| Hotline: 0983.970.780

Vùng cam Nghệ An xác xơ vì bệnh

Thứ Năm 24/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trái ngược hoàn toàn với giai đoạn hoàng kim, nghề trồng cam tại Nghệ An đang bước vào thời kỳ lao dốc, cam bệnh xác xơ, hàng ngàn hộ dân đối diện nợ nần...

Nhiều vườn cam tại thủ phủ cam Minh Hợp bị các loại bệnh hại tàn phá. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều vườn cam tại thủ phủ cam Minh Hợp bị các loại bệnh hại tàn phá. Ảnh: Việt Khánh.

Thực trạng buồn

Độ vài năm về trước, cây cam hiện diện khắp các vùng trồng trên địa bàn Nghệ An. Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, người người, nhà nhà lựa chọn trồng cam, số đông nông dân xem đây là nhân tố cụ thể hóa giấc mộng làm giàu.

Thực tế cây cam từng mang lại tiền trăm bạc tỷ, trực tiếp giúp nhiều hộ đổi đời chóng vánh. Giai đoạn 2010 - 2015 người trồng cam thắng lớn, diện tích triển khai càng nhiều trúng càng đậm, mỗi hecta thu ba, bốn trăm triệu đến cả tỷ bạc là trong tầm với.

Đồng tiền có được quá dễ, ngay lập tức tạo nên động lực thúc đẩy rộng khắp, chỉ trong thời gian ngắn số hộ trồng gia tăng đột biến. Nhưng cũng kể từ đó, tình hình rẽ theo chiều hướng xấu quá nhanh.

Trải dài khắp các huyện trọng điểm về trồng cam như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông… nay không khí trầm uất bao trùm, người người chạm mặt nhau buồn rười rượi. 

Số lượng cam bị thối rữa nhiều nhan nhản. Ảnh: Việt Khánh.

Số lượng cam bị thối rữa nhiều nhan nhản. Ảnh: Việt Khánh.

Tại thủ phủ cam Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) nức tiếng một thời. Qua khảo sát sơ bộ, những vườn cam sinh lợi còn rất ít, đa phần bị nhiễm bệnh, cây xác xơ, cam rụng đầy gốc.

Không riêng gì Minh Hợp, khắp các vùng cam tại Nghệ An đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh tiềm tàng, nguy hại nhất vẫn là Greening. Bệnh này vô phương cứu chữa, khi dính tất yếu phải chặt bỏ.

Thế nhưng vì tiếc công tiếc của, nhiều hộ ra sức níu giữ chút hi vọng mong manh, hệ quả là càng gắng càng hao tiền tốn của, chưa kể gia tăng nguy cơ phát bệnh ra những vườn cam lân cận.

Đi thẳng vào vấn đề, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng trên địa bàn thực sự là vấn đề nan giải. Trước đây cây cam cho giá trị kinh tế cao, cam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên càng phát huy giá trị rõ nét, sản phẩm tạo ra giữ được hương vị đặc trưng hiếm có.

2015 - 2016 là giai đoạn hoàng kim, bấy giờ thị trường cực kỳ ưa chuộng dòng cam của Minh Hợp. Thời điểm thu hoạch không khí rộn ràng từ đầu làng đến cuối ngõ, ai cũng hồ hởi, tiếng cười nói rôm rả vang lên không ngớt.

Ngay tại lô khoảnh, giá cam có lúc được đẩy lên 120.000 đồng/kg, bèo bọt nhất cũng phải 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao chót vót nhưng cánh thương lái không mấy khi kỳ kèo, mặc cả”.

Ông Dũng quả quyết, đỉnh điểm toàn xã Minh Hợp phát triển đến 2.000ha cây ăn quả, trong đó diện tích cam không dưới 1.600ha, thu hút khoảng 1.000 hộ trồng. Giá trị kinh tế cao khiến người dân đổ xô vào làm, họ tận dụng tối đa quỹ đất để trồng. Nhận thấy mối nguy tiềm tàng, chính quyền đã nhiều lần ra sức khuyến cáo nhưng không mang lại kết quả.

Qua khảo sát, dăm năm về trước tại Minh Hợp có khoảng 30% số hộ trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao, 30% khác có lời, phần còn lại đang trong quá trình đầu tư. Từ thành quả bước đầu, nhiều gia đình chủ động đổ thêm đồng vốn nhằm mở rộng quy mô, thế mà giờ đây đổi lại họ chỉ thu về muộn phiền và âu lo.

Các loại bệnh gây hại cam phát triển hết sức khó lường. Ảnh: Việt Khánh.

Các loại bệnh gây hại cam phát triển hết sức khó lường. Ảnh: Việt Khánh.

Hòa theo vòng quay của thời cuộc, năm 2015 vợ chồng anh Hoàng Văn Đức (xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp) chi ra 300 triệu đồng thuê lại 5.000m2 triển khai trồng 250 gốc cam. Tích cực chăm bẵm, tưới tắm thường xuyên giúp vườn cây phát triển ổn định, sau 2 năm đã ngập tràn một màu xanh mướt mắt.

“Nhiều người đặt vấn đề nhượng lại vườn với giá trên dưới nửa tỷ đồng nhưng gia đình kiên quyết không bán, với diễn biến tình hình lúc đó chúng tôi đinh ninh sẽ thắng lớn, nào ngờ mọi thứ bỗng chốc đổi chiều chóng vánh.

