Vận hành hiệu quả công trình thủy lợi
Mới đây, tại nhà điều hành cống Cái Lớn (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, trong năm 2023 đơn vị đã phối hợp với các tỉnh trong vùng hưởng lợi vận hành hiệu quả cụm công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới và hệ thống công trình thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp. Qua đó, góp phần phòng, chống thiên tai hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trong khu vực hưởng lợi dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, qua Hội thảo “Đánh giá kết quả vận hành của Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" (Bộ NN-PTNT tổ chức tại Kiên Giang đầu tháng 3/2023), và ghi nhận thực tế của các địa phương, bước đầu nhận thấy dự án mang lại hiệu quả cao đối với các tỉnh trong vùng dự án nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Vào tháng 4 và tháng 5/2023, qua số liệu quan trắc và dự báo, mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng sinh thái ngọt, Công ty đã vận hành các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác. Qua đó, đã ngăn nặm xâm nhập vào hệ thống sông, rạch và kênh mương nội đồng, kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ tiêu úng cho vùng sản xuất ngọt ổn định.
Đặc biệt là thực hiện 2 đợt vận hành diễn tập ứng phó thiên tai và sự cố công trình tại cụm cống Cái Lớn – Cái Bé và âu thuyền Xẻo Rô. Kết quả các đợt vận hành diễn tập đúng với kịch bản đề ra, sát với thực tế là ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gây mưa to, gió lớn, đồng thời xuất hiện đỉnh triều cường, có lũ, mực nước nội đồng dâng cao… Từ đó, nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm vận hành của cán bộ, công nhân viên trong công tác ứng phó với tình huống thiên tai. Đồng thời, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các địa phương và các cơ quan liên quan.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, đối với hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, Kiên Giang là tỉnh có diện tích nằm trong vùng hưởng lợi lớn nhất. Toàn tỉnh có 7 huyện nằm trong vùng dự án, với diện tích gần 247.400 ha. Phát huy hiệu quả đầu tư công trình, đã giúp cho Kiên Giang phát triển sản xuất đa lĩnh vực như lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản, nhất là thủy sản nước lợ. Riêng đối với cây lúa, diện tích nằm trong vùng hưởng lợi đóng góp khoảng 2,5 triệu tấn trong tổng số 4,5 triệu tấn của tỉnh trong năm 2023.
Thực tế qua 2 năm đưa vào sử dụng và 2 đợt diễn tập vận hành đóng 11 cửa van, phân luồng, điều tiết phương tiện lưu thông qua âu thuyền cống Cái Lớn - Cái Bé cho thấy hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ của công trình. Một là, kiểm soát nguồn nước, đáp ứng tốt yêu cầu đối với các mô hình sản xuất theo các hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt hiện có trên địa bàn. Hai là, đảm bảo công tác ứng phó với tình hình hạn mặn vào mùa khô cho vùng thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé, bao gồm tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Ba là, hệ thống công trình đã góp phần phát triển hạ tầng giao thông thủy, bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mang lại, thì một số nhiệm vụ của dự án đến nay chưa thực hiện được, do các công trình trong hệ thống vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, nhất là hệ thống cống trên tuyến đê bao khu vực biển Tây từ Kiên Giang đến Cà Mau.
Chủ động ứng phó với hạn, mặn
Theo ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang, do tác động của hiện tượng El Nino, dự báo hạn, mặn năm 2023-2024 sẽ khá gay gắt, lượng mưa trên lưu vực sông Mê kông rất thấp. Nước mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và xâm nhập sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt mặn cao sẽ xuất hiện cùng với các đợt triều cường.
Ông Lê Hữu Toàn cho biết, để chủ động ứng phó với hiện tượng El Nino ảnh hưởng mạnh từ mùa khô 2023-2024, UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Đây là một kế hoạch toàn diện, bao gồm các giải pháp công trình như đắp đập tạm, nạo vét kênh mương kết hợp làm bờ bao, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, trạm bơm điện... và các giải pháp phi công trình cụ thể, chi tiết đến từng huyện, xã để chủ động thực hiện. Trong đó, xác định ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu. Tổng nhu cầu kinh phí để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 của tỉnh Kiên Giang là gần 102,6 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu Ngô Huy Phong cho rằng, trước đây khi chưa được đầu tư các công trình thủy lợi, các địa phương trong vùng thường xuyên xảy ra mẫu thuẫn về nhu cầu sử dụng nguồn nước. Hiện nay đã có hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, cống âu thuyền Xẻo Rô, âu thuyền Ninh Quới, điều tiết nguồn nước cho cả vùng, phục vụ tốt cho sản xuất. Tuy nhiên, để phát huy hết hiệu quả cụm công trình thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL, cần có quy hoạch đồng bộ công trình hạ tầng từng tỉnh trong vùng, trước mắt là đồng bộ hệ thống cống, đê bao nằm trong vùng hưởng lợi.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn và các cơ quan khoa học thủy lợi thì hiện tượng El Nino trong mùa khô 2023-2024 là khá gay gắt. Tuy nhiên, có khả năng không quá khốc liệt như mùa khô năm 2015-2016. Do đó, các địa phương cần xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó hạn, mặn để phòng chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Xây dựng quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và tích hợp các công trình thủy lợi ở các địa phương trong vùng.
Về lâu dài cần xây dựng các hệ thống thủy lợi thông minh, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, thông tin khuyến cáo kịp thời đến các địa phương và người dân được biết để chủ động có phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, đê bao hạ lưu cống Cái Lớn – Cái Bé, hệ thống cống ven biển An Biên – An Minh để đồng bộ khi vận hành cả hệ thống công trình.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Thủy lợi đã công bố Quyết định số 398/QĐ-BNN-TL ngày 27/9/2023 của Bộ NN-PTNT về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quản lý. Theo quyết định này, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được chỉ định là Trưởng ban.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL có nhiệm vụ chỉ đạo, xử lý các tình huống khẩn cấp như hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng và tìm kiếm cứu nạn; ứng phó sự cố công trình liên quan đến công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quản lý.