| Hotline: 0983.970.780

Cần sửa lại cho đúng tên một vị vua Chăm-pa

Thứ Sáu 25/03/2022 , 07:56 (GMT+7)

Sai sót xuất hiện trên tài liệu thành văn hiếm hoi được phát hiện ở khu vực, vô cùng có giá trị, hé mở nhiều thông tin quý báu về lịch sử Tây Nguyên.

Vị trí bia Tư Lương lúc mới được phát hiện, phần trên còn nổi rõ phần ký tự

Vị trí bia Tư Lương lúc mới được phát hiện, phần trên còn nổi rõ phần ký tự

Khoảng tháng 5/2010, tại một cánh đồng của thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai), người dân phát hiện có một tảng đá nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, có khắc nhiều ký tự lạ.

Thời điểm đó, người dân nghĩ rằng đây là điểm đánh dấu một kho tàng nên đã cất công đào bới, tìm kiếm. Câu chuyện được đồn thổi khắp nơi khiến nhiều người tưởng thật đã mang máy móc đến khu vực tảng đá để đào bới tìm kho báu.

Sự việc khiến tảng đá có nguy cơ bị hư hại, đổ vỡ nên Phòng Văn hóa thông tin huyện Đak Pơ sau khi nhận được tin đã tiến hành xây dựng mái che và hàng rào xung quanh để tránh bia đá bị phong hóa, hư hỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển du lịch của địa phương.

Gần 10 năm sau, bia Tư Lương được giáo sư Arlo Griffiths - Viện Viễn đông bác cổ giải mã. Ngày 4/10/2019, bản dịch bia ký Tư Lương được công bố chính thức, các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về sự kiện đặc biệt này.

Trên bảng giới thiệu do Phòng Văn hóa thông tin huyện Đak Pơ đặt tại vị trí tường nhà che bia Tư Lương có nội dung: Chủ nhân bia là người Chăm. Năm lập bia 1438 (tức năm 1360 - niên đại Saka, dưới thời vua YURA Bhadravarman De va).

Nhà nghiên cứu lịch sử Chăm-pa Ngô Xuân Hiền bên bia Tư Lương.

Nhà nghiên cứu lịch sử Chăm-pa Ngô Xuân Hiền bên bia Tư Lương.

Theo ông Ngô Xuân Hiền - nhà nghiên cứu lịch sử Chăm-pa, để tìm hiểu về vị vua này, chúng ta trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Thời kỳ này, nhà Trần đang suy thoái, Chăm-pa dưới thời Chế Bồng Nga (Che Bonguar, Po Binasuor) đang hưng thịnh. Giữa Chăm-pa và Đại Việt xảy ra chiến tranh liên miên, Chế Bồng Nga nhiều lần tấn công Đại Việt, thậm chí đã từng cho quân vào tận kinh thành Thăng Long đốt phá khiến vua tôi nhà Trần phải 3 lần rời bỏ kinh thành đi lánh nạn.

Năm 1390, Chế Bồng Nga tiến quân ra Hoàng Giang (Ninh Bình). Quân Trần do thượng tướng Trần Khát Chân chỉ huy thấy thế bất lợi nên lui quân về mai phục ở sông Hải Triều. Chế Bồng Nga tính đánh chiếm Hải Triều, rồi tiến thẳng lên kinh thành Thăng Long.

Tuy nhiên, lúc này trong hàng ngũ quân Chăm-pa có tên Ba Lậu Kê trốn sang hàng Đại Việt. Ba Lậu Kê đã chỉ cho Trần Khát Chân vị trí thuyền của Chế Bồng Nga. Ngay lập tức, Thượng tướng Trần Khát Chân cho tập trung hỏa pháo bắn vào vị trí thuyền mà Ba Lậu Kê chỉ khiến Chế Bồng Nga tử trận, quân Chăm-pa tan vỡ. Tướng chỉ huy quân Chăm-pa là La Khải (La Ngai) đã hỏa táng xác Chế Bồng Nga rồi thu quân về.

