Báo chí quốc tế và Việt Nam trong những ngày qua cũng đưa nhiều thông tin, hình ảnh về sông Mekong, đoạn làm biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan, có nhiều chỗ cạn trơ đáy. Như vậy, có thể nói sông Mekong đang cạn nước.
Sông Mekong cạn nước đang gây khó khăn lớn cho nhiều vùng nông thôn ở Đông bắc Thái Lan. Nhiều cánh đồng lúa ở nước này đang lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng và có thể chết trong ít ngày tới nếu như không có mưa. Nhiều nông dân Thái Lan vốn sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Mekong, cũng rơi vào tình cảnh khó khăn vì nguồn lợi tôm, cá cũng cạn kiệt theo dòng nước cạn ...
Tới thời điểm này, việc sông Mekong cạn nước chưa ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Nhưng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới Đồng bằng sông Cửu Long nếu tình hình không sớm được cái thiện. Trước hết, do nước sông Mekong xuống quá thấp, nên dự báo năm nay lũ trên sông Cửu Long sẽ thấp, thậm chí gần như không có lũ. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy như nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi một khoản thu không nhỏ vì không thể nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong mùa lũ. Các cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không được vệ sinh bằng nước lũ, không được bồi đắp phù sa sau nhiều vụ sản xuất liên tục, do đó, chi phí sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ tăng lên.
Nhưng đáng lo ngại nhất là nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở nên gay gắt, khốc liệt, mà mức độ của hạn, mặn có thể không kém gì so với năm 2016. Tất nhiên, hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là do nhiều yếu tố, nhưng nếu lũ thấp, hay thậm chí có thể sẽ gần như không có lũ trên sông Cửu Long, cũng là nguyên nhân hàng đầu gây hạn hán, xâm nhập mặn ở mức căng thẳng.
Không khó để chỉ ra những nguyên nhân chính làm cho sông Mekong cạn nước. Đó là tình trạng mưa ít từ đầu năm đến nay, thời tiết khô nóng do hoạt động của EL Nino và dòng chảy yếu từ thượng nguồn do các đập thủy điện giảm lưu lượng xả.
Trong những yếu tố nói trên, những yếu tố thuộc về thiên nhiên như mưa ít, thời tiết khô nóng thì đành phải chấp nhận. Còn yếu tố thuộc về con người là xây cất tràn lan các đập thủy điện lớn nhỏ ở thượng nguồn dòng chính sông Mekong và các nhánh của nó, làm ảnh hưởng nặng nề tới dòng chảy của sông Mekong, thì hơn ai hết, với vị trí của một nước ở cuối nguồn, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải gồng mình gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ Mekong cạn nước.
Bởi vậy, bên cạnh việc phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt với các nước chung dòng sông Mekong cùng tuân thủ triệt để nguyên tắc chung về sử dụng nguồn nước một cách hợp lý và công bằng, chúng ta cùng cần sớm xây dựng ngay một kịch bản ứng phó với Mekong cạn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Có như vậy, mới không rơi vào tình trạng lúng túng, bị động mỗi khi Mekong thiếu nước, cạn nước. Mà tình trạng này có lẽ sẽ còn tiếp tục xảy ra một cách thường xuyên hơn, với một tần suất cao hơn, do những bất thường của thời tiết, khí hậu và hoạt động của con người ở thượng lưu.