Việt Nam đã thực sự bước vào một đợt bùng phát Covid-19 đáng lo ngại. Ngày 10/5, Bộ Y tế phải có thêm một động thái là phát đi bản tin buổi trưa để cảnh báo số ca mắc bệnh tăng cao ở nhiều địa phương.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới - WHO cho rằng trong làn sóng lây nhiễm mới này đáng lo ngại với biến thể B.1.617 vì chứa một số đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm. Biến thể B.1.617 chống lại các kháng thể do vaccine tạo ra hoặc các kháng thể tự nhiên khiến những dấu hiệu ban đầu đã bị bỏ lỡ cho tới khi số ca tăng theo chiều thẳng đứng. Ở thời điểm này, rất khó để đối phó và ngăn chặn khi dịch bệnh liên quan đến hàng chục nghìn người và lây lan theo cấp số nhân.
Thường xuyên trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến cáo các địa phương: “Chưa bị thì chủ quan, lơ là mất cảnh giác, đến lúc bị thì lúng túng, mất bình tĩnh và áp dụng các biện pháp cực đoan, làm cho nhân dân hoang mang, kinh tế trì trệ. Phải rút kinh nghiệm từ những nơi xảy ra dịch bệnh. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên toàn quốc rất cao. Nếu cứ như hiện nay mà dịch bùng phát là chúng ta thất bại ngay”.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý một số nơi đang áp dụng biện pháp cực đoan như giãn cách xã hội trên diện rộng khi chưa cần thiết, làm đảo lộn đời sống bình thường của người dân trên địa bàn. Bởi lẽ, một khi giãn cách xã hội sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế cộng đồng. Chưa chuẩn bị đủ nguồn lực để hỗ trợ cho những đối tượng bị mất thu nhập, mà vội vàng giãn cách xã hội thì người nghèo sẽ bị đẩy vào bi kịch túng bấn.
Giới khoa học cũng đề nghị cân nhắc việc phong tỏa các bệnh viện, vì sẽ rất ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch. Lý do, bệnh viện là tuyến phòng chống dịch cuối cùng. Bệnh viện bị phong tỏa thì khi đại dịch xảy ra sẽ không còn nguồn lực chống lại được nữa. Nên rút ngắn thời gian phong tỏa, chỉ cần khử trừng đúng quy chuẩn và mở cửa lại bệnh viện vì có những bệnh lý còn nguy hiểm hơn cả Covid-19 như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, chấn thương...
Không ai phủ nhận giá trị của giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội có tác dụng giúp lực lượng chức năng đỡ vất vả hơn trong công tác truy vết, giảm nguy cơ mất dấu F0, đồng thời tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân. Thế nhưng, để giải bài toán hiệu quả kép, vừa ngăn chặn virus corona vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, không thể sốt ruột áp dụng các biện pháp cực đoan.