| Hotline: 0983.970.780

Cảnh sát Mỹ và những rắc rối chuyện quân sự hóa

Thứ Ba 30/06/2020 , 06:35 (GMT+7)

Tất cả bắt đầu trong Thời kỳ cấm đoán vào những năm 1920. Tội phạm có tổ chức bắt đầu trỗi dậy...

Cảnh sát Mỹ tại thị trấn Ferguson ở bang Missouri. Ảnh: AP.

Cảnh sát Mỹ tại thị trấn Ferguson ở bang Missouri. Ảnh: AP.

Giới phân tích cho rằng cảnh sát ngày nay hoạt động giống như quân nhân, sử dụng các kỹ thuật và thiết bị được thiết kế để đánh trận, hơn là những người gìn giữ hòa bình trong cộng đồng có nhiệm vụ giữ an toàn cho người dân, và cách tiếp cận này khiến nhiều người dân mất mạng.

Nguyên nhân

Việc quân sự hóa cảnh sát được các học giả định nghĩa là “quá trình diễn biến, theo đó đặc trưng dân sự của cảnh sát ngày càng rút lui và hình thành các đặc trưng, nguyên lý của chủ nghĩa quân phiệt và mô hình quân sự”.

Tất cả bắt đầu trong Thời kỳ cấm đoán vào những năm 1920. Tội phạm có tổ chức bắt đầu trỗi dậy. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của cướp ngân hàng với các nhân vật được coi là “Robinhood” như Bonnie và Clyde, Pretty Boy Floyd, John Dillinger.

Tổng số tội phạm tăng 24% trong hai năm đầu tiên của Thời kỳ cấm đoán, bao gồm tăng 9% trộm cắp, tăng 13% số vụ giết người cũng như các vụ tấn công và ẩu đả.

Một nghiên cứu ở Nam Carolina cho thấy những quận không thi hành luật cấm gia tăng đáng kể 30-60% số vụ giết người so với các quận đã thi hành luật.

Vài thập kỷ sau, nước Mỹ chứng kiến một làn sóng quân sự hóa khác của cảnh sát trong các cuộc bạo loạn chủng tộc.

Các sự cố như vụ xả súng ở Miami năm 1986 và Bắc Hollywood năm 1997 là bước ngoặt, đề ra yêu cầu quân sự hóa đối với lực lượng thực thi pháp luật do các sĩ quan không có đủ sức mạnh ngăn chặn những tội ác đó.

Lịch sử

Chính sách quân sự hóa có từ những năm 1960. Việc mua lại các thiết bị quân sự của các sở cảnh sát địa phương bắt đầu trong Cuộc chiến chống tội phạm dưới thời Lyndon B. Johnson. Đạo luật Hỗ trợ Thi hành Luật năm 1965 (LEAA) từng thiết lập một nguồn tài trợ liên bang để tăng cường sức mạnh và quy mô của cơ quan thực thi pháp luật địa phương.

Năm 1968, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Kiểm soát Tội phạm và An ninh Đường phố Omnibus biến nguồn tài trợ này trở thành vĩnh viễn.

Cuộc chiến chống ma túy và cuồng loạn xung quanh gia tăng bạo lực thúc đẩy vấn đề đi xa hơn. Tổng thống Richard Nixon bắt đầu một chiến dịch tích cực nhằm hạn chế sử dụng và phân phối ma túy vào tháng 6/1971. Yêu cầu của Nixon rất rõ ràng: Cảnh sát phải trở thành những người lính tiền tuyến.

Năm 1989, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA), bao gồm cả khoản tài trợ Mục 1208, cho phép chuyển các mặt hàng quân sự cho các sở cảnh sát địa phương.

Việc quân sự hóa cảnh sát leo thang với Chương trình 1033, do Tổng thống George HW Bush khởi xướng vào năm 1990.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Sắc lệnh 13688 ra đời, đặt ra các hạn chế đối với việc chuyển giao liên bang và tài trợ cho các thiết bị quân sự cho cảnh sát địa phương.

Nhưng hiện nay, Tổng thống Trump lại đảo ngược các hạn chế và khôi phục hoàn toàn chương trình mà ông Obama đã cắt giảm.

Hiện tại

Các nhà quan sát đã ghi nhận vấn đề quân sự hóa trong kiểm soát các cuộc biểu tình.

Từ những năm 1970, cảnh sát chống bạo động đã sử dụng súng bằng đạn cao su hoặc đạn nhựa bắn những người biểu tình. Hơi cay do Quân đội Hoa Kỳ phát minh để kiểm soát bạo loạn vào năm 1919, vẫn được sử dụng rộng rãi đến tận ngày này dù nó bị cấm sử dụng trong chiến tranh.

Cho đến những năm 1990, quân đội Hoa Kỳ đã chuyển hơn 5 tỷ USD thiết bị, từ túi ngủ đến đạn dược và cả xe bọc thép, cho các sở cảnh sát địa phương thông qua chương trình chuyển nhượng đặc biệt với Bộ Quốc phòng.

Ngày nay, có hơn 18.000 cơ quan thực thi pháp luật địa phương, tiểu bang và liên bang tại Hoa Kỳ. Hơn 420.000 nhân viên thực thi pháp luật được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn công cộng. Mỗi năm, cơ quan thực thi pháp luật tiến hành hơn 10 triệu vụ bắt giữ. Ngân sách dành cho các lực lượng này là hơn 126 tỷ USD mỗi năm.

Cảnh sát không chỉ có được nhiều vũ khí hơn trong hai thập niên qua, mà nhiều người còn được dạy các chiến thuật quân đội.

Giới phê bình nói rằng khóa đào tạo này dạy cảnh sát phải sợ, và "bắn trước, nghĩ sau".

Vào năm 2019, Thị trưởng thành phố Minneapolis Jacob Frey đã cấm cảnh sát tham gia khóa đào tạo "kiểu chiến binh", ngay cả khi họ tự trả tiền. Nhưng liên minh cảnh sát địa phương gọi lệnh cấm là "bất hợp pháp" và tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo.

Có nghiên cứu cho thấy quân sự hóa dẫn đến bạo lực trong lực lượng cảnh sát. Năm 2017, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu và Chính trị cho thấy cảnh sát càng có nhiều vũ khí quân sự thì càng nhiều khả năng họ sẽ sử dụng chúng.

Hình ảnh cảnh sát mặc đồ chiến đấu và trang bị súng trường tấn công, bên cạnh những chiếc xe bọc thép đầy ấn tượng được triển khai khi các cuộc bạo loạn nổ ra vào cuối tháng 5 sau cái chết của George Floyd, đã làm dấy lên tranh cãi.

Dự luật cải cách cảnh sát vừa được gần 200 dân biểu, chủ yếu thuộc đảng Dân Chủ đệ trình, khẳng định rằng đó là những loại vũ khí chiến tranh và đã đến lúc “ngừng quân sự hóa cảnh sát”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.