| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm du lịch sinh thái của người Tà Lài

Thứ Sáu 12/08/2022 , 15:54 (GMT+7)

Người dân Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phát triển du lịch sinh thái, giúp cộng đồng cải thiện sinh kế, giảm sự phụ thuộc vào rừng một cách bền vững

Phát triển du lịch sinh thái để giữ rừng

Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch bền vững thân thiện với thiên nhiên, môi trường và các giá trị văn hoá bản địa, đòi hỏi tinh thần tôn trọng, bảo vệ hệ sinh thái của cộng đồng địa phương. 

Mặc dù đang phát triển nhanh chóng, du lịch sinh thái nói chung hay tại khu vực các vườn quốc gia nói riêng hiện nay vẫn cần được quy hoạch phù hợp cùng các giải pháp thiết thực để loại hình du lịch bổ ích này có thể thực sự đem lại giá trị bền vững.

Người dân ở Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Thuận Lê

Người dân ở Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Thuận Lê

Người dân ở Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) chủ yếu là người đồng bào Mạ và S’tiêng từng sinh sống trong rừng Cát Tiên, sau này do công tác quy hoạch và bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, họ được chính quyền tổ chức di dời ra bìa rừng, lập buôn làng mới. Dù nhà nước đã hỗ trợ tái định cư, xây dựng nhà cửa, đường sá và hạ tầng thiết yếu khác nhưng với thói quen lâu năm, thời gian đầu sau di cư, người dân Tà Lài vẫn chủ yếu sống dựa vào tài nguyên rừng, bên cạnh một phần nhỏ ruộng vườn canh tác.

Về nơi tái định cư mới, những nhà dài truyền thống của đồng bào Mạ và S’tiêng cũng biến mất. Việc xây dựng nhà dài cho đồng bào Mạ và S’tiêng được tổ chức WWF phối hợp cùng Vườn quốc gia Cát Tiên thực hiện từ năm 2008 thông qua một dự án của Chương trình Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam.

Nhà dài hoạt động theo mô hình liên kết, huy động sự tham gia của cộng đồng người Mạ và S’tiêng tại chỗ để cung cấp các dịch vụ, hàng hóa mang bản sắc văn hóa bản địa cho khách du lịch. Nguồn thu của nhà dài được trích ra 30% để phục vụ trở lại cho cộng đồng, như hỗ trợ vốn không lấy lãi cho những hộ dân khó khăn vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; tài trợ học bổng cho con em người đồng bào đi học xa.

Ka Ngà, một cô gái người đồng bào Mạ lẽ ra đã ở nhà lấy chồng sinh con theo sự sắp xếp của gia đình sau khi tốt nghiệp cấp 3, là trường hợp đầu tiên được nhận hỗ trợ để đi học đại học. Sau khi tốt nghiệp, cô đã quay trở về làm việc và trở thành người trực tiếp quản lý nhà dài ở Tà Lài.

Làm du lịch để giữ rừng

Bàu Sấu - Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Thuận Lê

Bàu Sấu - Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Thuận Lê

Chị Ká Mùi – người đồng bào Mạ tại xã Tà Lài, cho biết: “Nhà mình có 5 người, bây giờ mình có nghề dệt thổ cẩm của ông bà truyền cho, dệt ra gửi qua nhà dài bày bán. Bình thường mỗi tháng cũng kiếm được từ 4 đến 5 triệu đồng, đời sống cũng ổn. Mong là bên Vườn quốc gia Cát Tiên tạo điều kiện nhận hàng để trưng bày và bán cho du khách giúp người thợ như mình có thêm thu nhập. Còn chồng mình giờ nhận vận chuyển đồ thuê cho khách tham quan, ngày đi ngày không nhưng hàng tháng cũng có thu nhập, cao hơn ngày xưa đi rừng nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho rằng “Hỗ trợ sinh kế đời sống người dân vùng đệm là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Vườn. Ở Tà Lài chúng tôi có mô hình du lịch sinh thái của nhà dài Tà Lài, đến nay mô hình này hoạt động khá hiệu quả tạo được việc làm cho người dân tham gia vận hành phục vụ khách tham quan, tạo được nguồn sinh kế trong tổ hợp tác của nhà dài này để cải thiện thu nhập của người dân. Chúng tôi cũng có những chương trình hợp tác với các địa phương để mở rộng thêm những mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở các vùng đệm của Vườn trong thời gian tới.” Hiện tại Cát Tiên cũng đang phối hợp với các dự án như Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để phát triển mô hình trồng nấm, vừa tạo thêm sinh kế và tạo thêm điểm nhấn cho các tuyến du lịch của vườn. 

Hướng đi hiệu quả, bền vững

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia đã và đang trở thành một nội dung được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ rừng và đa dạng sinh học vẫn được xác định là ưu tiên của ngành lâm nghiệp.

Ông Trần Quang Bảo – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho biết: “Hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ trình Chính phủ sửa đổi nghị định 156 hướng dẫn thi hành luật Lâm nghiệp, trong đó ban hành những quy định cụ thể về việc xây dựng các công trình du lịch sinh thái. Trong đó quy định rất rõ là đối với khu bảo vệ nghiêm ngặt thì chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn ít tác động đến rừng, với khu vực dịch vụ hành chính thì có thể xây dựng các công trình nghỉ dưỡng ở các khu đất trống để đảm bảo không tác động đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên tất cả các công trình này đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Với định hướng phát triển rõ ràng và dựa trên số liệu thực tế số lượng khách du lịch đến các vườn quốc gia khá ổn định, nhìn chung, du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia đang cho thấy kết quả khả quan bước đầu. Các kinh nghiệm từ việc tổ chức tour, tương tác và trải nghiệm của khách du lịch đối với du lịch sinh thái đã đem lại niềm tin cho cho các đơn vị thực thi là các VQG khi vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền quảng bá các nội dung quy định của pháp luật về lâm nghiệp trực tiếp với du khách, đồng thời vừa đem lại nguồn thu tái đầu tư vào công tác bảo vệ rừng, đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Một số vườn quốc gia đã đạt được nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, góp phần giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng và có cơ hội đầu tư cơ sở vật chất ngày một khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VBFC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hợp phần được WWF phối hợp với Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, thực hiện tại các vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học cao tại Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng và 3 Vườn quốc gia Cúc Phương, Vũ Quang, Cát Tiên. Một trong các hoạt động trọng tâm của hợp phần là hỗ trợ các ban quản lý rừng và cộng đồng thuộc vùng dự án phát triển du lịch sinh thái, giúp cộng đồng sinh sống xung quanh các vùng rừng cải thiện sinh kế, giảm sự phụ thuộc vào rừng một cách bền vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.

Bình luận mới nhất