| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án VnSAT

Thứ Sáu 14/01/2022 , 17:19 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án VnSAT để hoàn thành đúng kế hoạch. Đồng thời, cần lan tỏa hơn nữa hiệu quả Dự án.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự vào chỉ đạo Hội nghị tổng kết Dự án VnSAT. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự vào chỉ đạo Hội nghị tổng kết Dự án VnSAT. Ảnh: Bá Thắng.

Ngày 14/1, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) có hiệu lực từ ngày 3/12/2015, với tổng số vốn ban đầu là 301 triệu USD. Nguồn vốn điều chỉnh theo Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 là 288,2 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 221,8 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ là 30,63 triệu USD, vốn tư nhân là 35 triệu USD.

VnSAT gồm 4 hợp phần. Cụ thể: Hợp phần A - Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Hợp phần B - Phát triển lúa gạo bền vững; Hợp phần C - Phát triển cà phê bền vững; và Hợp phần D - Quản lý dự án.

Phạm vi hoạt động dự án tại 13 tỉnh thành phố bao gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Ngoài ra, 7 tỉnh thí điểm tham gia thực hiện Hợp phần A là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng.

Mục tiêu phát triển của dự án nhằm góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của Ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạocà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.

VnSAT đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến tích cực của ngành lúa gạo vùng ĐBSCL trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

VnSAT đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến tích cực của ngành lúa gạo vùng ĐBSCL trong những năm qua. Ảnh: NNVN.

Cụ thể, đối với hợp phần lúa gạo: 200.000 ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha dự kiến tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 - 60 triệu USD/năm.

Đối với hợp phần cà phê: 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha dự kiến tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh; tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48 - 50 triệu USD/năm (242 - 250 triệu USD cho 5 năm). Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà phê (20 - 25 năm).

Đánh giá kết quả Dự án VnSAT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng các đơn vị thực hiện đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, tìm ra nhiều giải pháp "thuận thiên", thúc đẩy liên kết đa giá trị của chuỗi ngành hàng.

Lấy ví dụ về việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh đến năng suất vượt trội của vùng này (gấp khoảng 3,5 năng suất trung bình của thế giới), đồng thời phát triển tổng diện tích canh tác thêm 50.000 ha so với kế hoạch.

"Rất cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã giữ liên lạc thông suốt với Bộ NN-PTNT, để thống nhất công tác chỉ đạo cho địa phương. Rất cảm ơn các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan đã nỗ lực để đạt kết quả vượt chỉ tiêu này", Thứ trưởng Doanh nói.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Dự án VnSAT góp phần giúp tỉnh canh tác lúa bền vững. Hiện Kiên Giang đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng dự án. Tỉnh cam kết sẽ chủ động trong việc đối ứng nguồn vốn và hoàn thành các chỉ tiêu đúng hạn vào tháng 6/2022.

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức và canh tác cây cà phê nhờ Dự án VnSAT. Ảnh: NNVN.

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức và canh tác cây cà phê nhờ Dự án VnSAT. Ảnh: NNVN.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, phần còn lại của dự án còn khoảng 120 tiểu dự án. Ông đề nghị các địa phương tập trung triển khai trong thời tiết khô ráo hiện tại, nhất là khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại các tỉnh, thành phía Nam.

"Tất cả cần giữ đúng tiến độ, lên kế hoạch chi tiết cho từng tuần, từng tháng. Trung ương kết hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt khi giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đôn đốc...

Song song với việc đảm bảo tiến độ thực hiện, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu cần các bên thi công các công trình của dự án cần đảm bảo chất lượng công trình. Bởi dự án VnSAT là đầu tư cho HTX, nông dân, có nguồn vốn từ WB. Do đó, khi thi công, giám sát phải quan tâm cả đến thẩm mỹ, hình thức của công trình.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ NN-PTNT sẽ đi thăm các mô hình triển khai dự án VnSAT tại ĐBSCL, đồng thời tổ chức một số hội nghị để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, và bàn các giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ các tiểu dự án, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục chú trọng đào tạo, tập huấn, nhân rộng mô hình tham gia Dự án VnSAT. Đồng thời, ông yêu cầu tổ chức, đánh giá kết quả trong thực tế sản xuất.

Từ nay đến khi kết thúc dự án VnSAT còn chưa đầy 6 tháng. Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý các đơn vị, đặc biệt là Vụ Tài chính về thủ tục kết thúc dự án dựa trên hướng dẫn từ các nghị định liên quan.

"Chúng ta cần phối hợp tạo tiếng vang và lan tỏa các giá trị của Dự án VnSAT ra xã hội", Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh. 

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB bày tỏ sự hài lòng với những hợp phần đã hoàn thành của dự án VnSAT tại Việt Nam. Ông hi vọng, WB và Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có những hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.