Chiều 22/11 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức bế giảng khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM.
Khóa tập huấn có sự tham gia của 30 học viên (giảng viên) diễn ra trong 11 ngày (từ 12 - 22/11/2024) với mục tiêu trang bị cho các học viên kiến thức toàn diện về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Đây là bước đệm quan trọng để xây dựng lực lượng giảng viên chuyên nghiệp, đủ năng lực đào tạo và hướng dẫn nông dân về quản lý sức khỏe cây trồng tại các địa phương trên cả nước.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn về kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp và các nguyên tắc IPHM như: Biện pháp sinh học, sử dụng giống cây khỏe, duy trì dinh dưỡng đất, tối ưu hóa sức khỏe cây trồng, quản lý bền vững cỏ dại, canh tác giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, tổ chức phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động thực nghiệm; nâng cao kỹ năng truyền thông, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm trong cộng đồng một cách hiệu quả…
Chúc mừng các học viên hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội có diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 160.000ha, rau hơn 34.000ha, cây ăn quả hơn 20.000ha, hoa cây cảnh hơn 7.000ha… Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và phát triển sản xuất trách nhiệm, bền vững, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật là hết sức quan trọng. Lực lượng cán bộ được đào tạo bài bản về IPM, IPHM sẽ là những đầu tàu dẫn dắt nông dân từng bước chuyển mình trong sản xuất.
Ông Phương cũng đề nghị, những kiến thức về IPM, IPHM sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Vì vậy các học viên của Hà Nội nói riêng, các tỉnh khác nói chung sau khi hoàn thành khóa đào tạo, trở về địa phương cần tích cực nhân rộng những kiến thức đã thu nạp được để giúp nông dân trở thành những chuyên gia thực thụ về cây trồng, biến những kiến thức trên giấy thành những thành quả thực tiễn.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, muốn triển khai hiệu quả chương trình IPHM, bắt buộc phải có đội ngũ nhân lực, giảng viên đủ trình độ, năng lực chuyên môn. Theo Đề án phát triển IPHM đến năm 2030, mỗi địa phương có ít nhất 5 giảng viên quốc gia, 20 giảng viên cấp tỉnh. Một thông tin đáng mừng là tới thời điểm hiện tại, thông qua các lớp tập huấn đã đào tạo được 700 giảng viên về IPHM (132 giảng viên quốc gia, 568 giảng viên cấp tỉnh).
Các học viên tham gia khóa tập huấn cơ bản là những người được đào tạo rất bài bản kiến thức và có kinh nghiệm dày dặn về IPM. Đây là một lợi thế nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi mỗi học viên sau khi học nâng cấp lên IPHM phải phân tích, chứng minh, làm sâu sắc hơn và giúp nông dân thấy được sự cần thiết và khác biệt của IPHM so với IPM trước đây.
Theo ông Dương, hiện nay tại nhiều địa phương, tình trạng nông dân lạm dụng vật tư đầu hóa học đã khiến sức khỏe đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người xót đất nhưng lại không biết cách khôi phục sức khỏe cho đất, tiếp tục tăng lượng phân bón, nhất là đạm, vừa không hiệu quả vừa gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng tới môi trường.
Do đó, các học viên đã được trang bị đầy đủ các kiến thức về IPHM phải giúp nông dân thấy được đất đang ngày một suy yếu, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay; tăng cường sử dụng vật tư đầu vào sinh học, hữu cơ, cân đối dinh dưỡng cây trồng là chìa khóa cho sự phát triển sản xuất bền vững.
“Bên cạnh việc tự hào mình là những giảng viên đầu tiên của Việt Nam về IPHM và Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại ASEAN thực hiện chương trình IPHM thì các học viên phải không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực bản thân, bám sát điều kiện của địa phương, tích cực truyền đạt những kiến thức được học cho nông dân ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất; tham mưu cho các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm nhân rộng để chương trình IPHM thực sự đi vào chiều sâu”, ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.