cho những hợp tác xã, doanh nghiệp non trẻ. Được thành lập từ từ nền tảng của hội quán Đồng Tâm và Thịnh Hưng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới hôm nay đã là đơn vị nổi tiếng bậc nhất ở thành phố Cao Lãnh. Gần 50 ha sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xoài Tịnh Thới đã đi khắp muôn nơi như Mỹ, Nga, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đó là những chỉ dấu mà Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khẳng định giá trị niềm tin mà chính quyền Đồng Tháp trao truyền đến mọi tầng lớp trong xã hội. “Bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp không chỉ là đối tượng phục vụ mà còn là trung tâm của sự phát triển tỉnh Đồng Tháp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đúc rút: Tại sao Đồng Tháp, một địa phương còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông mà chúng tôi thường nói là “khuất nẻo” nhưng lại được doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh, điều đó được chứng minh qua suốt thời gian 15 năm, PCI của tỉnh Đồng Tháp luôn đứng thuộc tốp đầu cả nước và dẫn đầu khu vực? Chính là vì Đồng Tháp đã xây dựng chính quyền thân thiện và cụ thể hóa bằng chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động….

Lãnh đạo địa phương luôn phải xác định mình là “đầu tàu” kéo cho cả con tàu cả địa phương cùng tiến về phía trước. Đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền Đồng Tháp phải thay đổi tư duy từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ, lấy hạnh phúc của nhân dân là đích đến của mọi hành động, quyết sách chứ không vì bất kỳ mục tiêu nào khác.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.