Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Mới đây, tại Diễn đàn "Bảo hiểm nông nghiệp: Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" tổ chức tại Hà Nội, ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam đã phát biểu một số ý kiến đáng lưu ý.
Ông Tăng Minh Lộc |
Ông Tăng Minh Lộc cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là yếu tố quan trong thúc đấy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Về ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp, theo ông Tăng Minh Lộc sẽ giúp tất cả nông dân tham gia bảo hiểm đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, giúp sản xuất an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Vì có bảo hiểm nên người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạo, mở rộng quy mô sản xuất nên tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ được cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.
"Từ ý nghĩa đó, bảo hiểm nông nghiệp là cách tốt nhất đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa, là giải pháp quan trọng để nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa", ông Lộc khẳng định.
Ông Lộc thông tin, bảo hiểm nông nghiệp có hai đặc điểm: Thứ nhất, muốn làm nông nghiệp cần thay đổi tập quán sản xuất (cũ, lạc hậu) của nông dân (số đông). Đây là việc khó, lâu dài nên cách làm phải từ người nông dân đã và đang có nhu cầu sản xuất hàng hóa, là tấm gương lôi kéo số khác. Thứ hai, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, thiên tai như xâm nhập mặn, lở đất… tham gia chương trình là các công ty bảo hiểm nên sẽ gặp nhiều rủi ro bất khả kháng. Vì vậy, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ (như “vai” tái bảo hiểm)
Cũng theo ông Lộc, nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro và ngày càng rủi ro, liên quan đến nhiều sản phẩm, đến nhiều hộ nông dân nên khi đã có quy trình sản xuất, biểu phí nhưng không có giám sát sẽ rất khó thực hiện. Cần giáo dục ý thức của người dân. Cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với DN. Bảo hiểm nông nghiệp chưa chất lượng nên nhiều sự cố chưa được khắc phục. DN tham gia cần thường xuyên nghiên cứu để có biện pháp kịp thời. Các cơ quan nhà nc cần sâu sát lắng nghe thực tiễn, điều khiển kịp thời.
Giai đoạn 2011 - 2013, Chính phủ cho thí điểm BHNN (Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011). Bộ Tài chính chủ trì cùng 20 tỉnh tham gia, đưa ra 9 sản phẩm. Sau 3 năm làm thí điểm, đại đa số hộ chăn nuôi, làm lúa đã phấn khởi, tin tưởng. Nhiều tỉnh muốn mở rộng. Bên cạnh đó, cách xác định mức phí, phương pháp bồi thường với lúa, chăn nuôi, thực tế kiểm nghiệm là phù hợp và đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao, bảo hiểm thủy sản bị trục lợi nặng; thực hiện tái bảo hiểm còn lúng túng.
Từ thực tế trên, ông Lộc đề xuất cần tiếp tục mở rộng bảo hiểm với lúa, chăn nuôi (đã thành công). Bên cạnh đó, tiếp tục thí điểm với sản phẩm khác: Tập trung lựa chọn trước nhóm sản phẩm chủ lực (trong đó có tôm, cá basa). Ngoài Bảo Việt, Bảo Minh cần có thêm các cơ quan bảo hiểm thí điểm cho một số doanh nghiệp khác.
Về đối tượng mua bảo hiểm, theo ông Lộc nên hướng tập trung vào hộ, trang trại, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (có khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tham gia).
Về phía Nhà nước, ông Lộc cho rằng cần hoàn chỉnh thêm chính sách hỗ trợ BHNN: Đối với đối tượng mua BHNN cần hỗ trợ một phần tiền Bảo hiểm (chủ yếu với đối tượng nghèo, hộ thường, chủ trang trại mua lần đầu); Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm (tái bảo hiểm một phần) khi gặp rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời Quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong BHNN.