Sau khi về kinh thành Vijaja (Đồ Bàn), La Khải tự xưng làm vua. La Khải chính là Jaya Siṃhavarman. Năm 1400, La Khải mất, con là VIRA Bhadravarmadeva lên ngôi. Vua VIRA Bhadravarmadeva tên tấn phong là Indravarman (V), sử Việt gọi là Ba Đích Lại. Vua Ba Đích Lại trị vì trong thời gian khá dài, từ năm 1401 đến năm 1441. Năm 1402, sau thất bại nặng nề trong cuộc chiến với nhà Hồ, vua Ba Đích Lại dâng các châu Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (bắc Quảng Ngãi) cho nhà Hồ để cầu hòa. Ranh giới nước Việt mở rộng đến sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). 

Cũng theo ông Ngô Xuân Hiền, ngoài bia Tư Lương, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 1 bia ký Chăm cổ là bia Drang Lai (mang mã số C:43), được phát hiện tại khu vực thị xã Ayun Pa hiện nay. Bia Drang Lai cùng bia Tư Lương là 2 tài liệu thành văn hiếm hoi được phát hiện ở khu vực Gia Lai, vô cùng có giá trị, hé mở nhiều thông tin quý báu về lịch sử khu vực Tây Nguyên.

Bia Drang Lai được lập năm 1357 Saka (năm 1435 Tây lịch), cùng thời với bia Tư Lương (cách nhau chỉ 3 năm), cũng chính do giáo sư Arlo Griffiths dịch. Theo bản dịch của Arlo Griffiths thì vị vua này cũng là VIRA Bhadravarmadeva. "Như vậy, tên vua trị vì Chăm-pa giai đoạn này là VIRA Bhadravarmadeva, nhưng bảng giới thiệu đặt tại nhà che bia Tư Lương ghi tên vua là YURA Bhadravarman De va! Vậy đâu là tên đúng?", ông Ngô Xuân Hiền đặt câu hỏi.

Để giải quyết thắc mắc này, ông Ngô Xuân Hiền đã viết email gửi cho giáo sư Arlo Griffiths để hỏi. Sau đó, đích thân Giáo sư Griffiths đã viết email hồi đáp, trong thư này, giáo sư đã khẳng định tên đúng theo bia ký Tư Lương là vua VIRA Bhadravarmadeva. Việc ghi tên vị vua này thành YURA Bhadravarman De va là do sai sót của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đak Pơ. Như vậy, tên vị vua trên bảng giới thiệu là không chính xác. Chính vì vậy mà hầu hết các phương tiện truyền thông đều đưa tin sai về tên vị này là YURA Bhadravarman De va.

Cũng theo ông Ngô Xuân Hiền, một điều cần phải lưu ý là trong cách đặt tên của các vị vua Chăm-pa cổ thường kết hợp giữa 2 thành phần: Vua - Thần. Thành phần thứ nhất là tên vua và thành phần thứ hai là thần (tiếng Phạn dùng hậu tố varman hoặc deva để chỉ thần). Trong tiếng Phạn (Sanskrit), khi một từ kết thúc với vần “an” kết hợp với một từ tiếp theo thì chữ “n” trong vần “an” biến mất. Vì vậy, tên của vị vua này có thể viết theo 2 cách là VIRA Bhadravarman hoặc VIRA Bhadravarmadeva. Nếu viết tên đầy đủ cả danh xưng thì tên vua là Sri Vrsu Visnujati VIRA Bhadravarmadeva.

"Cách viết tên vị vua này của huyện Đak Pơ là Yura Bhadravarman De va có quá nhiều sai sót. Sai sót tên từ VIRA thành YURA thì đã quá rõ. Sai sót cơ bản nữa là hậu tố Deva (thần) viết rời thành De va không có ý nghĩa gì cả. Và trong cách kết hợp từ giữa tiền tố Bhadravarman với hậu tố Deva thì chữ “n” cuối cùng trong tiền tố biến mất, chỉ còn lại là Bhadravarmadeva, chứ không thể là Bhadravarman De va", ông Ngô Xuân Hiền phân tích.

Các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Gia Lai cần xem xét để sửa lại tên vị vua này trên bảng giới thiệu tại nhà che bia Tư Lương cho chính xác. Đây cũng là một cách để chúng ta thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử.

Nhà nghiên cứu lịch sử Chăm-pa Ngô Xuân Hiền

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Jannik Sinner vô địch ATP Finals, vững ngôi số 1 thế giới

Tay vợt người Italia đã có chiến thắng thuyết phục trong trận chung kết ATP Finals của quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.