| Hotline: 0983.970.780

Cam là cây trồng chủ lực ở các huyện miền núi Hà Tĩnh

Thứ Năm 21/04/2016 , 06:31 (GMT+7)

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cam luôn được xác định là cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển tại các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh... 

Có lợi thế diện tích đất vườn đồi lớn; điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi; nguồn nhân lực dồi dào; chính sách kích cầu đa dạng... tất cả các yếu tố trên hợp lại đã đưa huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) trở thành thủ phủ cam chanh, cam bù chỉ trong một thời gian ngắn. Triệu phú, tỷ phú mọc lên nhan nhản. Hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình đua nhau làm nhà, tậu ô tô nhờ lợi nhuận từ cây cam.

Quy hoạch 4.100 ha

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cam luôn được xác định là cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển tại các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh...

Đây là những địa phương có truyền thống sản xuất cây ăn quả có múi hàng chục, hàng trăm năm qua, hơn nữa điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, con người ở đây đều đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi đưa cây cam vào trồng. Theo đó, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện tích cam chất lượng cao từ 2.360 ha lên 4.050 ha; sản lượng 54 nghìn tấn; giá trị sản xuất 1.648 tỷ đồng.

Mục tiêu vĩ mô của tỉnh là như vậy, nhưng tham vọng ở thủ phủ cam Vũ Quang là đến năm 2020 toàn huyện có 2.900 ha cam (cam chanh, cam bù) và 1.200 ha các loại cây ăn quả khác.

Tôi hỏi, huyện không lo sợ phát triển ồ ạt sẽ kéo theo hệ lụy? Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vũ Quang khẳng định: “Sẽ không có chuyện phát triển ồ ạt. Từ năm 2013 đến nay đúng là cây ăn quả phát triển như vũ bão ở Vũ Quang nhưng sắp tới việc mở rộng diện tích trồng cam sẽ giới hạn theo quy hoạch, không làm tràn lan, nhỏ lẻ mà hướng đến đầu tư quy mô lớn, tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng cam”.

Ông Sơn phân tích, từ xa xưa người dân Vũ Quang quen trồng trong vườn nhà một vài gốc cam lấy quả thờ cúng tổ tiên ngày Tết và sử dụng trong gia đình. Vì chưa có tư duy sản xuất hàng hóa hay làm giàu từ cây trồng này nên cam trồng xuống bà con phó mặc trời đất, được quả nào hay quả ấy.

Dần dần qua thời gian, nhận thấy cây cam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều hộ dân mở rộng quy mô, nâng tổng diện tích cây  có múi đến thời điểm này đạt 2.220 ha.

Trong đó, cam 1.700 ha, đã cho thu hoạch 650 ha với sản lượng đạt 5.500 tấn (2015); doanh thu trên 220 tỷ đồng. Một số xã như Đức Lĩnh, Sơn Thọ, Hương Thọ, Đức Hương... đại bộ phận người dân đang sống dựa vào cây trồng này.

“Năm 2013 diện tích cam toàn huyện mới đạt 650 ha nhưng chỉ trong thời gian 3 năm trồng mới, diện tích đã tăng lên 1.700 ha. Tôi cho rằng đây là kết quả minh chứng cho định hướng đúng đắn của Vũ Quang trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Sở dĩ Vũ Quang lựa chọn phát triển mạnh cây cam bởi địa phương này có đến gần 5.000 ha đất vườn đồi đã giao cho hộ gia đình quản lý, thích hợp trồng cam gắn với trồng cây lâm nghiệp.

Đặc biệt, tỷ lệ đá kết von lớn, độ dốc vừa phải, tạo độ thông thoáng trong quá trình trao đổi chất, giúp cây trồng thoát nước nhanh, từ đó tạo độ ngọt đậm, vị thơm đặc trưng cho cam Vũ Quang.

Một yếu tố nữa, loài cam chanh, cam bù đã được người dân trồng cách đây hàng trăm năm, riêng cam bù đã xác định chỉ dẫn địa lý ở xã Sơn Thọ nên kỹ thuật canh tác cam người dân cơ bản nắm được, quan trọng nhất hiện nay là áp dụng khoa học kỹ thuật vào để nâng cao chất lượng vườn cam mà thôi.

Đồng bộ chính sách và đầu ra

Lợi thế là đòn bẩy thì chính sách là “đầu kéo” để phát triển bền vững cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng ở Vũ Quang. Tuy nhiên, để tránh tình trạng nhà nhà trồng cam, người người trồng cam, thậm chí trồng trên cả những diện tích có độ dốc trên 15o gây xói mòn đất như lo ngại của ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang đang giao Phòng NN-PTNT xây dựng đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2020, trên cơ sở điều tra đến tận hộ, thôn, vùng để xây dựng thành vùng liên kết tập trung. Đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ giống, trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm theo hướng đến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Hiện tại Cty Tân Thanh Phong – Hương Khê đang là doanh nghiệp số 1 thu mua cam ở Vũ Quang, riêng năm 2015 Cty này bao tiêu hơn 200 tấn cho người dân.

Đồng thời, Cty cũng đang xin chủ trương liên kết với 2 xã Hương Quang, Hương Điền trồng 100 ha cam/xã theo hình thức doanh nghiệp bán giống, chuyển giao KHKT, bao tiêu đầu ra, còn người dân góp đất, công lao động. Ngoài hình thức này, huyện Vũ Quang cũng đã thành lập Hội cam Vũ Quang giao cho Hội Nông dân chủ trì làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đề nghị công nhận thương hiệu cam Vũ Quang nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

11-11-33_2
Cam bù, cam chanh đang được phát triển mạnh ở Vũ Quang

Đối với chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển cây cam, ngoài quy định hỗ trợ 10.000đ/cây cho tổ chức, cá nhân trồng mới cây cam bù, cam chanh có quy mô tập trung từ 50 cây trở lên... theo Nghị quyết 90, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, từ năm 2011 – 2015 huyện Vũ Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người trồng cam.

Điển hình là Quyết định 418 ngày 13/3/2013, hỗ trợ kinh phí mua giống cây ăn quả có múi với mức từ 15.000 – 25.000đ/cây. Nghị quyết 05 ngày 16/7/2015, hỗ trợ kinh phí mua giống, đào hố và các loại vật tư khác để trồng mới cam bù, cam chanh, chanh với định mức từ 20.000 – 25.000đ/cây; hỗ trợ một lần kinh phí khoan giếng, mua máy bơm, đào hồ chứa nước hoặc bể chứa nước và vật tư khác để trồng cam theo định mức từ 10 – 20 triệu đồng/mô hình, hộ...

Năm 2010 để phục tráng cây cam bù, UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện dự án “Bảo tồn, nhân giống, khôi phục và phát triển sản xuất cây cam bù theo hướng hàng hóa giai đoạn 2010 – 2020”. Từ dự án này, huyện Vũ Quang lựa chọn cây cam đầu dòng đạt chuẩn lấy mắt ghép ươm giống. Kết quả bước đầu đã cho thấy, năng suất cam bù tăng bình quân từ 2 – 8 tấn/ha (2010) lên 10 tấn/ha (2015), hiệu quả kinh tế đạt 300 triệu đồng/ha/năm.

Được biết, từ năm 2013 đến nay huyện Vũ Quang đã hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho hơn 2.100 hộ dân phát triển cây cam chanh, cam bù. Hầu hết người dân đều rất phấn khởi với những chính sách kịp thời trên.

Anh Lê Ngọc Lâm, thôn 6, xã Đức Bồng, cho hay, năm 1999 gia đình anh bắt đầu khởi nghiệp trồng cam chanh với 100 gốc. Quá trình làm trang trại anh nhân rộng theo từng năm nhưng giai đoạn phát triển mạnh nhất là từ năm 2013, khi anh được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện. Đến thời điểm này vườn cây của anh tăng lên 2.000 gốc/4 ha; trong đó, 1.300 gốc đã cho thu hoạch; bình quân mỗi năm doanh thu ước trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng.

“Đất Đức Bồng nói riêng, Vũ Quang nói chung trồng cam là hiệu quả nhất. Tính ra đầu tư 1 ha cam hết khoảng 120 triệu đồng, sau 3 – 4 năm bắt đầu cho thu hoạch, chỉ cần được mùa 2 năm là thu hồi vốn ban đầu, còn những năm sau mỗi năm chỉ trừ chi phí đầu tư 20%/tổng doanh thu thôi”, anh Lâm chia sẻ.

Ngoài hộ anh Lâm, những cái tên Trần Thị Ân, xã Đức Lĩnh; Lê Khánh Toàn, Lê Minh Tú, xã Đức Bồng; Nguyễn Văn Nhân, Hương Thọ; Lê Văn Đại, Đức Hương... bây giờ đều đã trở thành tỷ phú nhờ cây cam.

Mặc dù kết quả bước đầu đề án tái cơ cấu cây cam khá thắng lợi nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn cũng trăn trở, hiện nay khâu giống đang khá trôi trổi và phụ thuộc các vườn ươm.

“Nói giống sản xuất tại vườn ươm có xác nhận cấp huyện nhưng thực ra chủ vườn cũng phải đi lấy giống ở những nơi khác về. Bởi theo quy định, mắt ghép vườn ươm phải lấy từ cây cam S0 và được Sở NN-PTNT công nhận. Tuy nhiên, toàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay mới chỉ làm hồ sơ công nhận được 8 cây cam chanh, nếu tính bình quân mỗi cây lấy 7 – 10 nghìn mắt ghép thì số lượng trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất giống cung ứng cho bà con. Vấn đề này còn kéo theo hệ lụy không truy xuất được nguồn gốc giống, khi cây trồng bị bệnh nông dân không biết tìm ai để đòi quyền lợi”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một thực tết nữa, cam là cây cần nước nhưng do vùng tiểu khí hậu Vũ Quang có gió Lào, hạn khốc liệt trong khi việc lắp đặt hệ thống tưới hạn chế nên nhiều năm người trồng cam phải ngửa mặt chờ nước trời, rủi ro mất mùa cũng không phải là nhỏ.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.