| Hotline: 0983.970.780

Vụ cam thất thu ở Hà Giang

Thứ Tư 26/02/2020 , 09:50 (GMT+7)

Đến thời điểm này, tỉnh Hà Giang đã có 16.500 tấn cam bị rụng. Đây là vụ cam thất thu lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh này.

Cam đồng loạt rụng khiến tỉnh Hà Giang thất thu hơn 120 tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Cam đồng loạt rụng khiến tỉnh Hà Giang thất thu hơn 120 tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Bắc Quang và Quang Bình là 2 địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Ước thiệt hại về số lượng cam rụng đã lên đến hơn 120 tỷ đồng. Việc cam rụng đồng loạt ngoài nguyên nhân do thời tiết bát lợi thì việc người dân chủ động “om hàng” đợi qua tết được giá cũng là nguyên nhân chính.

Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay cây cam đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn cho ra lộc xuân, vì thế cây trồng cần huy động rất nhiều dinh dưỡng để hình thành các đợt lộc, nhưng cây vẫn phải nuôi quả dẫn đến việc tranh chấp dinh dưỡng.

Theo sinh lý cây trồng, giai đoạn này quả cam đã chín hoàn toàn và cây cũng đã hình thành tầng rời; dinh dưỡng trong cây đang tập trung chủ yếu để ra lộc. Do vậy cây trồng thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến quả rụng.

Những yếu tố này kết hợp với mưa kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cây trồng bị sốc nhiệt, quả cam bị sốc nước, độ ẩm cao thuận lợi cho nấm thối quả phát triển, dẫn đến cam đồng loạt rụng.

Giảm thiểu những tiêu cực cho vụ tiếp theo, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án hỗ trợ những hộ biệt thiệt hại đảm bảo hợp lý, khách quan. Ảnh: Đào Thanh.

Giảm thiểu những tiêu cực cho vụ tiếp theo, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án hỗ trợ những hộ biệt thiệt hại đảm bảo hợp lý, khách quan. Ảnh: Đào Thanh.

Một nguyên nhân nữa là do quá trình chăm sóc, người dân không thực hiện kỹ thuật tỉa định quả, để số lượng quá lớn, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng chưa cân đối nên ảnh hưởng đến quá trình nuôi quá.

Huyện Quang Bình có 2.682 ha cam, sản lượng cam hằng năm đạt khoảng 14.000 tấn. Cuối vụ này, huyện có 1.300 tấn cam bị rụng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩ Thượng, Tiên Yên, Yên Hà và xã Hương Sơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình xác nhận, việc cam rụng bên cạnh yếu tố thời tiết thì việc các chủ vườn chờ cam tăng giá như thị trường hàng năm nên chưa bán; một số chủ vườn giao cho người làm trông coi nên chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời… Vì những nguyên nhân này nên sau tết, sức mua giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại gặp trời mưa nên cam đồng loạt rụng.

Theo Quyết định số 806, ngày 10/5/2017 về quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra của tỉnh UBND Hà Giang. Thì với diện tích bị thiệt hại trên 70% sẽ hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu thiệt hại từ 30% - 70%. Tuy nhiên, với tình trạng cam rụng đồng loạt, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang còn đang xem xét để có phương án hỗ trợ sao cho hợp lý nhất.

Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đến kiểm tra thực tế thiệt hại tại các vườn cam của huyện Bắc Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đến kiểm tra thực tế thiệt hại tại các vườn cam của huyện Bắc Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, việc xác định thiệt hại từng vườn khó và không thể chính xác, bởi một số hộ đã thu hoạch một phần sản lượng nên khó đảm bảo tính chính xác.

Bên canh đó, có nhiều hộ đã bán cam đúng dịp chính vụ, mức giá thấp nhưng không bị thiệt hại, những hộ để lại chờ giá cao bị thiệt hại lại được hỗ trợ sẽ gây nên tình trạng thắc mắc giữa các hộ; hỗ trợ không thỏa đáng rất dễ dẫn đến tiêu cực. Nếu vấn đề này không xử lý tốt có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn trong những niên vụ sau, thì thiệt hại chưa thể tính trước.

Giải pháp trước mắt mà UBND tỉnh Hà Giang đưa ra nhằm cứu vụ cam thất thu là sẽ đề xuất với các ngân hàng có chính sách giãn nợ cho các hộ gia đình đã được vay vốn đầu tư thâm canh, trồng mới và tạo điều kiện cho các hộ này tiếp tục được vay vốn khôi phục sản xuất.

Về lâu dài, tỉnh sẽ lập đề án chuyển đổi cơ cấu giống cam, ổn định diện tích 5.000 ha cam sành tại những vùng được cấp chỉ dẫn địa lý, còn lại chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm rải vụ, giảm áp lực cung vào cùng một thời điểm.

Đến nay, tỉnh Hà Giang có hơn 8.800 ha, trong đó khoảng 6.380 ha cho thu hoạch. Như vậy diện tích này đã vượt trên 3.800 ha so với việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất cam của tỉnh. Qua đó, khi cung vượt quá cầu nên đến vụ cam chín không kịp tiêu thụ và mất giá.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.