| Hotline: 0983.970.780

Căn bệnh mỗi năm cướp đi sinh mạng hơn 7 triệu người

Thứ Bảy 25/05/2019 , 09:10 (GMT+7)

Tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm và phổ biến trong cộng đồng. Hiện, số người trẻ mắc tăng huyết áp đang có xu hướng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa tỏ ra lo ngại khi có tới 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện.

Cứ hai người trưởng thành có một người mắc

Tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh.

09-03-00_huyet_p1
Ảnh minh họa.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng ở tim, não, mắt, thận, mạch não...

Tăng huyết áp được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường tuýp 2, cholesterol cao... Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp là tuổi tác, thừa cân - béo phì, lối sống (ăn mặn, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia thuốc lá, yếu tố tiền sử gia đình...

Điều tra dịch tễ về tăng huyết áp tại cộng đồng do Viện Tim mạch quốc gia tiến hành năm 2015 tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước cho thấy, tỉ lệ mắc tăng huyết áo đã lên tới gần 48% ở những người trên 25 tuổi, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Trong số những người bị tăng huyết áp thì tỉ lệ ở nam giới cao hơn (chiếm 47%) trong khi nữ giới là 42%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì có 8 người mắc tăng huyết áp. Đáng lưu ý, trong khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% tử vong. Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây ra suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch…Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000 -150.000 người chết mỗi năm.
 

Nhớ số đo huyết áp như tuổi của mình

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, bệnh tăng huyết áp đang phổ biến trong cộng đồng, gánh nặng bệnh tật tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong những vấn đề sức khoẻ cấp bách nhất hiện nay. Thế nhưng, nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết mình bị bệnh và tỉ lệ điều trị cũng rất thấp. Hiện có tới gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Do đó, GS. Việt, khuyến cáo, mỗi người cần nhớ chỉ số huyết áp của mình như tuổi của mình vậy. Mỗi người chỉ cần tự đo huyết áp cho mình cũng có thể biết huyết áp của mình ở ngưỡng nào, cao hay thấp.

“Người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ”, GS. Việt khuyến cáo.

Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp và tim mạch, đóng góp quan trọng trong quá trình điều trị bệnh sau này. Bệnh lý tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể điều trị mà không cần dùng thuốc thông qua điều trị nguyên nhân gây bệnh (chỉ có 10% tình trạng tăng huyết áp có nguyên nhân rõ ràng như: đang mang thai, đang dùng thuốc điều trị bệnh khác…) thông qua điều chỉnh lối sống.

Theo các chuyên gia tim mạch, việc chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp là cần thiết nhất. Ngay từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.

Theo đó, một cuộc sống không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia, ăn nhạt, hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (chất béo động vật), các thức ăn có chứa nhiều chất bột đường, thịt đỏ hay thức ăn chế biến sẵn là cách ngăn ngừa căn bệnh này. Ngoài ra, mỗi người dân nên tăng cường rau xanh trong các khẩu phần ăn hằng ngày, tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (30- 60phút/mỗi ngày), tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Khi có chỉ định của thầy thuốc cần uống thuốc đều, lâu dài kể cả khi chỉ số huyết áp được hạ xuống mức bình thường.

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.