| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Bến Ninh Kiều ngập sâu, dù có 2 trạm bơm hoạt động

Thứ Tư 23/10/2024 , 15:45 (GMT+7)

Ngành chức năng TP Cần Thơ lý giải nguyên nhân nhiều tuyến đường quanh bến Ninh Kiều ngập sâu, khi triều cường kết hợp mưa lớn, dù đã vận hành hệ thống bơm.

Nước từ sông Hậu dâng cao vượt qua khỏi khu vực kè bảo vệ ở bến Ninh Kiều, tràn vào nội ô TP Cần Thơ. Ảnh: MT.

Nước từ sông Hậu dâng cao vượt qua khỏi khu vực kè bảo vệ ở bến Ninh Kiều, tràn vào nội ô TP Cần Thơ. Ảnh: MT.

Các bản tin cảnh báo ngập lụt của Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ cho thấy, từ ngày 16 – 20/10, mức nước đỉnh triều cao nhất xuất hiện trên sông Hậu tại trạm thủy văn Cần Thơ đều vượt báo động III từ 0,01m – 0,20m.

Triều cường kết hợp với mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt nặng trên một số tuyến đường nội ô TP Cần Thơ. Đặc biệt, tại khu vực bến Ninh Kiều, nước từ sông Hậu dâng cao tràn qua khỏi bờ kè, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP Cần Thơ (Ban Quản lý dự án ODA) cho biết, tại khu vực bến Ninh Kiều, hiện chưa được đầu tư kè, vị trí mặt đường thấp hơn mực nước, khi triều cường vượt báo động 3, khiến nước tràn vào nội ô.

Từ tháng 7/2024, Ban Quản lý dự án ODA đã vận hành 2 hệ thống trạm bơm Châu Văn Liêm (có 4 máy bơm) và Ninh Kiều (có 3 máy bơm). Trong trường hợp khẩn cấp nước dâng cao, 7 máy bơm được “kích hoạt” để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho khu vực bến Ninh Kiều.

Hệ thống trạm bơm Châu Văn Liêm đặt tại bến Ninh Kiều phải chuyển sang chế độ hoạt động 'cưỡng bức' trong những ngày triều cường vượt báo động III, để giảm ngập lut. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống trạm bơm Châu Văn Liêm đặt tại bến Ninh Kiều phải chuyển sang chế độ hoạt động "cưỡng bức" trong những ngày triều cường vượt báo động III, để giảm ngập lut. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Tho, trường hợp mực nước triều cường dưới báo động II (dưới 2m) hệ thống vẫn đảm bảo điều tiết tốt. Tuy nhiên, thời điểm mực nước vượt báo động III (trên 2m), hệ thống bơm không kịp, dẫn đến ngập cục bộ.

Để hạn chế và rút ngắn thời gian ngập (từ 45 phút xuống còn 20 phút), Ban Quản lý dự án ODA đã thực hiện bơm “cưỡng bức”, thay vì để hệ thống trạm bơm hoạt động ở chế độ tự động.

Vừa qua, UBND quận Ninh Kiều cũng đã có đề xuất với UBND TP Cần Thơ triển khai xây dựng kè để ngăn nước từ sông Hậu tràn vào bến Ninh Kiều khi mực nước triều cường vượt báo động III.

Về lâu dài, lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA cho rằng, quận Ninh Kiều cần có phương án hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cống thoát nước.

Bởi hiện nay, hệ thống cống thoát nước ở bến Ninh Kiều chưa đảm bảo. Phía bờ sông Hậu vẫn còn một số miệng cống hiện hữu chưa có van một chiều, dẫn đến cống không được đóng kín.

Trường hợp khẩn cấp nước dâng cao, các máy bơm được 'kích hoạt' để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho khu vực bến Ninh Kiều. Ảnh: Kim Anh.

Trường hợp khẩn cấp nước dâng cao, các máy bơm được “kích hoạt” để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho khu vực bến Ninh Kiều. Ảnh: Kim Anh.

“Hệ thống cống đã đầu tư rất lâu, nhiều năm chưa được cải tạo. Trong đó có nhiều cống không có nắp, miệng hố thu bị lá cây lấp hoặc người dân dùng bạt đậy hố lại để tránh mùi hôi, khiến nước mưa không thể rút xuống, tức thời bơm thoát nước không kịp”, ông Tho lý giải.

Kết quả khảo sát hiện trạng cửa van một chiều, phạm vi từ Âu thuyền Cái Khế đến rạch Cái Sơn - Mương Khai, trung tâm quận Ninh Kiều do Ban Quản lý dự án ODA thực hiện vào ngày 25/9 cho thấy, toàn tuyến hiện có khoảng 18 cống không có nắp cửa van hoặc cửa van không kín do vướng rác.

Được biết, năm 2022, Ban Quản lý dự án ODA làm chủ đầu tư dự án cải tạo hệ thống cống thoát nước cho 32 tuyến đường, kết hợp xây dựng 2 hệ thống trạm bơm cục bộ Châu Văn Liêm và Ninh Kiều (tổng công suất 3,5m3/s).

Dự án có tổng kinh phí khoảng 313 tỷ đồng, trong đó thành phố dành khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng 2 hệ thống trạm bơm, góp phần chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.

Xem thêm
Tỉnh Thái Bình sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã thành 10 đơn vị

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Thái Bình sẽ sắp xếp, sáp nhập 28 đơn vị hành chính cấp xã về còn 10 đơn vị theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khoa học công nghệ đóng góp trên 35% vào thành công của nông nghiệp Việt Nam

HÀ NỘI Sáng 22/10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với CSIRO (Úc) tổ chức hội thảo về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất