| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng vàng nơi ngoại thành Rạch Giá

Thứ Hai 14/03/2022 , 07:05 (GMT+7)

KIÊN GIANG Cánh đồng lúa vàng bên con đường nội đồng cứng hóa. Cống bơm tưới kiên cố. Lúa sạ thưa canh tác theo quy trình '3 giảm, 3 tăng', '1 phải, 5 giảm'…

Đó là dấu ấn của Dự án VnSAT trên cánh đồng ngoại thành TP Rạch Giá (Kiên Giang).

Bước tiến ở xã duy nhất của TP Rạch Giá

Phi Thông là xã ngoại thành duy nhất của TP Rạch Giá (Kiên Giang). Do toàn Thành phố chỉ có 1 xã nên Rạch Giá đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ rất sớm. Xã nông thôn mới Phi Thông với 2 trục đường chính cặp theo sông xáng Rạch Giá – Tân Hội, bên nhựa hóa, bên bê tông hóa, giao thông thông thoáng, giao thương thuận tiện. Sau những dãy nhà nửa phố nửa quê là những cánh đồng lúa nặng bông trĩu hạt…

Ông Nguyễn Thanh Hùng (bên trái), Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Thông ra sau nhà thăm lúa trên cánh đồng Dự VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (bên trái), Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Thông ra sau nhà thăm lúa trên cánh đồng Dự VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

Tại HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I (ấp Sóc Cung, xã Phi Thông), cánh đồng lúa đông xuân 2021 - 2022 đã ngậm sữa, cúi đầu ngả màu vàng. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc HTX cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Thông chậm rãi lội ra sau nhà thăm cánh đồng lúa đang chuẩn bị chín. Đứng trên bờ một lúc, hai ông lội xuống ruộng nhổ cả bụi lúa với bông dài thượt lên xem, rồi cùng nhau trầm trồ: “Bông lúa này dài cả gang, phải hơn 200 hạt chắc nịch, trúng đấy”.

Gia đình ông Hùng có 9 ha đất nằm trong cánh đồng lúa 275ha vùng đê bao của HTX Nông nghiệp Đoàn kết I, canh tác 3 vụ lúa/năm an toàn, hiệu quả. Vụ lúa đông xuân năm nay, ông Hùng cũng như nhiều xã viên ở đây chọn giống lúa ST25 để canh tác, lúa trúng mùa và đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nên khá yên tâm.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn kết I, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, HTX được thành lập từ năm 2012, với 45 xã viên, diện tích canh tác 275ha, sau đó diện tích đã được mở rộng lên 500ha, làm lúa 2 - 3 vụ/năm, ngoài ra một số xã viên còn trồng thêm rau màu, chăn nuôi…

TP Rạch Giá là địa phương được bổ sung tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) muộn so với các huyện khác trong tỉnh Kiên Giang nên đầu tư không nhiều. Dấu ấn của Dự án VnSAT tại ấp Sóc Cung chính là con đường bê tông nội đồng dài hơn 5,8km, mặt đường rộng 3m. Toàn tuyến còn có 3 cây cầu, kết hợp cống bơm tưới, tiêu thoát nước…

Ruộng lúa ST25 trên cánh đồng Dự án VnSAT tại HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I cho bông dài cả gang. Ảnh: Trọng Linh.

Ruộng lúa ST25 trên cánh đồng Dự án VnSAT tại HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I cho bông dài cả gang. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I thì “con đường này không chỉ giúp cho việc vận chuyển vật tư canh tác, chuyển lúa hàng hóa thuận lợi hơn, mà còn giúp cứng hóa phần mặt đê, giúp bảo vệ sản xuất lúa an toàn, hiệu quả”.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân chỉ là một phần của Dự án VnSAT. Trọng tâm chính của Dự án là đào tạo, tập huấn, thay đổi tập quán cách tác của nông dân. Dù tham gia sau, nhưng các xã viên HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I và một số nông dân trong ấp Sóc Cung đã trải qua 6 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Ai cũng thành thục áp dụng trên đồng ruộng của mình.

Xã viên Nguyễn Bá Tòng, có 1,3ha lúa nằm trong vùng Dự án VnSAT phấn khởi cho biết: Từ năm 2018 cho đến nay, HTX được cán bộ kỹ thuật về tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, ông đều tham gia hết. Nhờ đó, nhiều vụ lúa qua ông đã áp dụng sạ thưa, không chỉ giảm được lúa giống mà còn giảm nhiều chi phí khác, hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Nằm trong vùng Dự án VnSAT, vụ đông xuân 2021 - 2022, trên diện tích 500 ha của HTX Nông nghiệp Đoàn kết I chủ yếu gieo sạ các giống lúa Đài Thơm 8, RVT và ST25. Ảnh: Trung Chánh.

Nằm trong vùng Dự án VnSAT, vụ đông xuân 2021 - 2022, trên diện tích 500 ha của HTX Nông nghiệp Đoàn kết I chủ yếu gieo sạ các giống lúa Đài Thơm 8, RVT và ST25. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Tòng cho biết trước đây, mỗi công ruộng (1.000m2) nông dân sử dụng từ 20 - 24kg lúa giống để gieo sạ. Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân đã biết quan tâm đến chất lượng lúa giống, lúa đạt chuẩn thì chỉ cần sạ từ 10 - 12 kg/công là đủ.

