Ông Phùng Hà-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, riêng năm 2022 dù kinh tế khó khăn nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển rực rỡ, xuất khẩu hơn 53 tỉ USD, có 8 mặt hàng đạt hơn 2 tỉ USD trong đó có 4 mặt hàng liên quan đến trồng trọt. Để có được kết quả đó, ngành phân bón đóng góp rất quan trọng. Thường thì chi phí cho phân bón chiếm dao động 30-50%, thậm chí 60% chi phí trồng trọt. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành phân bón Việt Nam, năm 2022 đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn, đạt hơn 1 tỉ USD.
Lượng phân bón của Việt Nam dùng mỗi năm từ 10,5-11 triệu tấn, trong đó tự sản xuất được 6,5-7 triệu tấn. Cái thiếu nhất của ngành phân bón là dùng nhiều phân vô cơ trong đó phân hữu cơ lại ít (năm 2022 sản xuất được có 2,4 triệu tấn mà mục tiêu năm 2030 sản xuất phải đạt 100 triệu tấn).
Riêng về Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, việc ra mắt 6 sản phẩm mới lần này (gồm 2 nhóm sản phẩm là NPK-S vi sinh Lâm Thao và hữu cơ khoáng vi sinh) được tôi đánh giá cao bởi là đơn vị hiếm của ngành trong 3 năm cho ra đời 3 loại sản phẩm khác nhau, năm 2021 ra NPK hàm lượng cao, hữu cơ khoáng, năm 2022 ra lân vi sinh và năm nay NPK vi sinh và hữu cơ khoáng. Chiến lược của Lâm Thao tôi nghĩ rất phù hợp.
Nhiều người còn nhớ tháng 5 năm 2022 nền kinh tế của Sri Lanka sụp đổ vì Tổng thống nói theo kiểu dân dã là “máu” hữu cơ quá nên cấm phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi toàn quốc để chuyển sang nông nghiệp hữu cơ. Giờ Sri Lanka đang phải "chạy chữa" bằng cách cho dùng lại phân bón vô cơ.
Chúng ta không thể tuyệt đối hóa hữu cơ được. Bởi thế chiến lược của Lâm Thao là đi những bước vừa phải, kết hợp cả vô cơ với vi sinh, hữu cơ. Năm ngoái Báo Nông nghiệp Việt Nam đã viết bài, so sánh chuyện cho vi sinh vào phân bón vô cơ như cho nước vào với lửa. Để làm được điều này, tôi xin được chúc mừng Công ty CP Công nghệ sinh học Biowish Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Đây là biểu tượng về sự hợp tác giữa các đơn vị trong Hiệp hội. Thứ nữa là sự hợp tác của Lâm Thao với các nhà khoa học mà cụ thể như Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Hội Khoa học đất Việt Nam và nhiều đơn vị khác…
Thực ra, để xuất bán những loại phân bón mới này trước đó phải tiến hành khảo nghiệm, tôi không biết rõ là bao nhiêu tiền nhưng chắc cũng tốn 1-2 tỉ trong 2 năm. Sản xuất đã quan trọng nhưng hậu mãi cũng quan trọng không kém, làm sao để cho nông dân thấy phân bón hóa học chứa vi sinh có giá trị thực sự. Bởi thế phải giải quyết những yếu tố học thuật liên quan đến nó.
Có lần tôi đã nói với anh Lê Văn Hải-Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Biowish Việt Nam người ta cứ hỏi rằng vi sinh sống trên nền phân bón hóa học được bao nhiêu lâu mà tôi không trả lời được. Ngoài việc giúp cây trồng tăng năng suất, cải tạo đất thì cũng phải giải thích, chứng minh với người ta được rằng vi sinh sống trong nền phân hóa học được 9 tháng, 12 tháng hay bao lâu trong những điều kiện nào”.