| Hotline: 0983.970.780

Rào cản kỹ thuật hạn chế lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam

Thứ Sáu 03/11/2017 , 08:40 (GMT+7)

XK nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật được dựng lên ở các nước NK như kiểm dịch thực vật, chất lượng, nhất là dư lượng tối đa (MRL).

Ngày 2/11, tại TP.HCM, Cục BVTV và CropLife đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực XK nông sản Việt Nam” để bàn cách vượt rào kỹ thuật cho nông sản Việt Nam.

16-28-32_xk_nong_sn_ro_cn_ky_thut
Thu hoạch thanh long

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, xuất khẩu nông sản có đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam.

Trong 5 năm qua, XK hàng nông sản đạt mức tăng trung bình 2,4%/năm. Năm 2016, có 6 mặt hàng nông sản chủ lực đạt kim ngạch XK từ trên 1 tỷ USD trở lên như cà phê, điều, rau quả, gạo, cao su và hồ tiêu. Tuy nhiên, XK nông sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Mà một trong số đó là việc các nước NK ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật (KDTV), ATTP và chất lượng.

TS Lê Sơn Hà, Trưởng phòng KDTV (Cục BVTV), nêu ra những khó khăn lớn mà hàng rào kỹ thuật từ các nước NK gây ra đối với nông sản Việt Nam. Như trong quy định về KDTV, các nước quy định yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại (tùy từng quốc gia và từng mặt hàng, thời gian có thể kéo dài hơn 10 năm), thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý KDTV và yêu cầu xử lý KDTV (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng…) đối với từng lô hàng XK.

Đặc biệt, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu cử chuyên gia sang giám sát xử lý từng lô hàng XK. Các yêu cầu này là rào cản khó khăn do kéo dài thời gian để đàm phán thống nhất biện pháp KDTV, vừa làm tăng giá thành XK nông sản do phải chi phí cho việc xử lý KDTV và đón chuyên gia KDTV của nước NK sang kiểm tra.

Trong những rào cản kỹ thuật, MRL đang là một trong những nỗi lo lắng lớn nhất đối với các nhà XK nông sản Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. TS Jason Sandahl (Cục Nông nghiệp nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Mỹ), cho rằng, MRL đang là cơn ác mộng của người nông dân và nhà XK nông sản. Theo TS Trần Thanh Tùng, GĐ Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, đã có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường Mỹ, EU về dư lượng thuốc BVTV như gạo, thanh long, xoài, hồ tiêu, chè, rau…

Để giảm nguy cơ dư lượng thuốc BVTV trong nông sản XK, TS Trần Thanh Tùng cho rằng chúng ta cần nắm vững yêu cầu của nước NK về MRL (theo hoạt chất thuốc, theo loại nông sản); danh mục thuốc được phép sử dụng tại nước NK. Trong quá trình sản xuất, nông dân và DN cần nắm vững dịch hại chính trên cây trồng và biện pháp phòng trừ hợp lý; nắm được danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, qua đó chọn loại thuốc thích hợp có hiệu lực tốt, thời gian cách ly ngắn, đã có MRL tại nước NK; khi sử dụng thuốc BVTV cần thực hiện theo tiêu chuẩn GAP…

Bên cạnh đó, theo TS Kanungo, Chủ tịch Hội đồng MRLs và Tiêu chuẩn ATTP (Bộ Y tế Ấn Độ), các nước XK nông sản cũng cần đấu tranh với các nước NK về những quy định MRL chưa hợp lý. Ấn Độ đã có nhiều bài học thành công trong việc này. Năm 2011, gạo Basmati của Ấn Độ bị Mỹ ngưng NK với lý do dư lượng Tricyclazole trong gạo vượt mức dư lượng NK (IT) mặc định. Trước tình hình đó, Ấn Độ đã phê duyệt GAP trong sản xuất lúa với dư lượng cho phép là 3ppm trong gạo, đồng thời đàm phán đề nghị Mỹ chấp nhận mức dư lượng này. Cuối cùng, phía Mỹ đã đồng ý và nâng IT với gạo Basmati lên 3ppm. Hiện Ấn Độ đang đấu tranh với EU về MRL của hoạt chất Chlormequat chloride trên nho, Tricyclazole trên gạo Basmati…

Còn theo TS Jason Sandahl, các chính phủ cần hài hòa các hệ thống thuốc BVTV. Những luồng XK chính là động lực dẫn đến nhu cầu cần hài hòa mức dư lượng. Việc hài hòa các hệ thống quốc gia trong khu vực (vi dụ Cộng đồng các quốc gia Đông Phi đang cố gắng hòa hợp các hệ thống đăng ký) sẽ khuyến khích các công ty thuốc BVTV đăng ký sản phẩm mới, thiết lập các MRL mới; giúp nông dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới (thường là những sản phẩm ít rủi ro hơn) và bổ sung nhiều công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng; giảm các trường hợp vi phạm MRL trên thị trường XK; giảm số lượng thử nghiệm và thời gian thực hiện.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.