| Hotline: 0983.970.780

Cần biết trong dùng thuốc trị bệnh thủy sản nuôi

Thứ Tư 07/01/2009 , 13:30 (GMT+7)

Sau đây là một số phương pháp trị bệnh cho thủy sản nuôi bằng thuốc và hoá chất.

Thu hoạch tôm sú
Ngành nuôi trồng thủy sản là một ngành có quá trình sản xuất mang tính đặc thù riêng biệt. Trong suốt quá trình nuôi luôn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện môi trường, ngoại cảnh và tác động của con người.

Một trong những vấn đề làm người nuôi thủy sản quan tâm lo lắng là khi thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều, quá lạnh kết hợp với quản lý chất lượng nước nuôi không tốt sẽ làm môi trường sống của thủy sản nuôi thay đổi đột ngột, có không ít loài thủy sản do không thích ứng được với sự biến đổi môi trường ấy mà sinh bệnh vì thế người nuôi cần phải sử dụng thuốc, nhưng phương thức dùng thuốc có rất nhiều cách và đòi hỏi người sử dụng phải có những kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Sau đây là một số phương pháp trị bệnh cho thủy sản nuôi bằng thuốc và hoá chất.

Phương pháp cho thuốc trực tiếp xuống ao:

Là phương pháp ngâm thủy sản nuôi trong dung dịch thuốc với nồng độ thấp trong thời gian dài. Sau khi hoà tan thuốc, hoá chất, pha loãng đến mức độ thích hợp mới tạt đều vào toàn bộ diện tích nuôi (thường áp dụng trong các thiết bị nuôi có diện tích lớn).

Phương pháp này có hiệu quả nhất để trị các bệnh bên ngoài cơ thể thủy sản nuôi, khi sử dụng phương pháp này phải tính chính xác khối lượng nước trong ao, bể mới có tác dụng. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi, đồng thời cũng phải chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.

Ưu điểm: Đạt kết quả cao, tỉ lệ sống cao hơn phương pháp tắm, không đòi hỏi nhiều nhân công.

Nhược điểm: Tốn kém do lượng thuốc sử dụng nhiều và cần lưu ý liều lượng sử dụng vì có một số thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tảo trong hệ thống nuôi dẫn đến việc gây biến động các yếu tố môi trường nước dễ gây sốc cho cá tôm nuôi.

Phương pháp tắm:

Là phương pháp ngâm thuốc trong thời gian ngắn, phương pháp này thường áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ, hay có thể đem thủy sản vào dụng cụ chứa có thể tích nhỏ, tiến hành ngâm thuốc trong thời gian ngắn để sát khuẩn, tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài thân thể cá.

Ưu điểm lớn nhất là lượng thuốc dùng ít do làm trong thể tích nhỏ, nên pha được nồng độ thuốc chính xác, không ảnh hưởng lớn đến các yếu tố môi trường nước trong ao bể nuôi.

Nhưng khi sử dụng phải chú ý nồng độ thuốc, thời gian, nhiệt độ nước. Trong quá trình tắm nên theo dõi hoạt động của thủy sản để có hướng xử lý kịp thời vì thuốc dùng tắm cho thủy sản với nồng độ tương đối cao.

Phương pháp cho ăn:

Là phương pháp đem thuốc trộn vào trong thức ăn cho thủy sản ăn để trị các bệnh do vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc khi trộn Vitamin C, khoáng chất vào thức ăn cho ăn để bổ sung dinh dưỡng cho thủy sản nuôi.

Ưu điểm: Lượng thuốc sử dụng ít, ít nhiễm bẩn ao.

Nhược điểm: Phương pháp này thường kém hiệu quả đối với một số bệnh vì khi đối tượng nuôi bị bệnh khả năng hoạt động sẽ kém, do đó hoạt động bắt mồi thường kém đôi khi bỏ ăn nên kết quả điều trị thường không cao.

Khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gan mực, dầu thực vật bao bên ngoài viên thức ăn để hạn chế thuốc hóa chất bị mất đi do hòa tan trong môi trường nước nuôi đồng thời tạo mùi kích thích cá bắt mồi. Nếu có sử dụng thức ăn nấu thì phải để thức ăn nguội mới trộn thuốc, vitamin vào.

Phương pháp treo:

Là phương pháp cục bộ, đem thuốc bỏ trong bao vải tự chế hoặc bao lọc trà treo ở nơi cho ăn, hình thành một khu vực dung dịch thuốc, khi thủy sản nuôi tiến vào khu vực đó thì thân thể chúng sẽ có cơ hội được khử trùng, cách làm này có hiệu quả phòng bệnh nhất định. Nồng độ thuốc của phương pháp này không quá lớn, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi vì lượng và loại thuốc này dùng để dự phòng, thông thường sẽ không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo trong ao nuôi.

Phương pháp tiêm:

Áp dụng đối với các loại thủy sản có kích thước lớn, có giá trị cao, quý hiếm, có thể tiêm thuốc trực tiếp vào cơ thịt để tiến hành trị liệu, cách làm này có hiệu quả khá tốt đối với các bệnh bên trong cơ thể thủy sản nuôi.

Phương pháp bôi:

Sử dụng một số thuốc sẵn có mà con người thường dùng, bôi trực tiếp vào bộ phận bị bệnh trên cơ thể thủy sản, loại tình huống này nên xử lý riêng lẽ từng con.

Khi dùng thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản cần lưu ý: Hiện nay thuốc, hóa chất dùng phòng trị bệnh cho thủy sản vô cùng phong phú đa dạng cho nên khi sử dụng thuốc, hoá chất cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian và đúng cách nhằm để đạt được kết quả tốt nhất.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.