Sạ thưa không chỉ giúp nhẹ phân bón, mà sâu bệnh cũng giảm, nhẹ được cả công chăm sóc. Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 thời tiết không thuận lợi, xuất hiện mưa trái mùa nhiều, nắng lại gay gắt nên dịch bệnh gia tăng. “Đáng ngại nhất là dịch muỗi hành và rầy cánh trắng xuất hiện nhiều, khả năng làm giảm từ 10 - 20% năng suất. Nhờ tham gia Dự án VnSAT, sạ thưa nên rất ít sâu bệnh, chứ sạ dày như ngày xưa chắc mất ăn”, anh Tòng nói.

Nhớ lại thời nông dân còn tự để lúa giống từ ruộng nhà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn kết I, ông Nguyễn Thanh Hùng bảo: “Cứ đếm đầu công (công tầm cắt gần 1.300m2) mà tính, mỗi công quẳng xuống ao ngâm một bao lúa giống. Chỉ chuyển lúa giống ra ruộng sạ thôi đã đủ mệt. Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân đã giảm lúa giống khá nhiều, giờ chỉ còn 80 - 100 kg/ha. Sạ thưa không chỉ giảm lúa giống mà nhiều cái lợi lắm”.

VnSat giúp củng cố, phát triển kinh tế tập thể

Ông Trần Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Phi Thông cho biết, triển khai Dự án VnSAT, xã Phi Thông có 2 tổ chức nông dân được lựa chọn tham gia. Cụ thể gồm HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I (ấp Sóc Cung) và HTX Nông nghiệp Phi Hưng (ấp Tà Tây). Đến nay, có 544 hộ nông dân đã được tập huấn, tham gia hưởng lợi từ Dự án, với diện tích canh tác 1.000ha.

Dấu ấn của Dự án VnSAT tại ấp Sóc Cung chính là con đường bê tông nội đồng dài hơn 5,8km, mặt đường rộng 3m, toàn tuyến còn có 3 cây cầu, kết hợp cống bơm tưới, tiêu thoát nước. Ảnh: Trọng Linh.

Dấu ấn của Dự án VnSAT tại ấp Sóc Cung chính là con đường bê tông nội đồng dài hơn 5,8km, mặt đường rộng 3m, toàn tuyến còn có 3 cây cầu, kết hợp cống bơm tưới, tiêu thoát nước. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Sang, năm 2022, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, tăng diện tích bơm tát tập thể, phấn đấu đến cuối năm 2022 diện tích sản xuất lúa bơm tát tập thể đạt 3.100ha. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến Dự án VnSAT triển khai trên địa bàn. Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện, kêu gọi các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo hướng ổn định lâu dài. Phấn đấu năm 2022, xã sản xuất sản lượng lương thực đạt 52.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 63,6 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND xã Phi Thông, ông Trần thanh Sang đánh giá, Dự án VnSAT đã góp phần cũng cố, phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, tạo mối liên kết phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định lâu dài. Hiện nay, xã Phi Thông có 4 HTX nông nghiệp và 15 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX ngày càng được củng cố, lĩnh vực dịch vụ hoạt động ngày càng phát triển, mở rộng, nhất là khâu tổ chức bơm tát tập thể.

Nhờ được đầu tư đường bê tông từ Dự án VnSAT tại ấp Sóc Cung, nông dân đã thuận tiện hơn cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư, lúa gạo... Ảnh: Trọng Linh.

Nhờ được đầu tư đường bê tông từ Dự án VnSAT tại ấp Sóc Cung, nông dân đã thuận tiện hơn cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư, lúa gạo... Ảnh: Trọng Linh.

Xã cũng tích cực quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bao tiêu lúa với hộ dân và thành viên HTX; phối hợp với Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kiên Giang triển khai chương trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 tại HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I với tổng diện tích 51,7 ha. Quá trình triển khai được xã viên đồng tình cao và tích cực tham gia.

Xã còn đăng ký tham gia mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện khoảng 500 triệu đồng.

Song song đó, xã Phi Thông cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, phối hợp với Tổ Kinh tế kỹ thuật của xã tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, tập huấn triển khai, thực hiện các mô hình sản xuất lúa, mô hình nuôi thủy sản. Đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế TP Rạch Giá, Trạm Bảo vệ thực vật triển khai mở các lớp tập huấn IPM, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến Dự án VnSAT, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khi hậu.

Nằm trong vùng Dự án VnSAT, vụ đông xuân 2021 - 2022, trên diện tích 500ha của HTX Nông nghiệp Đoàn kết I, nông dân chủ yếu gieo sạ các giống lúa Đài Thơm 8, RVT và ST25. Công ty Điền Tín tham gia ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa, nông dân được đầu tư lúa giống, thuốc BVTV, tới thời điểm thu hoạch, bán lúa sẽ khấu trừ lại. 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.