| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính

Thứ Sáu 25/12/2020 , 06:30 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đang thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động của con người là chủ yếu.

Theo Bộ TN-MT, tổng phát thải nhà kính năm 2010 riêng lĩnh vực nông nghiệp là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương với 32,2% tổng lượng phát thải nhà kính của toàn quốc gia. Trong đó, phát thải từ canh tác lúa chiếm cao nhất với 50,49%, từ chăn nuôi là 10,72%; quản lý phân bón 9,69%; từ đất nông nghiệp là 26,95%…                                    

Trước tình hình đó, là một quốc gia nông nghiệp với ngành sản xuất lúa chiếm tỷ trọng lớn, Việt Nam đã chủ động cam kết giảm lượng phát thải hàng năm với nguồn lực trong nước ở mức 8% tới năm 2030 nếu so sánh với kịch bản thông thường. 

Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón lớn, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền từ lâu đã nhận thức được trách nhiệm đóng góp của mình vào công cuộc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững.

Mô hình canh tác lúa thông minh Bình Điền phối hợp với Trung tâm KNQG ngày càng lan tỏa.

Mô hình canh tác lúa thông minh Bình Điền phối hợp với Trung tâm KNQG ngày càng lan tỏa.

Theo đó công ty xác định phải giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Từ trước những năm 2010, Ban lãnh đạo công ty đã chủ trương phát triển những sản phẩm phân bón tiết kiệm đạm (N), Lân (P2O5) bằng cách bổ sung các hoạt chất là sản phẩm của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Agrotain (tên thương mại của hóa chất nBTPT– n-Butyl Thiophosphoric Triamide)...  để ức chế men urease làm hạn chế quá trình chuyển hóa từ phân urê thành amoniac sau khi bón xuống ruộng; hay Avail chứa Maleic Itaconic Copolymer bảo vệ lân (P2O5) không bị cố định bởi Sắt (Fe), Nhôm (Al)… trong đất, để cây trồng có thể hấp thu hiệu quả hơn.

Đạm vàng Đầu Trâu 46A+ của Cty Bình Điền. Ảnh: Ngọc Vân.

Đạm vàng Đầu Trâu 46A+ của Cty Bình Điền. Ảnh: Ngọc Vân.

Đội ngũ các cán bộ và nhà khoa học của Bình Điền tin rằng để giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa thì không thể chỉ tập trung vào yếu tố phân bón mà phải là một giải pháp tổng hợp. Chính vì vậy, một quy trình canh tác lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính đã được xây dựng dựa trên cơ sở các sản phẩm phân bón của công ty kết hợp với các kỹ thuật canh tác tiên tiến được nghiên cứu trong và ngoài nước. Quy trình này gồm 04 bước cơ bản:

Một là khâu làm đất, sau mỗi vụ thu hoạch, thay vì đốt rơm rạ như kỹ thuật canh tác truyền thống sẽ phát thải ra nhiều khí cacbonic (CO2) vào không khí hay vùi lấp rơm rạ vào đất để quá trình phân hủy tự nhiên diễn ra sẽ mất nhiều thời gian, dễ gây ngộ độc hữu cơ cho rễ lúa thì trong quy trình này các chế phẩm vi sinh vật có lợi được bổ sung, giúp phân hủy rơm rạ diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ trong rơm rạ được trả lại cho đất, giúp bộ rễ phát triển tốt hơn, hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn.

Hai là sử dụng kỹ thuật cấy hàng rộng x hàng hẹp, cấy 2-3 khóm, cây cách cây 15-17cm, hàng hẹp 20cm x hàng rộng 30 cm mật độ cấy 25-33 khóm/m2 hoặc kỹ thuật sạ lan với mật độ 70 – 100 cây/m2 với mục đích giảm lượng giống và đặc biệt cấy theo phương pháp này sẽ tận dụng tối đa lượng ánh sáng chiếu vào thân, gốc, lá, làm cho cây lúa được quang hợp tốt hơn, sinh trưởng và phát triển tốt, lúa đẻ nhánh khỏe, cây cứng, hạn chế sâu bệnh. Số bông trên khóm nhiều hơn, bông to, dài và đều, tỷ lệ hạt chắc/bông cao hơn so với cấy lúa truyền thống.

Ba là kỹ thuật bón phân với ưu điểm sử dụng các loại phân bón được bổ sung các hoạt chất tiết kiệm đam (N), lân (P2O5) như Đầu Trâu 46A+, DAP - Avail, Đầu Trâu Agro Lúa 1 có thành phần Đạm (Nts): 20%; Lân (P2O5hh): 15%; Kali (K2Ohh): 7%; Lưu huỳnh (S): 2%, Zn: 120 ppm, B: 80ppm, n-BTPT: 30ppm; Đầu Trâu Argo Lúa 2 có thành phần Đạm (Nts): 18%; Lân (P2O5hh): 4%; Kali (K2Ohh): 20%; Lưu huỳnh (S): 1,5%, Zn: 120ppm, B: 100ppm, n-BTPT: 35ppm. Việc đảm bảo cung cấp vừa đủ lượng bón cho cây lúa sử dụng hiệu quả sẽ giúp hạn chế các quá trình phân hủy các chất dinh dưỡng làm phát thải các loại khí nhà kính như CO2, CH4, N2O vào môi trường.

Bốn là áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ (Alternate Wetting and Drying Irrigation - AWD) do Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Bộ NN-PTNT ở Việt Nam đã phổ biến. Đây là công nghệ tiết kiệm nước có thể làm giảm phát thải khí metan (CH4) từ đồng ruộng do sự thay đổi điều kiện bề mặt của đồng ruộng từ tình trạng yếm khí sang trạng thái oxi hóa do được tiếp xúc với không khí một cách thường xuyên.

Minh chứng thiết thực nhất cho hiệu quả của quy trình canh tác này kết quả từ cuộc thi “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults” (AVERP) do Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức tại Thái Bình từ 2016 – 2021. Tham gia cuộc thi này, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền hợp tác cùng với đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình và các đối tác như Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, các Hợp tác xã Nông nghiệp ở địa phương thực hiện nhiều mô hình trình diễn công nghệ từ Giai đoạn I (2017 – 2018) đến Giai đoạn 2 (2019 – 2020) dưới sự đánh giá của các đơn vị kiểm định độc lập như Công ty Applied Geo-Solutions... Đến thời điểm hiện tại, qua kết quả đánh giá của 03/04 vụ dự thi của giai đoạn 2, công nghệ của Bình Điền đã cho thấy hiệu quả cắt giảm khí thải nhà kính so với các mô hình đối chứng.

Đây là những kết quả bước đầu cho thấy nỗ lực của Bình Điền trong việc tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó hướng đến mục tiêu giảm phát thải các loại khí nhà kính. Công ty sẽ xem đây là mục tiêu xuyên suốt để tiếp tục nghiên cứu và cải tiến cho ra nhiều sản phẩm phân bón kèm theo đó là các quy trình canh tác phù hợp để vừa đảm bảo năng suất vừa đáp ứng yêu cầu giảm tác động môi trường.

Xem thêm
Công ty Tiến Nông lần thứ 6 đạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Giải thưởng là động lực để Tiến Nông tiếp tục nỗ lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?