| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/12/2019 , 09:55 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:55 - 12/12/2019

Cần một cảm hứng cao hơn bóng đá

Huy chương Vàng cả bóng đá nam và nữ tại SEA Games 30 đã khiến hàng triệu trái tim người Việt Nam hào hứng và phấn khích.

Thủ tướng nói chiến thắng ở SEA Games 30 sẽ "truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển đất nước".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở tiệc chiêu đãi hai đội tuyển khi những chàng trai và cô gái của sân cỏ Việt Nam từ Phillippines trở về quê hương.

Chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng của bóng đá Việt Nam hôm nay. Bởi lẽ, chúng ta đã phải chờ đợi rất lâu để có được một thế hệ cầu thủ có đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á.

Dù ở SEA Games 30 có nhiều môn thi đấu khác nhau, nhưng bóng đá vẫn là loại hình thể thao được yêu mến nhất và được hy vọng nhất. Bóng đá tổng hòa khả năng cá nhân và ý chí tập thể. Qua mỗi trận cầu, luôn thấy được tinh thần và phong thái của mỗi xứ sở.

Thực tế đã chứng minh, với bóng đá, thì quốc gia giàu sang chưa hẳn đã vượt trội quốc gia khó khăn. Kinh tế Hoa Kỳ gấp trăm lần kinh tế Braxin, nhưng bóng đá Hoa Kỳ vẫn vô cùng khiêm tốn khi so với bóng đá Braxin. Bóng đá góp phần làm nên thương hiệu quốc gia, và bóng đá cũng gợi ý về sự phát triển của quốc gia.

Cảm hứng bóng đá không phải chấm dứt khi tiếng còi thông báo hết giờ thi đấu của trọng tài vang lên, nhưng cảm hứng bóng đá không thể thay thế mọi góc độ thịnh vượng cho một dân tộc. Từ cảm hứng bóng đá, cần nghĩ đến những cảm hứng cao hơn bóng đá, những cảm hứng thúc đẩy xã hội vươn lên và vươn xa.

Nhân loại tôn vinh bóng đá là thể thao vua, vì ở đó có sự đột phá cá nhân và sự gắn kết tập thể. Trên đời không có sự công bằng tuyệt đối, nhưng trong bóng đá thì sự công bằng được thực thi tương đối đầy đủ. Thể lực, kỹ thuật, chiến thuật lẫn bản lĩnh là những điều hiển lộ trọn vẹn qua bóng đá.

Không thể có sự ma giáo tinh ranh và không thể có sự lạm quyền khuất tất ở sân cỏ. Vì không ai chạy thay ai được, vì không ai tung cú sút thay ai được, vì cũng không ai giữ lưới thay ai được. Bất cứ cộng đồng nào có được giá trị ấy của bóng đá, thì chắc chắn được thừa nhận và hoan nghênh!

Cảm hứng bóng đá đã mang lại cho người Việt Nam những giây phút tuyệt vời. Tại sao từ cảm hứng bóng đá, chúng ta không bắt đầu kiến thiết những cảm hứng khác? Cảm hứng về trọng dụng người tài, cảm hứng về cạnh tranh lành mạnh, cảm hứng về khôi phục lòng tin… Và cao hơn nữa là cảm hứng về sáng tạo, cảm hứng về dân chủ, cảm hứng về tiến bộ, cảm hứng về tầm vóc Việt Nam!

Từ trong chật vật và thiếu thốn, chúng ta đã có được thành tích bóng đá đầy lạc quan. Chúng ta có quyền tin tưởng chúng ta có thể xuất khẩu những cầu thủ Việt Nam ra thế giới, thì chúng ta cũng có quyền mơ ước chúng ta sẽ xuất khẩu những phát minh của người Việt Nam ra thế giới. Chúng ta sẽ tự hào gấp bội, nếu quốc tế không chỉ hâm mộ bóng đá Việt Nam mà còn hâm mộ đất nước Việt Nam minh bạch và tử tế.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm