Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Hệ thống thông báo An toàn thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi thông báo cho biết, sản phẩm lá mướp đắng xay, đông lạnh của Công ty TNHH An Vạn Thịnh (Địa chỉ: 60 Lý Thường Kiệt, Phường 1, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị phát hiện vi phạm mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của nhiều hoạt chất và chất cấm.
Trong đó, một số hoạt chất có mức tồn dư cao như: Thiamethoxam (54 mg/kg); Tebuconazole (26 mg/kg); Propiconazole (34 mg/kg); Diniconazole (86 mg/kg).
Quốc gia ra thông báo này là Hà Lan đã thông báo cho người nhận hàng, và Phần Lan là nước đã tiến hành thu hồi sản phẩm.
Ngoài sản phẩm lá mướp đắng xay, đông lạnh, Việt Nam còn bị cảnh báo ở mặt hàng trà ướp xuất khẩu qua Hồng Kông. Sản phẩm này có 3 chất cấm, dư lượng thuốc trừ sâu vượt quy định của EU gồm: Chlorfluazuron (0,11 mg/kg); Imidacloprid (0,15 mg/kg) và Chlorpyrifos (0,043 mg/kg).
Với chức năng là cơ quan đầu mối minh bạch thông tin về các biện pháp, quy định SPS tới thành viên WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã thông báo vấn đề này tới Cục Bảo vệ thực vật cùng các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các cơ quan theo chức năng, theo nhiệm vụ được giao chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu những nhà sản xuất có sản phẩm bị nêu rà soát các khâu trong chuỗi quản lý để xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp xác định xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường EU, doanh nghiệp trong nước phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu, tuân thủ, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo thời gian thu hoạch, các công đoạn chế biến theo đúng khuyến cáo của cơ quan quản lý.
Việc doanh nghiệp vi phạm quy định của EU sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tháo gỡ tần suất kiểm tra sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam vào EU, vì một doanh nghiệp bị vi phạm sẽ ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng đó sang EU”.
Trong trường hợp sản phẩm có nguy cơ nhiễm hoặc vượt mức dư lượng, ông Nam khuyến nghị doanh nghiệp phải lập tức rà soát, kiểm tra một cách kỹ càng. Bên cạnh đó, việc thu mua sản phẩm từ nông dân, thương lái cũng cần được ghi chép, theo dõi sát sao quy trình canh tác đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.
Hai sản phẩm mướp đắng nằm trong số 7 cảnh báo về sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà các thành viên EU gửi Văn phòng SPS Việt Nam, tính từ hôm 1/6.
Ngoài ra, vào ngày 8/7, Na Uy còn gửi thông báo về sản phẩm cá tra phi lê của một công ty tại TP.HCM do chứa chất cấm leucomalachite green, malachite green.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Cao ủy Nông nghiệp EU nhằm thúc đẩy hợp tác, giao thương nông sản giữa hai bên. Tại buổi làm việc, phía bạn đánh giá cao Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định SPS thuộc khuôn khổ EVFTA, thể hiện qua việc lập danh sách các cơ sở trong chuỗi sản xuất và thực thi nguyên tắc phân vùng nguyên liệu.
Cao ủy Nông nghiệp cũng nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến SPS là yếu tố quan trọng bậc nhất để đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai bên.