| Hotline: 0983.970.780

Cần có cách tiếp cận phù hợp để vừa bảo tồn, vừa phát triển được rừng

Thứ Sáu 12/08/2022 , 17:37 (GMT+7)

Chia sẻ với các Vườn quốc gia thuộc quản lý của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói phải có cách tiếp cận phù hợp để vừa bảo tồn, vừa phát triển được rừng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về cách tiếp cận phù hợp để phát triển bền vững các Vườn quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về cách tiếp cận phù hợp để phát triển bền vững các Vườn quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 12/8, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn quốc gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế: GIZ, WWF, USAID, IUCN, FFI... đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội các vườn quốc gia; một số đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và đại diện 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp và các Vườn quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung bộ.

Theo báo cáo, cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).

6 Vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các Vườn quốc gia trên toàn quốc, có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam; đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; đồng thời, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Với trọng tâm là đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tính đa dụng, đa giá trị của rừng, các đại biểu cho rằng, không chỉ 6 Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, mà đối với 167 khu rừng đặc dụng trên cả nước đều có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Theo đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã thì các Vườn quốc gia cần tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái. Tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các Vườn quốc gia.

Trên cơ sở đó tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng Vườn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, đặc trưng về văn hoá bản địa.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng việc cân bằng giữa bảo vệ, bảo tồn và phát triển các Vườn quốc gia cần phải cách tiếp cận phù hợp.

"Thay vì tư duy làm du lịch để kiếm tiền thì du lịch có thể là cách để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên của Việt Nam cho bạn bè thế giới. Đây có thể là cách tiếp cận tích cực, được ủng hộ và phù hợp trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ.

Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến, đóng góp về việc phát triển bền vững, vừa phát triển, vừa bảo tồn các Vườn quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến, đóng góp về việc phát triển bền vững, vừa phát triển, vừa bảo tồn các Vườn quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, với vấn đề hợp tác quốc tế, các đại biểu cho rằng cần huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Ngoài ra, các Vườn quốc gia cũng cần triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương.

Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hoá, kích thích tính năng động, sáng tạo của các Ban quản lý khu rừng đặc dụng. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.