Xác định rõ thách thức
Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các công trình thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các công ty hiện nay gặp phải thách thức chính. Thứ nhất, là những ràng buộc về thể chế, trong đó có Luật Thủy lợi, Luật giá, các Nghị định liên quan như 96, 32, 114...
Theo Thứ trưởng, Bộ NN-PTNT vừa ban hành văn bản đề nghị địa phương đánh giá tổng kết Luật Thủy lợi nhằm nâng cao năng lực, củng cố hoạt động, đáp ứng kịp các yêu cầu thị trường. "Chúng tôi mong muốn có thể chuyển đổi hoạt động từ phục vụ sang dịch vụ, để ổn định đời sống cán bộ thủy nông", ông nói.
Việc tăng tỷ lệ dịch vụ thủy lợi trong khai thác công trình còn giúp các công ty thu hút thêm nguồn lực xã hội hóa, đầu tư vào kết cấu hạ tầng thủy lợi; đồng thời giảm tác động từ những thay đổi của chính sách.
Một điểm "trói" nữa là cơ chế xác định giá. Hiện nhiều công ty khai thác thủy lợi vẫn đang loay hoay về vấn đề này. Do nhiều trở lực, trong đó có Nghị định 96, nên nhiều công ty hiện nợ lương cán bộ, công nhân viên.
Thách thức thứ hai được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu, là phương thức đặt hàng, đấu thầu cho các công ty. Trước đây, đa số họ được giao nhiệm vụ theo kiểu "bao cấp". Nhưng trong cơ chế hiện tại, nếu muốn bứt phá từ phục vụ sang dịch vụ và nâng cao năng lực, thì hầu hết đều vướng Nghị định 32.
Thứ ba là về kết cấu hạ tầng. Do đặc điểm các công trình thủy lợi luôn cần chi phí bảo dưỡng, duy tu lớn nên phần lớn ngân sách đều được dành cho hoạt động này. Việc nâng cấp, hướng đến tối ưu và sử dụng đa mục đích chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Điểm nghẽn thứ tư là về quản lý an toàn hồ đập. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm với người dân, nhất là khi có các thông tin liên quan tới vỡ đê, vỡ đập sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cộng đồng. Nhằm đảm bảo nhiệm vụ này, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 36 về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Rõ ràng, an toàn hồ đập đã, đang và sẽ luôn là thách thức cho ngành thủy lợi.
Cuối cùng là các vấn đề liên quan tới chế độ, chính sách cho người lao động. Vừa qua, rất nhiều cán bộ thủy nông đã xin nghỉ vì tình trạng nợ lương, thu nhập thấp xảy ra triền miên. "Chúng ta cần đặt mình vào vị trí những người quanh năm nằm cô đơn giữa công trình thủy lợi, để thấu hiểu tâm tư của họ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tăng quyền tự chủ cho công ty khai thác thủy lợi
Chia sẻ tại hội nghị do Cục Thủy lợi phối hợp tổ chức, các đại biểu tham dự nêu nhiều quan điểm về việc khảo sát đánh giá kết quả triển khai Luật Thủy lợi và các quy định tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nội dung thảo luận tập trung về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu, phát huy tiềm năng và giá trị công trình thủy lợi.
Đa số đều nhất trí, rằng hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.
Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi gặp khó khăn do định mức chi chủ yếu được Trung ương quy định từ năm 2012 đến nay và không còn phù hợp.
"Việc cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi phí ra đời cách đây 11 năm đã rất lạc hậu. Nếu chỉ tính trượt giá là 7% thì khoảng 7 năm phải tăng gấp đôi với giá cấp bù cũng như giá thủy lợi phí nhưng đến nay sau 11 năm thì giá vẫn như vậy", ông Học bày tỏ...
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, thông tin, Bộ Tài chính đã đưa ra một số khuyến nghị để triển khai đặt hàng doanh nghiệp thủy lợi. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, chừng nào chưa tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại thì cơ chế đặt hàng còn gặp khó.
"Cần phát huy vai trò tự chủ của doanh nghiệp, trong đó chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao cho doanh nghiệp sự tự chủ. Khi đặt hàng thì quyền quyết định là của doanh nghiệp, chứ không phải như hiện nay là chỉ lo trả lương cho số lượng cán bộ, nhân viên trong công ty", ông Khanh chia sẻ.
Các ý kiến tại hội nghị đều nhất trí rằng cần sớm xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 96 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự thảo mới có thể được hoàn thành trong Quý II/2024.