Cuối 2018 toàn bộ vườn cam bắt đầu phát bệnh, sức đề kháng của cây yếu dần, kế đó xuất hiện tình trạng vàng lá, héo rũ và rụng quả, sau dần thì chết. Áp dụng đủ mọi cách nhưng chẳng ăn thua, rốt cuộc phải chặt bỏ đến 70 cây, với đà này con số trên chắc hẳn chưa dừng lại”, anh Đức buồn bã.

Rút kinh nghiệm xương máu của những năm trước đó, vừa qua anh chị đốc thúc nhau đẩy nhanh quá trình thu hoạch dù cam chưa đạt kích cỡ như mong muốn (bình quân 7 quả mới đạt 1 kg). Vét nhẵn cả vườn được khoảng 4 tấn rưỡi, bán ra với giá rẻ mạt 4.500 đồng/kg, vị chi thu về tầm 16 triệu đồng: “Dẫu chua xót nhưng có còn hơn không, để kéo dài thêm nữa chắc chẳng còn quả nào trên cây”.

Theo ý kiến chung của các chuyên gia, bên cạnh quá trình phát triển không theo quy hoạch chung, tại Nghệ An còn nảy sinh hàng loạt nguyên do đẩy nghề trồng cam vào tình thế nguy hiểm, nổi cộm hơn cả là khâu giống. Chất lượng đầu vào đóng vai trò tiên quyết, quan trọng là vậy nhưng công tác quản lý gần như bị bỏ bẵng suốt những năm qua. Lỗ hổng to đùng không được bịt chặt, thế nên ví nghề trồng cam hệt như một canh bạc quả chẳng sai chút nào.

Mịt mùng lối thoát

Thất bại nối tiếp khiến những khoản nợ không ngừng gia tăng, dẫu muốn hay không chính những người trong cuộc buộc phải thay đổi. Đã đến lúc nông dân nhận thức rõ nghề trồng cam không hề đơn giản, muốn thành công chí ít phải có tiềm lực kinh tế, phải có tư duy, đồng thời phải có định hướng.

Dấu hiệu của bệnh xuất hiện từ rất sớm. Ảnh: Việt Khánh.

Dấu hiệu của bệnh xuất hiện từ rất sớm. Ảnh: Việt Khánh.

Trên tinh thần đó, mới đây xã Minh Hợp đã làm việc trực tiếp với 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành và Công ty Cổ phần nông công nghiệp 3/2 để thống nhất phương án tối ưu nhất. Dựa trên cơ sở thực tiễn, kế hoạch sẽ tiến tới xây dựng Đề án chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó trọng tâm là cây cam.

“Quỹ đất thuộc quyền quản lý của 2 công ty nhưng chủ trương của chính quyền là không đứng ngoài cuộc, không để dân tự nhận khoán, tự làm, tự bươn chải, nhất thiết phải gắn trách nhiệm của các bên liên quan”, ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ quan điểm.

Trên cơ sở cuộc đối thoại đã đi đến thống nhất, những diện tích trồng cam đã phá bỏ thì chuyển đổi sang cây trồng khác, cụ thể là trồng mía, trồng ngô, hoặc trồng cỏ cho bò.

Đối với cây cam sẽ không làm dàn trải, kế hoạch chỉ trồng tại 3 xóm Minh Kính, Minh Hồ, Thọ Thành thuộc quản lý của Công ty Xuân Thành, quy mô 500 - 600ha (giảm 2/3 so với thời điểm cao trào). Bên cạnh đó, nhất thiết phải hình thành vùng trồng lớn, áp dụng trồng một lần và chỉ canh tác một loại giống.

Trước mắt địa phương, công ty và người dân sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, cải tạo đất, tìm kiếm nguồn giống chất lượng, sach bệnh để năm 2022 chính thức xắn tay vào làm.

Anh Hoàng Văn Đức, một chủ hộ thất thần bên vườn cam bị bệnh tàn phá nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Hoàng Văn Đức, một chủ hộ thất thần bên vườn cam bị bệnh tàn phá nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Đề cập đến nội dung trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành khẳng định lộ trình 5 năm tới sẽ trồng mới 373ha (2022 trồng gần 90ha; 2023 hơn 92ha; 2024 hơn 114ha; 2025 hơn 77ha) với 575 hộ tham gia. Cộng thêm 200ha trong quy hoạch trước đó, tổng diện tích canh tác đạt 574ha.

Trao đổi với NNVN, Giám đốc Lê Viết Minh thẳng thắn thừa nhận: “Nghề trồng cam đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ khâu đầu vào đến công tác quản lý, từ môi trường đến thổ nhưỡng đều là những vấn đề nan giải. Để tiếp tục duy trì và gặt hái được kết quả bền vững là điều không hề đơn giản…”.

“Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” là khái niệm đã xưa cũ, nhiều chuyên gia trong ngành quả quyết hiện bộ giống và kỹ thuật canh tác đóng vai trò chính, nhất là với cây cam. Từ nhu cầu bức thiết đó các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại đã có những động thái vào cuộc, dù vậy kết quả chẳng nói lên nhiều điều. Thực tế giống sạch bệnh vẫn là ước mơ xa xỉ, số đông người trồng cơ bản phải chọn lựa giống trôi nổi đầy may rủi.

Không thể ngồi chờ... sung rụng, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành đã chủ động khâu nối, tìm kiếm nhằm tạo sự chủ động. Tín hiệu tích cực đã manh nha, dù vậy với việc suốt nhiều năm vẫn nhùng nhằng giữa chủ trương chuyển đổi mô hình Công ty TNHH 2TV, e rằng tính ổn định rất khó duy trì.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.