| Hotline: 0983.970.780

VnSAT thay đổi bộ mặt ngành hàng cà phê Việt Nam

Thứ Ba 11/01/2022 , 09:35 (GMT+7)

Dự án VnSAT khi triển khai đã tái canh hàng trăm nghìn ha cà phê già cỗi của Việt Nam, giúp năng suất đạt 2,8 tấn/ha so với thế giới chỉ 1,8 tấn/ha.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy tiến độ thực hiện hợp phần cà phê năm 2022 và công bố kết quả triển khai hoạt động hạ tầng kỹ thuật cà phê đặc sản và cà phê cảnh quan thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN-PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên đánh giá cao hiệu quả mà dự án VnSAT đã mang lại cho ngành hàng cà phê các địa phương.

Thay đổi diện mạo ngành hàng cà phê

Theo ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, địa phương thực hiện 3 dự án cà phê bền vững. Dự án VnSAT đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi tư duy của người dân vùng dự án.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) đánh giá cao các giống cà phê mà Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo. Ảnh: Quang Yên.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) đánh giá cao các giống cà phê mà Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo. Ảnh: Quang Yên.

Cụ thể, dự án giúp tỉnh Kon Tum thành lập được 17 tổ hợp tác và HTX, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn tấn cà phê cho người dân. Đồng thời, giúp thay đổi cách sản xuất, tư duy mới cho nông dân theo hướng bền vững.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, địa phương đánh giá cao các kết quả mà dự án VnSAT mang lại. Dự án VnSAT đã góp phần thay đổi diện mạo ngành hàng cà phê tại Đăk Lăk nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung, giúp thay đổi nhiều chỉ tiêu của ngành hàng cà phê.

Liên quan đến tiến độ giải ngân các dự án, Đăk Lăk có 9 tiểu dự án đang triển khai. Trong đó, 5 tiểu dự án đã đạt trên 50% khối lượng, 4 tiểu dự án còn lại đang triển khai. Địa phương đảm bảo 9 dự án sẽ hoàn thành kịp tiến độ trước 30/6.

Tương tự, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, 6 mục tiêu của dự án VnSAT triển khai tại địa phương đã đạt 100%, có nhiều dự án hoàn thành đạt 300%. Theo ông Nghĩa, đây là dự án mà địa phương, người dân đánh giá rất cao và rất cần trong thời điểm hiện nay đối với ngành cà phê.

“VnSAT tiếp cận các nhóm vấn đề, công việc rất thiết thực của từng địa phương, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, các mô hình cà phê bền vững, hiệu quả. Dự án cũng giúp nông dân có kiến thức trong việc tái canh cà phê, đặc biệt là hình thành chuỗi liên kết về tiêu thụ, mở ra hướng đi có tương lai cho ngành cà phê bền vững”, ông Nghĩa nói.

Dự án VnSAT đã thay đổi diện mạo ngành cà phê Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Dự án VnSAT đã thay đổi diện mạo ngành cà phê Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Còn ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, lãnh đạo địa phương rất quan tâm sự hỗ trợ dự án VnSAT tại tỉnh.

Theo đó, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động rất thiết thực với người nông dân như: Tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật; xây dựng vườn ươm và quản lý giống; tái canh cà phê; giúp hình thành tổ chức nông dân.

Dự án cũng giúp kết nối các doanh nghiệp với tổ chức nông dân, góp phần phát triển chuỗi giá trị tốt hơn, bền vững hơn. Đăk Nông xác định cây tiêu và cây cà phê là cây trồng chủ lực và tập trung phát triển, triển khai sự hỗ trợ từ dự án VnSAT. Đối với các tiểu dự án đang triển khai, ông Yên cho biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã cam kết sẽ cơ bản xong trước 30/6/2022.

Giúp tái canh hàng trăm nghìn ha cà phê

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự án VnSAT được triển khai từ năm 2015 và hiện còn khoảng 6 tháng nữa sẽ kết thúc. Theo ông Đức, đây là thời điểm để đánh giá dự án một cách tổng thể để phát huy tính hiệu quả của các công trình đã đầu tư.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên sớm đưa các giống tốt ra sản xuất để người dân tái canh. Ảnh: Quang Yên.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên sớm đưa các giống tốt ra sản xuất để người dân tái canh. Ảnh: Quang Yên.

Năm 2014, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển cà phê bền vững và tái canh cà phê. Từ đó, Cục đã xây dựng và công bố bộ tài liệu về kỹ thuật cũng như điều kiện tái canh cà phê. Đặc biệt, dự án VnSAT phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai rất thành công giống cà phê chất lượng, giúp xây dựng hệ thống giống chất lượng cho chương trình tái canh.

“Nguồn vốn của VnSAT đã giúp nâng cao năng lực cho nông dân thông qua đào tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát huy rất tốt chương trình tái canh. Để phát huy dự án, Cục đề nghị các địa phương coi công việc tái canh là thường xuyên.

Các địa phương cần tích hợp tái canh cùng với mô hình cà phê cảnh quan cũng như cà phê đặc sản. Các địa phương cũng cần học hỏi mô hình cơ giới hóa trong trồng, thu hái và chế biến cà phê mà Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang thực hiện”, ông Đức nói.

