Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 18/2 tại huyện Bắc Quang, Quang Bình của tỉnh này xảy ra tình trạng cam sành đồng loạt rụng. Tổng sản lượng quả cam bị rụng là gần 2.000 tấn, chiếm 3% so với tổng sản lượng cam sành niên vụ 2020 - 2021 (sản lượng ước đạt 60.000 tấn).
Tại huyện Bắc Quang diện tích cam bị rụng là 410 ha với 162 hộ bị thiệt hại, sản lượng rụng là hơn 1.730 tấn ở 3 xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành. Tại huyện Quang Bình sản lượng cam bị rụng là 228 tấn, tại 10 xã vùng cam của huyện.
HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có 320 ha cam, tổng sản lượng đạt trên 3.000 tấn. Diện tích cam trồng theo chuẩn VietGAP là 220 ha, hơn 60 ha thực hiện hữu cơ chuyển đổi. Đến thời điểm này, cam của các thành viên trong HTX bị rụng khoảng 20% tổng sản lượng.
Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, do cam trồng theo chuẩn VietGAP, hữu cơ chuyển đổi nên giá bán vẫn đạt 10.000/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên thị trường tiêu thụ rất chậm. Hiện nay HTX chủ động liên kết để bán cho thương lái, tìm đầu mối tại các cửa hàng rau quả sạch ở Hà Nội để giảm áp lực cam rụng cho các vườn cam của thành viên HTX.
Với 4 ha cam, gia đình anh Trương Văn Đồng, thôn Pha, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang dự kiến đạt sản lượng khoảng 60 tấn. Tuy nhiên do cam không tiêu thụ được, chín quá lại gặp tình hình thời tiết bất lợi nên đã rụng hơn 10 tấn.
Dự kiến trong khoảng nửa tháng nữa nếu không tiêu thụ được thì cả vườn cam sẽ đồng loạt rụng. Anh Đồng mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ người nông dân giải cứu cam.
Theo các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang thì nguyên nhân cam sành Hà Giang đồng loạt rụng chủ yếu là do sinh lý vì hiện nay cây cam sành bắt đầu chuyển sang giai đoạn cho ra lộc xuân, nên cần huy động nhiều dinh dưỡng để hình thành các đợt lộc.
Giai đoạn này cây vẫn còn nuôi quả trên cây, sẽ dẫn đến tranh chấp dinh dưỡng. Bên cạnh đó quả cam đến thời điểm này đã chín hoàn toàn vì vậy cây hình thành tầng dời nên quả rất dễ bị rụng.
Mặt khác, trước tháng 1/2021 hình thời tiết tại các huyện vùng trồng cam chủ yếu là hanh khô, rét đậm, rét hại. Đến đầu tháng 1/2021 có xảy ra 1 trận mưa rào, do thời tiết thay đổi đột ngột, quả cam bị sốc nhiệt nên cũng đã làm ảnh hưởng đến cây, đến quả cam treo trên cây dẫn đến dễ bị rụng quả.
Cùng thời điểm này năm 2020, tại tỉnh Hà Giang cũng xảy ra tình trạng cam đồng loạt rụng với tổng sản lượng lên tới 16.000 tấn. Nguyên nhân là do một số hộ dân muốn giữ lại cam trên cây để chờ qua Tết Nguyên đán bán được giá.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay các hộ trồng cam ở Hà Giang đã chủ động bán cam trước Tết. Thế nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt dịp đầu tháng 2, Hà Giang ghi nhận bệnh nhân số 1976 mắc Covid-19 khiến việc kiểm soát đi lại bị thắt chặt nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển tiêu thụ cam từ Hà Giang đến các thị trường lớn.
Trước thực trạng cam đồng loạt rụng, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Công thương, UBND các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình giúp người trồng cam tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Trường hợp để quả treo quá lâu trên cây cần hướng dẫn người dân thu hoạch theo hình thức tỉa quả, tránh gây áp lực dinh dưỡng khi cây vào chu kỳ đậu quả, ra lộc, ra hoa vụ mới; thực hiện cắt tỉa tạo tán để vườn thông thoáng hạn chế nấm gây rụng quả phát triển mạnh.
Với những vườn bị rụng quả cần thu gom sạch sẽ toàn bộ số cam rụng ra khỏi vườn, đào hố chôn, xử lý bằng vôi và phế phẩm sau đó vùi lấp kín, tránh ảnh hướng đến môi trường.
Tính đến ngày 18/2 toàn tỉnh Hà Giang tiêu thụ ước đạt 9.000 tấn cam sành. Thị trường tiêu thụ cam sành thiếu, giá bán thấp (giá bán dao động từ 4.000 - 8.000 đồng/kg) đang đặt người trồng cam ở Hà Giang như ngồi trên đống lửa.