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự án VnSAT là dự án lớn được Bộ NN-PTNT vận động tài trợ với số vốn 301 triệu USD. Đến nay, các tiêu chí của dự án đã cơ bản hoàn thành, giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả. Theo ông Mậu, dự án hoàn thành đã góp phần tạo sự tin tưởng của các tổ chức quốc tế. Từ đó, sẽ giúp việc vận động tài trợ các dự án khác thì dễ dàng hơn.

Năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam đã nâng lên rõ rệt nhờ dự án VnSAT. Ảnh: NNVN.

Năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam đã nâng lên rõ rệt nhờ dự án VnSAT. Ảnh: NNVN.

“Cùng với nỗ lực của các địa phương và người dân, hiện năng suất bình quân cà phê đã đạt 2,8 tấn/ha, trong khi thế giới chỉ 1,8 tấn/ha. Đây là thành công rất cao của ngành cà phê Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù công tác chế biến sâu chưa được như mong muốn nhưng đã có những chuyển biến tích cực. Đây là giải pháp giúp chúng ta nâng cao giá trị cà phê, từ đó hạn chế xuất khẩu cà phê thô”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

“Các địa phương cần tranh thủ sử dụng phần kết dư sao cho hiệu quả. Cần đánh giá về tính khả thi của các mô hình; cơ sở hạ tầng xây dựng có tác động tốt cho tỉnh hay không; chuỗi liên kết giúp kết nối thị trường ra sao. Các đơn vị cần có có đánh giá cuối cùng về dự án để làm cơ sở để vận động các dự án mới”, ông Mậu chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, dự án VnSAT đã giúp thay đổi bức tranh về sản xuất cà phê của Việt Nam. Dự án giúp Việt Nam nghiên cứu về cà phê rất bài bản, có bộ giống cà phê được Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo cho năng suất rất cao.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong khuôn khổ dự án, Bộ NN-PTNT đã xây dựng và hoàn thành 2 đề án rất quan trọng là quy hoạch về sản xuất cà phê đặc sản và cà phê cảnh quan. 

Khi triển khai, từng địa phương sẽ lựa chọn những địa điểm, bộ giống, quy trình canh tác, chế biến như thế nào để đưa cà phê đặc sản thành thương hiệu. Từ đó, cà phê đặc sản giúp đa dạng sản phẩm và nâng cao vị thế của Việt Nam. Với đề án cà phê cảnh quan, sẽ giúp các địa phương phát triển cà phê một cách hài hòa, phát triển bền vững về lâu dài.

Nhờ dự án VnSAT cải thiện hạ tầng, nông dân đã có điều kiện để thâm canh cà phê. Ảnh: NNVN.

Nhờ dự án VnSAT cải thiện hạ tầng, nông dân đã có điều kiện để thâm canh cà phê. Ảnh: NNVN.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cà phê của Việt Nam phần lớn trồng vào những năm 1980 - 1990, hiện đã già cỗi nên năng suất thấp. 

Do đó, năm 2014, Bộ NN-PTNT đặc ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tái canh 120.000ha, nhưng rất mừng là đến thời điểm này đã tái canh được 162.000ha, trong đó đã có sự hỗ trợ rất lớn từ Dự án VnSAT.

Nhờ xây dựng được quy trình chuẩn nên trong quá trình tái canh, năng suất tăng đều qua các năm. Để tái canh hiệu quả, Bộ và các địa phương đã siết lại khâu quản lý giống. Từ đó, các địa phương hình thành các vườn ươm có những loại giống tốt nhất để phát triển lâu dài.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục coi tái canh là việc thường xuyên. Đã tái canh thì các địa phương phải áp dụng quy trình chuẩn, lựa giống tốt nhất, phù hợp nhất cho người dân.

"Đối với cây dài ngày, nếu chúng ta trao nhầm giống không hiệu quả thì chúng ta nợ người dân mấy chục năm. Vì cây cà phê là phải đầu tư lớn. Do đó Bộ đưa ra một loạt các quy trình, quy định tái canh cà phê bền vững đề nghị các địa phương, người dân áp dụng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, dự án VnSAT đã hỗ rợ rất nhiều tổ chức nông dân, HTX về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, sân phơi... Do đó, các địa phương cần cố gắng phát huy vai trò của những cơ sở hạ tầng này trong việc liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển lâu dài, hiệu quả.

Các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thi công các tiểu dự án, hoàn thành công trình trước ngày 30/6/2022 để đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ, phát huy hiệu quả nguồn vốn, tránh lãng phí thất thoát; thường xuyên đôn đốc, giám sát, báo cáo tiến độ cho Bộ NN-PTNT để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Xem thêm
Tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng nguồn giống và công nghệ

TP. HCM Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi chú trọng tăng chất lượng, sản lượng đàn bò thịt trong thời gian tới nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bắt 584kg nội tạng động vật hôi thối chuẩn bị vào nhà hàng

PHÚ THỌ 584kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được mua gom trôi nổi trên thị trường để bán cho các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất